Nghi phạm chủ mưu phá 60ha rừng Bình Định rời ghế Tổng giám đốc
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 13/10/2017
(TN&MT) - Ông Lê Văn Thiệt nghi phạm chủ mưu vụ phá gần 61ha rừng (tại xã An Hưng, huyện An Lão, Bình Định) đã không còn giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo. Người thay thế ông Lê Văn Thiệt điều hành Công ty là bà Hồ Thị Thùy Linh. Bà Linh trước đây là Phó tổng giám đốc.
Trao đổi với PV, bà Hồ Thị Thùy Linh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo (Công ty Thương Thảo) xác nhận thông tin trên. Bà Linh cho biết: “Hiện tại, tôi là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty. Doanh nghiệp chúng tôi không thể dừng hoạt động vì đằng sau vẫn còn có hàng trăm công nhân. Tôi sẽ tiếp tục làm Tổng giám đốc để điều hành, không để công nhân phải thất nghiệp”.
Ông Lê Văn Thiệt bị tạm giữ vì liên quan đến vụ phá rừng An Hưng |
Theo bà Linh, sau khi ông Lê Văn Thiệt bị bắt, ngân hàng đòi rút vốn vì họ nghĩ ông Thiệt còn nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thương Thảo. Vì vậy, doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Tôi khẳng định Công ty vẫn đang hoạt động, do tôi điều hành. Còn việc bắt tạm giam và điều tra là chuyện của cơ quan chức năng. Hiện tại, hồ sơ của ông Thiệt đã được chuyển qua viện kiểm soát. Vụ án này đến ngày ra tòa, ai là người có tội, ai liên đới… thì sẽ phải chịu trách nhiệm, giờ chưa thể nói được điều gì cả”, bà Linh cho hay.
Trước khi bị công an bắt giữ, tên tuổi doanh nhân Lê Văn Thiệt được phổ biến khá rộng rãi ở vùng đất Bình Định. Nhiều năm qua, Công ty Thương Thảo cùng ông chủ của nó liên tục xuất hiện một cách “trang trọng” trong giới truyền thông.
Khi ông Thiệt chọn đỉnh núi La Vuông (xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) để làm nông nghiệp, ai nấy đều kinh ngạc bởi vị doanh nhân này đang “cầm trịch” 1 doanh nghiệp có tiếng tăm ở đồng bằng. Nhưng đòi lên núi làm giàu cho bằng được, đúng là chuyện ngược đời. Ông Thiệt từng được tấn phong danh hiệu “vua dứa” trước khi dự án dứa tan vỡ vì sản phẩm ế ẩm, thối rữa chẳng ai mua. Thất bại dứa, chuyển sang trồng rừng, ông được tôn xưng vương là “vua rừng”, “người hùng trên đất La Vuông”...
Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang ấy, Công ty Thương Thảo đã từng “dính chàm” và bị phạt 80 triệu đồng vì sử dụng đất rừng trái phép tại xã Hoài Sơn.
Nhà máy sản xuất dăm gỗ Tường Sơn, xã Hoài Sơn (trực thuộc Công ty Thương Thảo) |
Nói về các dự án mà ông Thiệt và Công ty Thương Thảo đang đeo đuổi, bà Linh cho biết: “Dự án dứa thất bại, ông Thiệt chịu tổn thất 2,5 tỷ đồng nhưng ổng dám bán cả gia sản để đền bù. Vì vậy, tôi vẫn phải tiếp tục những dự án đang triển khai trên đỉnh La Vuông vì đây là trăn trở, mong mỏi của ông Thiệt”.
Liên quan đến vụ phá rừng quy mô lớn tại An Hưng, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Bình Định đã khởi tố 8 bị can (trong đó bắt tạm giam 4). Ông Lê Văn Thiệt được xác định là nghi phạm chủ mưu gây ra vụ phá rừng trên.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khám xét nhà riêng của ông Thiệt (xã Hoài Sơn) và nơi làm việc, bước đầu thu được một số tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra.
“Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, theo luật thời hạn điều tra là 4 tháng rồi mới đưa ra kết luận”, đại tá Lâm Cự Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Bình Định) cho hay.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, báo cáo cho Thủ tướng trước ngày 30.10.
Hoàng Nguyên