Tiếp "kỳ án" phá rừng ở Lâm Đồng: Đọc cho bị can nghe Kết luận điều tra bổ sung
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 22/08/2016
(TN&MT) – Vào cuối tháng 6 vừa qua, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lâm Hà đã chuyển trả toàn bộ hồ sơ vụ án hủy hoại rừng với bị can Phạm Văn Tài (xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) về Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) và Công an huyện Lâm Hà để điều tra bổ sung, vì không đủ chứng cứ xét xử. Đồng thời, sau việc chuyển trả hồ sơ, thì bị can Phạm Văn Tài cũng được Công an huyện Lâm Hà cho phép được tại ngoại, sau gần 8 tháng bị bắt tạm giam.
Ngôi nhà của ông Phạm Văn Tam do Phạm Văn Tài và nhiều người khác tham gia lợp mái tôn trong suốt buổi sáng ngày 24/4/2015 - trùng thời điểm mà bị can Phạm Văn Tài bị cáo buộc tội phá rừng từ sáng đến chiều. |
Theo luật sư Đỗ Văn Bảy cho biết, sau khi TAND huyện Lâm Hà trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan Điều tra Công an huyện Lâm Hà điều tra bổ sung vụ án hủy hoại rừng với bị can Phạm Văn Tài, thì mới đây, Cơ quan Điều tra Công an huyện Lâm Hà đã ra Kết luận điều tra bổ sung, nhưng chỉ... đọc cho bị can Tài nghe.
Theo luật sư Đỗ Văn Bảy, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự. Bởi vì, theo Khoản 4 Điều 162 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì “trong thời hạn hai ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, Cơ quan Điều tra phải gửi bản kết luận điều tra bổ sung cùng hồ sơ vụ án cho VKS cùng cấp; gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc bản kết luận điều tra kèm theo quyết định đình chỉ điều tra cho bị can, người bào chữa...”. Còn theo Khoản 1 Điều 166 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì trong thời hạn ba ngày, VKS phải thông báo cho bị can, người bào chữa biết bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án...
Cũng theo luật sư Bảy, việc Cơ quan Điều tra, VKS huyện Lâm Hà chỉ tống đạt văn bản tố tụng cho Tài bằng cách... đọc cho nghe mà không giao văn bản gốc là gây khó khăn cho quyền tự bào chữa của bị can Tài, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can. “Về phía tôi là người bào chữa cũng không được giao kết luận điều tra bổ sung nên chưa nắm được kết luận này bổ sung điều gì... Do đó đến nay luật sư cũng chưa có kết luận điều tra bổ sung, cáo trạng bổ sung nên vẫn chưa tiếp cận được hồ sơ”, luật sư Bảy cho biết.
Đây chỉ là một trong hàng loạt dấu hiệu sai lầm của Cơ quan Điều tra vụ án này...
Dấu hiệu ngoại phạm bị... bỏ qua
Trong khi vụ án đang thu hút sự quan tâm của dư luận và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, thì ngược lại, các cơ quan luật pháp huyện Lâm Hà lại tỏ ra lúng túng trong vụ án kỳ quặc này. Cụ thể, ít nhất có 5 nhân chứng đã lên tiếng chứng minh bị can Phạm Văn Tài đã có chứng cứ “ngoại phạm” trong vụ án này nhưng Cơ quan Điều tra không quan tâm đếm xỉa. Ông Phạm Văn Tam (43 tuổi, trú thôn 2, xã Tân Thanh) khẳng định: “Vào ngày 24/4/2015 (tức ngày 6.3 âm lịch), cơ quan điều tra kết tội cháu Tài vào phá rừng từ 7h30 sáng đến 15h30 chiều là không đúng. Bởi sáng hôm đó, từ 7h cho đến quá 12h, nhà tôi lợp mái tôn quán ăn, tôi đã nhờ cháu Tài cùng 7-8 người trong thôn giúp lợp mái tôn, thì làm sao cháu Tài có hành vi phá rừng? Tôi còn nhớ, sợ chiều có mưa, chúng tôi cố gắng lợp nhanh, tới quá 12h thì xong việc, mọi người nghỉ ăn ăn cơm trưa, uống rượu, trong đó có cả cháu Tài. Sau này, khi Điều tra viên vào hỏi, tôi cũng nói y vậy và còn chỉ thêm nhiều nhân chứng khác cùng lợp tôn hôm đó thì Điều tra viên bỏ về, không hỏi thêm ai nữa”.
Ông Vũ Văn Lâm (51 tuổi, trú thôn 1, xã Tân Thanh) cho biết: “Hôm đó, chúng tôi cùng lợp mái tôn nhà anh Tam. Cháu Tài lúc thì lên bắn đinh trên mái tôn, khi xuống dưới phụ đưa từng tấm tôn lên mái… Có lúc, tôi còn sai cháu Tài đi mua đinh, vật liệu mang về”.
Còn các ông Nguyễn Văn Nghị (36 tuổi), Bùi Văn Hùng (43 tuổi, cùng trú thôn 2, xã Tân Thanh) và Bùi Văn Mười (36 tuổi, trú thôn 8, xã Tân Thanh), cũng xác nhận trong suốt buổi sáng ngày 24/4/2015, chính Tài đã có mặt cùng với họ lợp mái tôn quán ăn nhà ông Tam, thì không thể trong cùng khoảng thời gian đó, Tài có mặt tại khu vực rừng Lán Tranh, có hành vi phá rừng cùng 8 người dân tộc K’Ho…
Câu hỏi đặt ra, tại sao đại úy Vũ Xuân Quyết – cán bộ chịu trách nhiệm chính điều tra vụ án - không lấy lời khai từ các nhân chứng này để làm rõ việc bị can Phạm Văn Tài có dấu hiệu ngoại phạm? Trong lúc đó, bỏ ngoài tai các lời khai của Tài luôn kêu mình vô tội, đại úy Vũ Xuân Quyết chỉ theo các lời khai giống nhau như đúc một khuôn của những người phá rừng, là người dân tộc thiểu số, rằng Tài đã “chủ mưu”, có hành vi “phá rừng bằng cưa tay, dao phát”(?).
Ông Phạm Văn Tam (43 tuổi, trú thôn 2, xã Tân Thanh) khẳng định: “Vào ngày 24/4/2015 (tức ngày 6.3 âm lịch), cơ quan điều tra kết tội cháu Tài vào phá rừng từ 7h30 sáng đến 15h30 chiều là không đúng. Bởi sáng hôm đó, từ 7h cho đến quá 12h, nhà tôi lợp mái tôn quán ăn, tôi đã nhờ cháu Tài cùng 7-8 người trong thôn giúp lợp mái tôn, thì làm sao cháu Tài có hành vi phá rừng?". |
Ông Vũ Văn Lâm (51 tuổi, trú thôn 1, xã Tân Thanh) cho biết: “Hôm đó, chúng tôi cùng lợp mái tôn nhà anh Tam. Cháu Tài lúc thì lên bắn đinh trên mái tôn, khi xuống dưới phụ đưa từng tấm tôn lên mái… Có lúc, tôi còn sai cháu Tài đi mua đinh, vật liệu mang về”. |
Ông Bùi Văn Mười (36 tuổi, trú thôn 8, xã Tân Thanh), cũng xác nhận trong suốt buổi sáng ngày 24/4/2015, chính Tài đã có mặt cùng với ông lợp mái tôn quán ăn nhà ông Tam. |
Ông Nguyễn Văn Nghị (36 tuổi), trú thôn 2, xã Tân Thanh) xác nhận trong suốt buổi sáng ngày 24/4/2015, chính Tài đã có mặt cùng với ông và nhiều người khác tham gia lợp mái tôn quán ăn nhà ông Tam. |
Ông Bùi Văn Hùng (43 tuổi), trú thôn 2, xã Tân Thanh xác nhận trong suốt buổi sáng ngày 24/4/2015, chính Tài đã có mặt cùng với ông tham gia lợp mái tôn quán ăn nhà ông Tam, thì không thể trong cùng khoảng thời gian đó, Tài lại có mặt tại khu vực rừng Lán Tranh để phá rừng cùng 8 người dân tộc K’Ho… |
Nhất bên trọng, nhất bên khinh?
Còn theo báo cáo của Ban quản lý bảo vệ rừng Phúc Thọ (nơi hiện trường xảy ra nghi án phá rừng), khoảng 14 giờ 30 ngày 24/4/2015, cán bộ nơi này đi kiểm tra rừng. Đến tại Lô a khoảnh 4 tiểu khu 253 thì phát hiện và bắt quả tang 6 người đang dùng dao phát thực hiện hành vi phá rừng trái pháp luật. Cán bộ tập trung 6 người lại, thu toàn bộ tang vật dao phát và tiến hành làm việc tại hiện trường thì biết trong 6 người có 5 người là đồng bào dân tộc thiểu số, còn một người (Phạm Văn Tài) là người Kinh. Năm người dân tộc khai đi làm thuê cho Tài nên được thả về (?) còn cán bộ yêu cầu Tài về trạm làm việc.
Thế nhưng, quyết định tạm giữ tang vật theo thủ tục hành chính của Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà lại “đá” với báo cáo nêu trên. Đó là ngay tại Điều 1 quyết định ghi rõ “tạm giữ tang vật của ông (bà) chưa xác định được đối tượng”. Còn biên bản vi phạm hành chính cũng chính nơi này lập lại ghi “tiến hành lập biên bản với đối tượng bỏ chạy” và phần ghi “người vi phạm là đương sự bỏ trốn”. Điều này mâu thuẫn với chính văn bản của nơi này khi đã xác định Tài chủ mưu, đưa về trạm làm việc thì sao lại “chưa xác định được đối tượng”?
Chưa hết, trong bản mô tả chi tiết số 05417 lập ngày 24/4/2015 của Ban quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh lại xác định Phạm Văn Tài vi phạm nhưng phần chữ ký của Tài lại không có(?). Diện tích thiệt hại được xác định 5.800m2 rừng sản xuất, khối lượng lâm sản thiệt hại 5,57m3, trong đó khối lượng lâm sản lấy đi 2,65m3. Thế nhưng ai đã lấy đi và lấy đi bằng phương tiện gì (trong khi bị bắt quả tang) thì lại không hề được các cơ quan chức năng làm rõ.
Còn theo bản kết luận điều tra ngày 22/12/2015 của Công an huyện Lâm Hà, vì chờ mãi ở trạm mà không thấy ai tới làm việc nên 17 giờ 30 cùng ngày, trời vừa tạnh mưa Tài đã đi bộ về nhà. Về nhà không thấy ai, Tài ra nhà kho và dùng dao chẻ chiếc đũa thành chiếc lạt đưa vào răng còng số 8 để mở còng ra. Khi mở còng xong, Tài cất lại vào kho. Đến khi Hạt kiểm lâm mời ra làm việc thì Tài đã mang còng trả lại.
Điều này logic với những lời khai của Tài tại cơ quan công an là buổi chiều hôm đó (24/4/2015) Tài chỉ vào rừng tìm hái hoa phong lan vì Tài mê chơi phong lan. Khi đang tìm phong lan thì vô tình Tài thấy nhóm người dân tộc đang chặt cây, thế rồi vô tình bị bắt chung chứ Tài không hề phá rừng.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao Tài khai không phạm tội thì công an không tin lại quy kết cho tội hủy hoại rừng, còn 5 người dân tộc lại không bị khởi tố? Tại sao bắt quả tang 6 người, chưa biết ai đúng ai sai đã ngay lập tức thả 5 người kia và chỉ kết tội có mình Tài? Tại sao không tin lời khai của Tài mà vội vàng tin lời khai của 5 người dân tộc để khép Tài chủ mưu phá rừng? Nếu thực sự Tài phạm tội và đã trốn được thì sao không trốn luôn còn quay lại Hạt kiểm lâm làm gì và còn giao nộp còng số 8? Và tại sao tin lời khai của 5 người dân tộc, còn lời khai của 5 nhân chứng cùng lợp tôn với Tài thì lại... bỏ qua?
Theo luật sư Đỗ Văn Bảy (Đoàn luật sư tỉnh Lâm Đồng) việc bắt giữ Tài là trái quy định pháp luật. Do khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ nên quá trình điều tra, xác minh của Kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm, Điều tra viên Công an huyện Lâm Hà không đảm bảo tính khách quan, không toàn diện, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án về hiện trường. Điều này dẫn đến việc khởi tố, bắt giam, đề nghị truy tố, xét xử với Tài không có căn cứ, vi phạm nghiêm trọng Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự về “xác định sự thật của vụ án” và về thu thập, đánh giá chứng cứ. Toàn bộ quá trình điều tra, xác minh chỉ tập trung một số tình tiết, dấu hiệu với mục đích buộc tội Tài mà không quan tâm đến những lời khai, chứng cứ gỡ tội cho Tài.
Do những dấu hiệu sai phạm nêu trên, ngày 19/7/2016 vừa qua, Văn phòng Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Công văn số 287-CV/VPTU gửi Công an tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Văn phòng Tỉnh ủy Lâm Đồng truyền đạt ý kiến của ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư Tỉnh ủy - chỉ đạo Công an tỉnh Lâm Đồng xem xét, giải quyết và trả lời ngay những khiếu nại trong đơn thư của bị can Phạm Văn Tài và báo cáo Bí thư Tỉnh ủy.
Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới của vụ "kỳ án" này./.
Bài & ảnh: Trọng Mạnh – Việt Đức