Những chính sách có hiệu lực từ tháng 6/2018
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:43, 01/06/2018
Sắp xếp lại, xử lý nhà đất công
Từ ngày 1/6/2018, Thông tư 37/2018/TT-BTC hướng dẫn về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công bắt đầu có hiệu lực.
Thông tư này hướng dẫn chi tiết một số nội dung về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (bao gồm: đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất) bao gồm: Lập báo cáo kê khai, tổng hợp và lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; hội đồng xác định giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức chỉ định; tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước phải di dời theo quy hoạch hoặc do ô nhiễm môi trường; quản lý, sử dụng tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được xác định là phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Theo Thông tư này, tiền chuyển mục đích sử dụng đất (gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trả một lần cho cả thời gian thuê) đối với nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước phải di dời theo quy hoạch hoặc do ô nhiễm môi trường quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai.
Thông tư cũng quy định rõ về hỗ trợ di dời đối với hộ gia đình, cá nhân đã bố trí làm nhà ở không đủ điều kiện chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý.
Buộc tháo dỡ công trình xây dựng không có giấy phép
Theo Thông tư 03/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng, từ ngày 15/01/2018, khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính như: Xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp; xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng được quy định tại Khoản 2, Khoản 4 hoặc Khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, mà hành vi này đã kết thúc, thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Công trình, phần công trình xây dựng vi phạm phải được tháo dỡ theo phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệt cho đến khi phần còn lại của công trình đảm bảo an toàn chịu lực khi đưa vào sử dụng.
Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm tra, phê duyệt và thực hiện phương án, giải pháp phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Phương án, giải pháp phá dỡ phải đảm bảo an toàn công trình xây dựng sau khi phá dỡ phần vi phạm, tính mạng, sức khỏe, công trình xây dựng lân cận và đảm bảo vệ sinh, môi trường.
Trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thuê tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ, giao cơ quan chuyên môn về xây dựng cùng cấp thẩm định trước khi quyết định phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ. Chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến việc cưỡng chế tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm: lập, thẩm định, phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ.
Hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định 58/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành nhằm quy định về bảo hiểm nông nghiệp. Nghị định có hiệu lực từ ngày 05/6/2018.
Theo đó, các cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp nằm trong chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) của Nhà nước sẽ được hưởng mức hỗ trợ như sau: Cá nhân sản xuất nông nghiệp (SXNN) thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 90% phí BHNN; Cá nhân SXNN không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 20% phí BHNN; Tổ chức SXNN có quy mô lớn áp dụng KHCN và quy trình sản xuất tiên tiến, hướng tới nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường: Hỗ trợ tối đa 20% phí BHNN.
Bảo hiểm nông nghiệp sẽ hỗ trợ nếu các đối tượng nằm trong các rủi ro: Rủi ro thiên tai: Bão, lốc, sét, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán, rét hại,...thiên tai phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước (CQNN); Rủi ro bệnh dịch: Dịch bệnh của động vật, dịch hại thực vật, dịch bệnh phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước.
Hồ sơ công nhận nghề truyền thống
Bắt đầu từ ngày 01/6/2018, Nghị định 52/2018/NĐ-CP quy định một số nội dung, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề sẽ có hiệu lực. Theo đó, hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống bao gồm các giấy tờ sau:
- Bản tóm tắt quá trình hình thành, phát triển của nghề truyền thống;
- Bản sao giấy chứng nhận, huy chương đã đạt được trong các cuộc thi, triển lãm trong nước và quốc tế hoặc có tác phẩm đạt nghệ thuật cao được cấp tỉnh, thành phố trở lên trao tặng (nếu có);
- Đối với những tổ chức, cá nhân không có điều kiện tham dự các cuộc thi, triển lãm hoặc không có tác phẩm đạt giải thưởng thì phải có bản mô tả đặc trưng mang bản sắc văn hóa dân tộc của nghề truyền thống;
- Bản sao giấy công nhận Nghệ nhân nghề truyền thống của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).
Theo quy định, cơ quan có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống theo tiêu chí và trình UBND cấp tỉnh xét công nhận là UBND cấp huyện. Trong vòng 30 ngày làm việc, UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét duyệt, chọn những đối tượng đủ tiêu chuẩn và ra quyết định và cấp bằng công nhận nghề truyền thống.
Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn
Theo Quyết định 19/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển để sản xuất sản phẩm nông nghiệp; Tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao, doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt ít nhất 60% trong tổng số doanh thu thuần hàng năm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này phải có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp…; Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế.
Quyết định 19/2018/QĐ-TTg bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/6/2018.