Xử phạt 12 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 10:04, 08/06/2018
12 cơ sở này có địa chỉ tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Công ty Cổ phần Phát triển thảo dược Việt Nam có địa chỉ tại A13, Nơ 4, Khu đô thị mới Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội bị phạt 100 triệu đồng do vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hamomax trên website http://hamomax.vn gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hamomax trên website http://hamomax.vn sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân.
Công ty TNHH Đầu tư Thương mại STS Việt Nam, địa chỉ tại Số 6 ngõ 5 đường Liên Mạc, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bị phạt 50 triệu đồng do vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trường vương thượng bổ trên các website http://truongvuongthuongbo24h.com.vn và http://truongvuongthuongbo.info.vn gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
10 công ty còn lại bao gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Bảo Tâm; Công ty Cổ phần Thọ Xuân Đường; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hòa Bình; Công ty TNHH Ecopath Việt Nam; Công ty TNHH UNITED SPOT MEDICAL; Công ty Cổ phần Dược phẩm Quốc tế Á Châu; Công ty Cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội; Công ty TNHH Mộc Hoa Đường; Công ty Cổ phần Thiết bị vật tư y tế Nam Việt; Công ty TNHH Thương mại điện tử Lotte Việt Nam hầu hết đều vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo, với số tiền phạt 25, 35 và 50 triệu đồng.
Cùng với xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc các cơ sở tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm.
Trao đổi về vấn đề xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, việc thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã tạo điều kiện thông thoáng tối đa vấn đề tiền kiểm, tập trung vào hậu kiểm. Các doanh nghiệp (trừ 4 nhóm thực phẩm có yêu cầu đặc biệt) tự công bố, tự chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm, cơ quan chức năng thực hiện hậu kiểm, phát hiện sai phạm xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc tự công bố, không có nghĩa là doanh nghiệp thích gì công bố đó, mà phải đạt “trần” giới hạn an toàn mà Ủy ban Tiêu chuẩn codex đã ban hành. Trách nhiệm doanh nghiệp rất lớn, nếu công bố không đúng đưa ra thị trường, khi cơ quan chức năng tiến hành hậu kiểm không đạt chất lượng không chỉ phạt mà thu hồi, tiêu huỷ, thậm chí xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Đồng thời cần phải công khai các hành vi, tên của các cơ sở sản xuất vi phạm an toàn thực phẩm để cảnh báo người tiêu dùng.
Bên cạnh đó cũng cần thông tin rộng rãi về các cơ sở sản xuất an toàn. Nếu xử lý mà không công bố đầy đủ nội dung vi phạm, tên cơ sở vi phạm đến cộng đồng là không đạt yêu cầu.