Phát hiện nhiều sai phạm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 11/07/2017
Kết luận thanh tra của Bộ Y tế cho thấy, đa số các công ty đầy đủ các giấy tờ pháp lý theo quy định. Các chi nhánh, nhà máy sản xuất, kho bảo quản sản phẩm được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm còn hiệu lực; nhà máy sản xuất được cấp chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Thực hiện đúng quy định về công bố sản phẩm; các sản phẩm được sản xuất, nhập khẩu trong thời gian hồ sơ công bố còn hiệu lực. 100% các nhãn sản phẩm được kiểm tra có nội dung phù hợp với nhãn sản phẩm đã công bố… Người lao động được khám sức khỏe định kỳ theo quy định.
Tuy nhiên, Kết luận thanh tra cũng cho thấy, phần lớn các đơn vị đều tồn tại sai phạm.
Cụ thể, Công ty TNHH sản xuất thương mại xây dựng Đại Nam, bảo quản nguyên liệu tồn trong quá trình sản xuất chưa đúng quy định (không có nhãn, không ghi tên các túi nguyên liệu tồn của ca sản xuất). Công ty có thực hiện kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm nhưng không đầy đủ.
Tại Công ty cổ phần đầu tư Nam Dương, mặc dù sản phẩm có nhãn với đầy đủ các nội dung theo quy định và đã được Cục An toàn thực phẩm (ATTP) xác nhận song vẫn có một số ngôn ngữ thể hiện sản phẩm tương đương, tương tự, gần giống với sữa.
Tại Văn phòng đại diện Abbott Laboratories SA tại TP Hồ Chí Minh, nhãn của một số sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ có hình ảnh bình và có nội dung hướng dẫn sử dụng bình cho trẻ bú. Mặc dù nội dung này đã được Cục ATTP xác nhận, song có thể gây hiểu lầm là khuyến khích trẻ bú bình.
Ngoài ra, nhãn của dòng sản phẩm Total Comfort có dòng chữ “Công thức dinh dưỡng không chứa dầu cọ đã được chứng minh giúp tăng cường hấp thụ canxi và giúp phân mềm gần giống với phân của trẻ bú mẹ”. Theo Thanh tra Bộ Y tế, mặc dù nội dung này đã được Cục ATTP xác nhận song có thể gây hiểu lầm là so sánh gián tiếp về chất lượng của sản phẩm với sữa mẹ.
Những sai phạm trên được đoàn thanh tra của Bộ Y tế nhắc nhở và yêu cầu thực hiện nghiêm theo đúng quy định.
Căn cứ vào kết quả thanh tra, đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạm đối với 5 Công ty có vi phạm quy định về kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm với tổng số tiền phạt 125 triệu đồng. Bao gồm các đơn vị: Công ty cổ phần thương mại và sản xuất Tân Úc Việt; Công ty TNHH sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu Nhựa Cầu Vồng; Công ty TNHH sản xuất thương mại xây dựng Đại Nam; Công ty TNHH Humana Việt Nam; Công ty TNHH Châu Đại Dương.
Thanh tra Bộ Y tế đề nghị các cơ sở được thanh tra thực hiện đúng các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, quảng cáo các sản hẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ. Đồng thời khắc phục các tồn tại đã được đoàn thanh tra chỉ ra trong quá trình thanh tra.
Thanh tra Bộ Y tế kiến nghị Cục ATTP hướng dẫn cơ sở khắc phục những tồn tại. Cụ thể: Nhãn phụ 8 sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ sản phẩm của Công ty cổ phần đầu tư Nam Dương có một số ngôn ngữ thể hiện sản phẩm tương đương, tương tự, gần giống với sữa mẹ.
Market quảng cáo sản phẩm thực phẩm thuộc diện được quảng cáo của Công ty TNHH Humana Việt Nam có hình ảnh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ;
Thanh tra Bộ Y tế đề nghị Cục ATTP hướng dẫn Văn phòng đại diện Abbott Laboratories SA tại Việt Nam để chỉnh sửa nội dung ghi nhãn và xác nhận lại nội dung ghi nhãn sản phẩm được coi là nhạy cảm có thể gây hiểu lầm cho người đọc.
Theo Báo Thanh tra