Cảnh giác chiêu trò giả danh Công an lừa đảo qua điện thoại
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 11:09, 18/07/2018
Hai người này đe dọa, nếu bà T. không chuyển tiền, họ sẽ phối hợp với Công an sở tại tiến hành bắt tạm giam bà để điều tra. “Họ gọi điện qua máy điện thoại bàn, người đàn ông giới thiệu là Trần Hữu Bình công tác trong lực lượng Công an hình sự và người phụ nữ tự giới thiệu là Nguyễn Thu Thủy, làm ở Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh.
Cả hai người này đều nói giọng Bắc, liên tục gọi điện đe dọa, bảo tôi phải chuyển tiền qua số tài khoản 050063801159 của Đinh Thị Thạnh. Họ còn dặn, khi nào chuyển tiền thì phải chụp ảnh nhân viên và nơi gửi để bảo đảm an toàn”, bà T. nói.
Tương tự, bà Trần Thị Thu D., ở đường Trần Hưng Đạo, phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi, cho biết, buổi sáng bà vừa đi tập thể dục về thì nghe điện thoại reo, nội dung cuộc gọi cũng giống như bà T., hai người một nam, một nữ nói giọng Bắc thay nhau đe dọa bà, cho rằng bà có liên quan đến một tội phạm kinh tế, nếu không hợp tác sẽ bị bắt. Tuy nhiên, qua theo dõi trên truyền hình, báo chí và được Công an địa phương cảnh báo về thủ đoạn mới của bọn tội phạm lừa đảo nên bà D cảnh giác không làm theo lời các đối tượng trên, khiến đối tượng không thực hiện được hành vi lừa đảo...
Thiếu tá Lê Quang Đình, Phó trưởng Công an phường Chánh Lộ, cho hay, 2 năm trước, với thủ đoạn này, một người dân trên địa bàn phường đã bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 6-2018 đến nay, cơ quan Công an liên tục nhận đơn trình báo của nhiều người dân bị các đối tượng giả danh Công an gọi điện đến với mục đích lừa đảo. Điều đáng mừng là các trường hợp bị lừa đảo đã “thoát nạn”, không bị mất tiền, do biết cảnh giác và thông báo đến cơ quan Công an kịp thời.
Để phòng ngừa hiệu quả đối với thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại thì người dân cần có ý thức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng... Trường hợp có người tự xưng là Công an thì đề nghị họ cho biết tên, nơi làm việc, giấy mời, hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó...
Đặc biệt, không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, khi chưa biết rõ lai lịch họ và sử dụng vào mục đích gì; không mua, bán, chuyển giao tài khoản cá nhân, hoặc cho mượn giấy chứng minh nhân dân. Người dân cũng cần cẩn trọng khi chia sẻ những thông tin cá nhân trên mạng Internet, nhất là các trang mạng xã hội, để tránh bị khai thác thông tin cá nhân để lừa đảo.
Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức nào hoạt động lừa đảo, hoặc số tài khoản nào được yêu cầu chuyển nộp tiền không có lý do chính đáng thì cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời xử lý, ngăn chặn.