Tệ nạn xã hội bủa vây khu công nghiệp
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 09:35, 19/07/2018
Hiện nay, để phòng chống tội phạm ở các khu công nghiệp, một số địa phương bố trí các lực lượng Công an như: An ninh kinh tế, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy… Tuy vậy, các hoạt động tội phạm và tệ nạn xã hội xảy ra rất đa dạng trong đó nổi lên các vấn đề như: tranh giành địa bàn, lừa đảo, cố ý làm trái...
Một trong những vấn đề nổi cộm nữa là các hành vi trộm cắp trong các khu công nghiệp. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay ở Bắc Ninh đã xảy ra 128 vụ, Thái Nguyên 50 vụ, Vĩnh Phúc 32 vụ, Hải Dương 14 vụ và Hải Phòng 20 vụ. Bên cạnh đó còn rất nhiều vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự khác như: cố ý gây thương tích, đánh bạc, ma túy…
Trong số các địa phương tập trung đông công nhân lao động, Vĩnh Phúc là địa phương có số lượng vừa phải, tuy nhiên tình hình an ninh, trật tự ở các khu công nghiệp trên địa bàn cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ phức tạp. Ông Đặng Xuân Thu, Trưởng ban Đối ngoại Công ty cổ phần Prime Group chia sẻ, hiện công ty có 70% người lao động địa phương, 30% người lao động là người ngoại tỉnh.
Qua nắm bắt tình hình trong công ty, ông Thu cho biết cuộc sống người lao động đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề xã hội. Theo ông Thu, những vấn đề nổi cộm là tệ nạn tín dụng đen, cờ bạc bủa vây, ảnh hưởng đến người lao động, khiến người lao động sa ngã, không tập trung làm việc. Bên cạnh đó, một số thế lực có sự kích động lôi kéo người lao động tham gia biểu tình, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn khu vực.
Đề cập đến tình hình an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc cũng thừa nhận, thực tế ở các khu công nghiệp, khu chế xuất ở tỉnh Vĩnh Phúc có tình trạng vi phạm pháp luật của một số đối tượng xấu.
Trong khi đó, ông Dương Văn Thái, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho hay, tỉnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, ở các khu công nghiệp với hơn 200 dự án được cấp phép, điều này tạo điều kiện cho người lao động có nguồn thu nhập, đảm bảo kinh tế, nhưng đặt ra vấn đề cần quan tâm như nhà ở, an ninh trật tự…
Về tình hình an ninh trật tự ở các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Thái Nguyên, khi các nhà đầu tư vào Thái Nguyên xây dựng các nhà máy cần rất nhiều công nhân, có lúc đến đến vài chục nghìn lao động; công nhân nhiều kéo theo dịch vụ nhà hàng, quán hát, cầm đồ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trật tự. Thực tế có tình trạng công nhân bị hành hung, mất cắp tài sản ở các nhà máy, vì vậy, để đảm bảo an ninh trật tự, tỉnh Thái Nguyên ban hành quy chế phối hợp với Công an để đảm bảo an ninh trật tự ở các khu công nghiệp.
Đánh giá về thực trạng này, Đại tá Lê Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu cảnh sát (Bộ Công an) nhận xét, công nhân các khu công nghiệp, chủ yếu là thanh, thiếu niên tuổi từ 18-25. Hầu hết lực lượng công nhân là học sinh phổ thông, lao động phổ thông. Họ làm tăng ca để tăng thu nhập. Trong và ngoài khu công nghiệp, tình trạng trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút còn tồn tại.
Ngoài ra, công nhân bị lôi kéo vào hoạt động mại dâm, bị lôi kéo xúi giục, gây rối trật tự, đập phá tài sản…, chính họ không biết họ phạm tội. Để giải quyết được vấn đề này, Đại tá Lê Văn Chương đưa ra các giải pháp như phải nâng cao nhận thức phòng chống tội phạm là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của chính người công nhân nên cần huy động sức mạnh toàn dân vào công cuộc phòng, chống tội phạm.
Tiếp đó, cấp ủy chính quyền cần ra nghị quyết đảm bảo an ninh, trật tự. Một vấn đề rất cần thiết nữa là thành lập đồn, trạm ngay khu công nghiệp. Bên cạnh đó là phải đẩy mạnh công tác truyền thông và phòng ngừa cho công nhân, đặc biệt là cung cấp đường dây nóng để cung cấp thông tin cho Công an; tăng cường công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là tại các nhà ăn, nhà nghỉ, tiệm cầm đồ…, yêu cầu các đơn vị này ký cam kết đảm bảo an ninh trật tự.
“Hằng năm, chúng tôi cũng phối hợp với Liên đoàn Lao động và doanh nghiệp để chấm điểm về an ninh trật tự tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong những năm vừa qua, chúng tôi duy trì giao ban giữa các bên để kịp thời phát hiện và phòng chống tội phạm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, Đại tá Lê Văn Chương cho biết.
Đại tá Lê Văn Chương cho biết thêm, khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật, thì công nhân phải báo ngay cho lực lượng công an gần nhất để có phương án xử lý, đấu tranh kịp thời. Đồng thời, Đại tá Lê Văn Chương nhấn mạnh vai trò của đường dây nóng ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hoạt động của đường dây nóng, đang được đánh giá là hiệu quả nhất hiện nay.
Ở góc độ hoạt động công đoàn, ông Trần Văn Thuật, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nhiệm vụ cụ thể đặt ra là phải phòng tránh thế nào khi tội phạm tấn công công nhân, làm sao để công nhân tránh xa các tệ nạn ma túy, mại dâm, tụ tập đông người, gây rối, đình công. Ông Trần Văn Thuật nhấn mạnh, tình trạng tín dụng đen cũng rất phức tạp, nếu công nhân lỡ sa vào, dễ bị kẻ xấu khống chế, vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của hệ thống công đoàn cơ sở là làm sao vận động công nhân tránh được.
Để chuyển tải thông điệp đó đến công nhân, cần xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, nói làm sao để công nhân thấm được các thông điệp đưa ra, tránh các nguy cơ bị tội phạm tấn công. Bên cạnh đó, phải phòng ngừa từ xa, thông qua các hoạt động như thương lượng, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ, lành mạnh. Tổ chức tăng cường đối thoại với công nhân, để công nhân tập trung làm việc, không bị lôi kéo.