Nghi án lăng mộ mẹ vua Dục Đức bị kẻ gian xới tung để tìm kho báu?
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 24/11/2017
Khu lăng mộ của bà Trần Thị Nga- mẹ vua Dục Đức |
Đào phá mộ tìm kho báu?
Sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc lăng mộ bà Trần Thị Nga (mẹ vua Dục Đức) ở đường Vũ Ngọc Phan (phường Thủy Xuân, TP. Huế) bị đào phá nghiêm trọng, PV đã đến hiện trường để tìm hiểu thực hư.
Theo quan sát, khu vực lăng mẹ vua bị đập phá một cách nghiêm trọng, gạch đất vương vãi khắp nơi, lư hương và nhan khói cũng bị hất văng ra xa. Khu vực đặt tấm bia bị đào xới, tấm bia đá bị dịch chuyển ra phía ngoài và bị hỏng nặng...
Ông Tôn Thất Tam Kỳ- đại diện Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc cho hay, vào ngày 19/11, khi nhiều người trong Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đi thắp hương tại khu lăng của bà thì bất ngờ khi thấy tấm bia của lăng bị di chuyển ra ngoài, đập phá hư hỏng; khu vực đặt tấm bia bị đào phá. Sự việc đã khiến con cháu dòng họ Nguyễn Phước tộc rất bức xúc.
“Chưa rõ kẻ xấu đào phá lăng để làm gì nhưng hành động này đã trái luân thường đạo lý cần phải được xử lý nghiêm...”- ông Kỳ bức xúc nói.
Tấm bia bị bưng ra ngoài, hư hỏng |
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc đã gửi đơn đến UBND, Công an phường Thủy Xuân (TP. Huế) cũng như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đề nghị làm rõ vụ việc.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch phường Thủy Xuân xác nhận đã nhận được đơn phản ánh của người thân trong dòng họ. Hiện chính quyền đã chỉ đạo công an phường lên hiện trường để điều tra.
“Trước đây lăng mộ này từng bị kẻ xấu đào trộm để tìm kiếm vàng bạc, bây giờ kẻ xấu lại giở trò phá hoại khu vực tấm bia chắc cũng để tìm kiếm tài sản kho báu...”- ông Hòa nhận định.
Lăng mộ chưa phải là di tích
Liên quan đến sự việc, ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, sau khi nhận được phản ánh của Hội đồng Nguyễn Phước tộc, Trung tâm đã báo cáo sự việc cho lãnh đạo TP. Huế.
Kẻ gian đào xới khu vực bên trong lăng mộ mẹ vua Dục Đức |
Theo ông Hải, lăng mộ mẹ vua Dục Đức là lăng mộ trong nghĩa trang riêng của dòng họ Nguyễn Phước tộc; chưa phải là di tích được công nhận và không thuộc quyền quản lý của Trung tâm Bảo tồn.
“Lăng mộ bà Trần Thị Nga vẫn chưa được công nhận là di tích nhưng vẫn được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam. Vấn đề này bên công an sẽ điều tra tìm ra kẻ đào xới lăng mộ này để xử lý theo pháp luật”- ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã trao đổi với Hội đồng Nguyễn Phước tộc để có giải pháp giúp họ trông nom; đồng thời liên hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương hỗ trợ bảo vệ lăng tẩm.
“Nếu thấy cần thiết đề nghị pháp luật công nhận bảo hộ thì con cháu Nguyễn Phước tộc nên có đề xuất để có phương án bảo tồn”,- ông Hải chia sẻ.
Dòng họ Nguyễn Phước tộc (ảnh) không khỏi bức xúc trước sự việc và muốn cơ quan chức năng nhanh chóng làm rõ |
Được biết, khu lăng bà Trần Thị Nga tọa lạc trên diện tích hơn 100 m2, được ban lăng mộ của Hội đồng Nguyễn Phước tộc phát hiện ngày 5/7/2017 trong tình trạng bị bỏ hoang. Từ khi được phát hiện, khu lăng mộ được con cháu Nguyễn Phước chăm sóc, dọn dẹp sạch sẽ.
Khu lăng này còn khá nguyên vẹn và có nhiều giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật cung đình nhà Nguyễn. Khu lăng được chia thành 2 vòng thành lăng, phía trước có cổng vòm. Phía sau khu vực phần mộ của mẹ vua Dục Đức là tấm bia lớn có khắc bài thơ chữ Hán dài hàng trăm chữ.
Bà Trần Thị Nga (1832-1911) là đệ nhất phủ thiếp của ngài Thụy Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y (con vua Thiệu Trị), sau khi bà mất thì được phong thụy là Đoan Thục phu nhân. Bà Trần Thị Nga là mẹ vua Dục Đức, là bà nội vua Thành Thái và là bà cố nội của vua Duy Tân.
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Văn Dinh