Vụ bé 20 ngày tuổi bị sát hại ở Thanh Hóa: "Thầy bói" có bị xử lý?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 29/11/2017
Những ngày qua, vụ việc cháu bé 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa bị giết hại đã gây phẫn nộ dư luận. Nghi phạm được xác định là Phạm Thị X. (66 tuổi, quê Thái Bình), bà nội nạn nhân.
Bước đầu, bà X. khai, nguyên nhân khiến bà sát hại cháu nội do nghe lời thầy bói.
Dư luận đang đặt vấn đề, vậy hành vi của thầy bói có bị xử lý?
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, nếu có căn cứ chứng minh đối tượng thầy bói đã có hành vi xúi giục bà nội sát hại cháu thì đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giết người với vai trò người xúi giục kích động, thúc đẩy người khác thực hiện hành vi phạm tội.
Hiện trường nơi phát hiện thi thể bé gái sơ sinh - Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Còn nếu đối tượng thầy bói trong quá trình hành nghề mê tín dị đoan chỉ nói chung chung với bà nội và không có hành vi cụ thể xúi giục sát hại cháu bé (như cháu bé không hợp với những người trong gia đình, sự tồn tại của cháu sẽ khiến người khác bị hao tổn sức khỏe, tính mạng), từ đó, bà nội cháu bé vì mê muội không phân biệt rõ đúng sai đã tin theo rồi sát hại cháu thì thầy bói có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín dị đoan được quy định trong BLHS.
Theo đó, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng – 3 năm. Trường hợp phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3-30 triệu đồng.
Cùng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho rằng: Đối với hành vi của đối tượng thầy bói cần thiết làm rõ có việc hành nghề mê tín dị đoan và xúi giục bà nội giết cháu bé hay không.
Trường hợp, nếu có đủ căn cứ chứng minh đối tượng thầy bói hành nghề mê tín dị đoan đã có hành vi xúi giục bà nội sát hại người cháu nội mới sinh ra thì đối tượng phải chịu trách nhiệm đồng phạm về Tội giết người với vai trò Người xúi giục kích động, thúc đẩy người khác thực hiện hành vi phạm tội.
Trường hợp, nếu có đủ căn cứ chứng minh đối tượng thầy bói trong quá trình hành nghề mê tín dị đoan chỉ nói chung chung với bà nội và không có hành vi cụ thể xúi giục sát hại cháu bé như chỉ nói: cháu bé sinh ra là nghiệp chướng, ảnh hưởng đến tính mạng của mình hay gia đình,…
Sau đó, từ việc mê tín dị đoạn này mà bà nội đã sát hại cháu bé thì đối tượng thày bói sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín dị đoan. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 247 Bộ luật hình sự.
Một số luật sư khác cho rằng, cơ quan điều tra cần phải vào cuộc điều tra xem xét một cách khách quan toàn diện vụ việc. Phải làm rõ, gã thầy bói kia có vai trò như thế nào trong vụ việc cháu bé 20 ngày tuổi bị sát hại ở Thanh Hóa.
Cơ quan điều tra phải làm rõ việc gã thầy bói buông lời phán "cháu chết bà sống" có động cơ mục đích gì?. Nếu việc đưa ra lời "phán kia" có mục đích nhằm trả thù gia đình bố mẹ cháu bé, lợi dụng bà nội để thực hiện hành vi phạm tội thì phải xem xét gã thầy bói này ở vai trò chủ mưu giết người.
Nếu gã thầy bói biết bà nội cháu bé mê muội, vì tham tiền "lễ lạt" nên cố gắng gieo rắc nỗi sợ, hối thúc làm cho bà nội cháu bé lo sợ mà phải "cố" thực hiện hành vi phạm tội "nếu không thì chết" thì cũng phải xử lý ở tội Xúi giục người khác phạm tội.
"Trong vụ án này, cơ quan điều tra cần phải làm rõ vai trò của gã thầy bói trong toàn bộ quá trình diễn biến vụ án để xác định gã này có phải là chủ mưu, xúi giục người khác phạm tội hay chỉ đơn thuần là hành nghề mê tín dị đoan", luật sư Trần Huy Tuấn (đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay.
Theo Báo Đời sống & Pháp luật