Tp Hồ Chí Minh: Cảnh báo lừa đảo cung cấp dịch vụ giúp việc
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 22/11/2017
Lợi dụng tâm lý cần người để lừa đảo
Gần đây, nhiều người dân đã lên tiếng về việc họ bị lừa đảo cùng một chiêu thức khi thuê người giúp việc qua mạng. Chị Nguyễn Thị Kim Ngân, ngụ Nguyễn Lương Bằng, quận 7 chia sẻ, trên facebook của chị hiển thị một facebook quảng cáo có cung cấp dịch vụ người giúp việc thật thà, sạch sẽ, chăm chỉ.
Vì mới sinh con nhỏ, rất cần người giúp việc mà tìm mãi chưa ra nên chị Ngân mừng rỡ liên hệ số điện thoại đăng thông tin và được cung cấp ảnh, giá cả, cả chứng minh nhân dân của người giúp việc để chị Ngân chọn. Sau khi chọn được một người nhìn khá hiền lành, 48 tuổi, quê quán Hà Tây, thậm chí có cả sơ yếu lý lịch là học 12/12, chị Ngân yêu cầu ngày mai đưa người giúp việc sang nhà mình làm việc ngay.
Một người dân đăng tin cảnh báo khi bị người giúp việc tìm trên mạng lừa đảo, trộm tiền |
Tuy nhiên, phía bên cung cấp cho biết người giúp việc này hiện đang làm việc ở Cần Thơ, phải thuê xe đưa lên Sài Gòn, nếu chị đổi ý thì sẽ thiệt hại nên yêu cầu chị phải ứng trước làm tin. Số tiền ứng trước là 2 triệu đồng, sau đó sẽ trừ vào lương tháng người giúp việc. Người này còn nói, nếu chị Ngân không ứng trước sẽ không đảm bảo “giữ người” vì hiện dịch vụ rất đông khách và nhiều người “đặt hàng”.
Vì đang rất cần người giúp việc cũng như sợ bị “giành” mất, chị Ngân sẵn sàng chuyển khoản online ngay lập tức số tiền làm tin vào tài khoản mà bên cho thuê cung cấp, với lời hứa sáng mai sẽ đưa người giúp việc sang. Sáng hôm sau, không thấy người, chị Ngân gọi hỏi thì được trả lời là “chiều qua”. Chờ đến tối vẫn không thấy, chị Ngân gọi thì số máy kia đã không liên lạc được, còn trang facebook nói trên đã chặn tài khoản chị…
Trường hợp gần giống như trên đã xảy ra với công ty cung cấp vật tư văn phòng Trung An. Công ty này cần người tạp vụ nên chị An, Giám đốc Công ty đã lên mạng tìm thuê người. Để an toàn, chị An đã tìm nơi cung cấp là một trung tâm có trụ sở trên địa bàn quận Thủ Đức. Sau khi thoả thuận về giá cả qua điện thoại, chị An yêu cầu phía trung tâm nói trên chở người sang công ty chị ngay.
Trung tâm cung ứng lao động đồng ý, với yêu cầu chị phải chi trả tiền xe ôm chở người, giá 120 ngàn đồng. Sau khi người lao động đến, chị An đồng ý thì phía trung tâm yêu cầu chị An kí vào hợp đồng trả trước cho người giúp việc 1/2 tháng tiền lương. Sau khi ký hợp đồng, trả số tiền 2,2 triệu đồng, nhân viên tạp vụ bắt đầu làm việc tại công ty ngay trưa hôm ấy.
Nhưng ngày hôm sau thì nhân viên nọ không thấy đến. Gọi điện cho phía trung tâm trên, chị An nghe họ trả lời: Chuyện của họ chỉ là cung ứng, còn lại chị tự giải quyết với người lao động. Ấm ức, chị An gọi nhiều lần thì phía trung tâm cung ứng không bắt máy. Tìm đến tận địa chỉ trên mạng thì không phải trụ sở trung tâm. Muốn vạch mặt kẻ lừa đảo, chị An đã nhờ người thân điện đến số điện thoại trung tâm này giả vờ cần thuê người. Sau khi thoả thuận đúng như lần trước, phía trung tâm nọ giao người đến thì người nhà chị An vây lại và đưa ra công an. Tuy nhiên, vụ việc không được giải quyết vì chỉ là tranh chấp dân sự.
Cơ quan chức năng im lặng?
Để tìm hiểu sự việc, người viết đã liên hệ vào trang facebook quảng cáo cung cấp người giúp việc, công ty cung ứng lao động. Quả nhiên, những kẻ này tiếp tục dùng những thủ đoạn cũ, yêu cầu đặt cọc trước để “giữ người”. Còn phía cơ sở cung ứng lao động có trụ sở ở Thủ Đức cũng lấy chi phí chở người, sau đó chở đến một phụ nữ tên Lệ, quê Tây Ninh, nhìn hiền lành, chân chất, và yêu cầu lập hợp đồng, đặt cọc trước nửa tháng lương…
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet. |
Có lẽ, tiếp đó cũng vẫn là thủ đoạn cũ: Người giúp việc “biến mất” sau khi làm việc một vài ngày, nhưng trung tâm trên không giải quyết vì đó là tranh chấp riêng giữa người giúp việc và công ty.
Đã rất nhiều người dân bị mắc bẫy bởi các thủ đoạn của những kẻ lừa đảo, lợi dụng nhu cầu thuê người giúp việc để trục lợi, có người mất chi phí đặt cọc, ứng trước, có người bị giao giúp việc không biết việc, sau khi trả lại mấy lần thì bị trừ hết số phí đã đóng cho trung tâm, có người bị giúp việc lừa mượn tiền, trộm đồ rồi biến mất chỉ mới vài ngày đi làm đầu tiên... Tuy nhiên, vì nhu cầu quá cao, tình trạng người giúp việc khan hiếm, nhiều người dân vẫn “nhắm mắt thuê liều” để rồi ấm ức vì mất tiền mà không làm gì được.
Điều đáng ngạc nhiên là những hành vi lừa đảo trên hiện rất phổ biến, nhiều kẻ thậm chí còn lập ra trung tâm cung ứng lao động để dễ bề lấy lòng tin, nhưng có vẻ như cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái xử lý mạnh đối với những kẻ lừa đảo nói trên, và người dân chỉ còn biết bảo vệ mình bằng cách… cảnh báo cho nhau mà thôi.
Theo Báo Pháp luật Việt Nam