Làng đá mỹ nghệ Non Nước: Giang hồ tiếp tục hoành hành
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 10/08/2017
Một góc làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước |
Ngang nhiên đập phá tài sản
Cuối giờ chiều ngày 5/8/2017, đường dây nóng Báo TN&MT tại miền Trung nhận được phản ánh của bà con phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn về việc một băng nhóm giang hồ, giữa ban ngày ban mặt ngang nhiên đem hung khí, gậy gộc vào nhà dân tìm đánh người, đập phá tài sản khiến người dân hết sức hoang mang.
Khi PV Báo TN&MT có mặt tại khu vực xảy ra vụ việc, những nhân chứng xung quanh cho biết: khoảng 16h20 ngày 5/8/2017, một nhóm giang hồ gồm 6 đối tượng đã xông vào nhà ông Tâm (một người dân hoạt động trong Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước) để tìm đánh, rất may khi đó gia đình ông không có ai ở đó nên thoát nạn. Các đối tượng này sau đó đã hủy hoại tài sản, đập vỡ một chiếc kính sau xe ô tô Hyundai Tucson trị giá cả tỉ đồng của gia đình ông Tâm đang để trong sân. Sau khi đập phá, các đối tượng này còn lớn tiếng cảnh cáo, đe dọa những người dân xung quanh. Sau đó 2 ngày (ngày 7/8), khi ông Tâm cho xe cẩu hành nghề tại làng đá mỹ nghệ, các đối tượng trên lại tiếp tục gọi điện đến đe dọa gia đình ông Tâm và khẳng định: đó mới chỉ là cảnh cáo, nếu “còn chưa kinh, còn tiếp tục lỳ thì hậu quả sẽ khó lường”. Khi PV liên lạc với ông Tâm, ông chỉ xác nhận có sự việc như trên nhưng không muốn nói thêm vì hiện nay gia đình ông đang rất hoang mang và mất lòng tin.
Xe chở đá quá tải ở làng nghề |
Giang hồ ôm mộng thâu tóm làng đá?
Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi xin tóm tắt lại một số nội dung đã đăng trong số báo Điện tử TN&MT ra ngày 16/7/2017: Làng đá mỹ nghệ Non Nước được hình thành cách đây khoảng 400 năm (đã được Bộ VH,TT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2014), hiện có khoảng 400 cơ sở sản xuất lớn nhỏ, giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động với doanh thu trên dưới 500 tỉ đồng/năm và là một trong những ngành nghề “xương sống” của quận Ngũ Hành Sơn và TP. Đà Nẵng. Với số lượng doanh thu lớn như vậy, từ năm 2016 đến nay, làng nghề đã xuất hiện một số đối tượng hành nghề xe cẩu câu kết với các băng nhóm giang hồ địa phương đứng ra thu tiền bảo kê của người dân với mức thu mỗi xe đá về bãi từ 2 - 10 triệu đồng/xe. Theo phản ánh của người dân, đứng đầu băng nhóm này là các đối tượng: Ph “Móc”, D “Roben”, L “ Cả” và H “Chém” (hay còn gọi là H “Siđa”). Đáng nói hơn, băng nhóm này hiện đã đi vào hoạt động tương đối công khai, có tổ chức và sẵn sàng xuống tay đối với những ai không chịu nộp tiền bảo kê hoặc chống đối.
Trao đổi với PV, nhiều người dân rất bức xúc: việc thu tiền này không chỉ năm nay mới xuất hiện mà đã xảy ra từ năm 2016. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đối tượng nào bị xử lý. Vừa rồi, Báo Tài nguyên & Môi trường có đăng bài phản ánh về hiện tượng này, các đối tượng nói trên đã đi đến từng hộ gia đình để đe dọa và trấn áp không được cung cấp thông tin cho báo chí. Các đối tượng này còn huênh hoang khoe rằng đã mua chuộc được chính quyền, công an, báo chí... Để thị uy, các đối tượng này còn rút điện thoại ra nói chuyện thân mật với một lãnh đạo cấp quận (?), hòng khiến người dân mất lòng tin vào chính quyền.
Các phiếu cân hàng |
Đặc biệt, khi làm việc với báo chí, ông Nguyễn Hòa- Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn khẳng định sẽ xử lý vụ việc trong một tuần, nhưng đến nay đã gần một tháng mà chưa thấy động tĩnh gì khiến các đối tượng càng thêm manh động và người dân càng hoang mang. Thậm chí, sau khi báo đăng, đối tượng H “Chém” còn lên mạng xã hội livestream, tự nhận mình là nhân vật trong bài viết và khoe thành tích vào tù ra tội cũng như hiện đang mắc bệnh xã hội để gián tiếp đe dọa người dân. Sau khi đe dọa và trấn áp, các đối tượng này khẳng định: “sẽ thâu tóm làng nghề vì đã được chính quyền chống lưng, nếu ai không nộp tiền hoặc chống lại sẽ không được yên ổn để làm ăn”.
Cũng theo người dân, các đối tượng giang hồ nói trên cũng có quan hệ với bên công an, bởi vì các xe chở đá về làng nghề hầu hết là các xe có tải trọng 35 tấn nhưng đều chở từ 70 - 120 tấn đá. Khi bị lực lượng công an hoặc thanh tra giao thông kiểm tra, các lái xe, chủ hàng đều đưa tiền, nhờ các đối tượng giang hồ đi xin hộ và đều thoát. Cũng chính một phần vì điều này đã khiến băng nhóm nói trên càng huênh hoang, tự đắc.
Sẽ xử lý dứt điểm!
Trao đổi với PV, một cán bộ công an quận Ngũ Hành Sơn cho biết: việc thu tiền, bảo kê trong làng nghề đã manh nha xuất hiện từ năm 2016. Tuy nhiên, với số lượng ít, người dân lại lo sợ, không đứng ra tố cáo nên chưa xử lý được. Thời gian gần đây, các đối tượng này đã bắt đầu hoạt động mạnh. Điển hình như ngày 5/8/2017, các đối tượng đã xông vào đập phá tài sản của gia đình ông Tâm ở phường Hòa Hải. Hiện phía công an đã xác minh và đang xử lý.
Xe của người dân bị băng nhóm giang hồ đập phá |
Ông Nguyễn Hòa- Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn thì khẳng định: Không có việc bao che cho băng nhóm tội phạm trên địa bàn. Sau khi nhân được thông tin từ phía báo chí, chính quyền quận đã điều động các lực lượng chức năng xuống hiện trường và đã giải phóng, xuống hàng cho các xe đá bị băng nhóm nói trên khống chế. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là do đặc điểm làng nghề thường chế tác và trưng bày ngoài trời, nhất là các sản phẩm lớn, có giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, người dân rất sợ các đối tượng manh động, đập phá, trả thù nhắm vào những người thân trong gia đình. Hơn nữa, các đối tượng này cũng đưa ra nhiều tin đồn thất thiệt về quan hệ với phía chính quyền, báo chí, gây hoang mang trong nhân dân để người dân mất lòng tin vào chính quyền, bọn chúng dễ bề tác quái. Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã có công văn yêu cầu xử lý vấn đề này và thông tin phản hồi cho các cơ quan báo chí. Quan điểm của quận là sẽ xử lý dứt điểm, nghiêm túc vụ việc này.
Đức Huy