Vụ tàng trữ rùa biển lớn nhất thế giới: Thu gom rùa bằng… bia?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 09:47, 31/05/2018

Tàng trữ gần 4.400 cá thể rùa biển, ông Hoàng Tuấn Hải - ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - có thể lãnh án nặng hơn theo luật mới.

Ngày 30-5, TAND TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ" đối với bị cáo Hoàng Tuấn Hải (SN 1972).

Chưa kinh doanh

Theo cáo trạng, tháng 11-2014, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ tại kho xưởng của ông Hải 2.230 xác rùa biển khô. Đến tháng 12-2014, Công an tỉnh Khánh Hòa tiếp tục kiểm tra, phát hiện ông Hải cất giấu thêm 4.383 xác rùa biển và 789 vỏ trai tai tượng khổng lồ (nằm trong nhóm danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ lớn và rất lớn). Quá trình điều tra xác định dù không có giấy phép kinh doanh nhưng từ năm 2010, ông Hải đã mua xác rùa từ ngư dân với mục đích làm nguyên liệu chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ để bán kiếm lời.

3 duoi 15276890915891449885237
Bị cáo Hoàng Tuấn Hải cho biết việc thu mua xác rùa biển bằng bia, rượu, thuốc lá

Tại phiên tòa, bị cáo Hải khai không thu mua rùa biển bằng tiền mà chỉ dùng vật chất như rượu, bia, thuốc lá để đổi xác rùa của các ngư dân từ năm 2010. Đến năm 2014, khi bị phát hiện, ông Hải chưa kinh doanh từ những xác rùa này. "Bị cáo không biết rùa nằm trong danh mục cấm. Cáo trạng đưa ra nói bị cáo phạm tội, bị cáo cũng không rành luật pháp, không biết mức án mà VKSND đưa ra có đúng người đúng tội hay không" - bị cáo Hải nói.

Trong quá trình xét hỏi, VKSND TP Nha Trang cho rằng bị cáo Hải không thành khẩn khai báo. Khi cơ quan chức năng phát hiện kho rùa thứ nhất bị cáo không khai kho rùa thứ 2. Điều đó chứng tỏ bị cáo biết việc tàng trữ xác rùa là vi phạm pháp luật. Hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, môi trường sinh thái.

Nâng khung hình phạt

Đại diện VKSND TP Nha Trang cho rằng ông Hải đã có hành vi phạm tội "Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ" theo điểm đ, khoản 2, điều 190 Bộ Luật Hình sự năm 1999 với mức án từ 2 đến 7 năm tù. Cáo trạng lần này đã tăng khung hình phạt so với cáo trạng ngày 1-3-2017 chỉ truy tố ông Hải theo khoản 1, điều 190 với khung hình phạt là phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Vụ án này được Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) xác định đây là vụ tàng trữ xác rùa biển với số lượng lớn nhất thế giới từ trước đến nay. Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV, chia sẻ: "ENV hoàn toàn đồng tình với nội dung bản cáo trạng mới của VKSND TP Nha Trang. Nó là một cơ hội lớn để Việt Nam chứng minh cho cả thế giới quyết tâm cao của quốc gia trong nỗ lực bảo vệ rùa biển và xử lý các đường dây tội phạm liên quan đến động vật hoang dã quý hiếm".

Bào chữa cho bị cáo Hải, luật sư Nguyễn Hồng Hà cho rằng hành động mua xác rùa vào thời điểm năm 2010 đã hết hiệu lực xử lý. Sau năm 2010, bị cáo Hải không săn bắt, giết chóc, mua bán rùa biển mà chỉ thu gom xác rùa, cũng chưa có hoạt động thương mại.

Luật sư viện dẫn Công văn ngày 30-8-2016 của VKSND Tối cao về hướng dẫn giải quyết vụ án trên theo hướng thống nhất xử lý bị cáo theo khoản 1, điều 190 Bộ Luật Hình sự. Song VKSND tỉnh Khánh Hòa có công văn yêu cầu truy tố theo hướng tăng khung hình phạt căn cứ Thông tư liên tịch số 19 là chưa hợp lý. Vì thông tư liên tịch số 19 chỉ hướng dẫn áp dụng trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản còn rùa biển thuộc động vật thủy sinh. Ngày 4-6, HĐXX sẽ tuyên án.