Hàng trăm hecta rừng phòng hộ Đăk Đoa bị đốt cháy, lấn chiếm

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 24/05/2016

(TN&MT) – Hàng trăm ha rừng phòng hộ Đăk Đoa thuộc các xã Hải Yang, Đăk Sơmei, Hà Đông (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) đang bị người dân chặt phá, đốt cháy...

 

(TN&MT) – Hàng trăm ha rừng phòng hộ Đăk Đoa thuộc các xã Hải Yang, Đăk Sơmei, Hà Đông (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) đang bị người dân chặt phá, đốt cháy khắp nơi để nhường chỗ cho những ruộng, rẫy. Diện tích này sẽ còn tiếp tục tăng lên và để lại nhiều hậu quả nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng địa phương.

Rừng phòng hộ Đăk Đoa bị đốt cháy để lấy đất làm rẫy
Rừng phòng hộ Đăk Đoa bị đốt cháy để lấy đất làm rẫy

Rừng ngã xuống, mì mọc lên

Tuyến đường từ ngã 3 Đăk Sơmei vào trung tâm xã Hà Đông (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) dài chừng 8 km, thì phần lớn diện tích rừng nằm sâu 2 bên đường đã bị người dân chặt phá gần hết. Những cánh rừng xanh tốt xưa kia, nay hóa thành đồi trọc. Nhìn từ xa, từng mảng rừng bị chặt phá, nhường chỗ cho những rẫy lúa, rẫy mì của người dân. Nhiều đám cây rừng bị đốt cháy, chết khô và tương lai đám cây này sẽ biến thành than, tro dùng để bón cho lúa, mì khi mùa mưa đang đến gần.

Tại tiểu khu 456 thuộc địa phận thôn 1, xã Hải Yang (huyện Đăk Đoa) hoạt động xâm lấn đất rừng diễn ra một cách công khai mà không hề lo sợ chủ rừng bắt hay xử lý. Những lán trại tạm được dựng lên để làm nơi tá túc lúc nắng, mưa phục vụ cho việc chặt, dọn, cuốc xới và canh tác dù có hay không sự có mặt của người lạ.

Rừng phòng hộ Đăk Đoa bị đốt cháy để lấy đất làm rẫy
Rừng phòng hộ Đăk Đoa bị đốt cháy để lấy đất làm rẫy

Cũng thuộc tiểu khu 456, tại thôn 4, xã Hải Yang, việc chặt phá rừng còn nghiêm trọng hơn. Đất rừng bị cuốc xới nham nhở, người dân thì vô tư đào mương, phân lô. Hàng trăm cây sao đen được trồng từ năm 1992, đường kính từ 20 - 30cm đã bị người dân cưa sát gốc, nằm ngã rạp. Chuyện chặt phá rừng để làm nương rẫy tại khu vực này trở thành chuyện thường ngày. Hàng trăm hecta rừng đã và đang bị người dân tàn phá, đốt cháy vô tội vạ để làm nương rẫy. Màu xanh của rừng phòng hộ Đăk Đoa, khu vực xã Hà Đông, Đăk Sowmei, Hải Yang còn lại không đáng là bao và chủ yếu nằm ở những con dốc cao, vực sâu nên chưa bị người dân chạm đến.

Được biết, toàn bộ diện tích đất rừng nằm trên địa phận xã Hà Đông được giao cho 4 đơn vị quản lý gồm UBND xã Hà Đông, Hạt kiểm lâm huyện Đăk Đoa, Kiểm lâm rừng Quốc gia Kon Ka Kinh và Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa. Tuy nhiên, những cánh rừng nơi đây với diện tích hàng trăm hecta đã và đang từng ngày bị triệt hạ không hề thương tiếc.

Nhiều cây gỗ sao đường kính lớn bị chặt hạ nằm ngổn ngang
Nhiều cây gỗ sao đường kính lớn bị chặt hạ nằm ngổn ngang

Rừng bị phá là rẫy của dân?

Ông Hoàng Thi Thơ, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa khẳng định: Toàn bộ diện tích rừng bị phá là rẫy cũ của dân. Sau nhiều năm bỏ để làm rẫy nơi khác thì đất tự phục hồi, cây rừng tự mọc lại nên người dân đốt nương làm rẫy chứ không phải chặt phá rừng mới. Việc lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra nhưng diện tích và khối lượng không đáng kể, không đủ để xử lý. Ban quản lý rừng phòng hộ đã nhắc nhở người dân nên việc nhận thức đã tốt hơn nhiều.  

Theo ông Thơ, khu vực đất rừng bị dân xâm chiếm thuộc các tiểu khu 406, 407, 410.  Trong khi, những hình ảnh phóng viên ghi nhận được về việc phá rừng làm rẫy lại là những khoảng rừng thuộc tiểu khu 402, 404. Như vậy, diện tích rừng bị phá là rất lớn, còn cơ quan quản lý, làm nhiệm vụ giữ rừng thì dường như chưa theo dõi hết được.

Một bất cập đang diễn ra trên địa bàn các xã này nói riêng và cả tỉnh Gia Lai nói chung đó là tình trạng chống lấn đất rừng và đất ở của người dân. Nhiều diện tích đất người dân đã xây dựng nhà ở và làm nương rẫy, sau khi quy hoạch lại biến thành đất rừng, gây khó khăn cho công tác xử lý và quản lý. Người dân lợi dụng kẽ hở này để cơi nới thêm diện tích đất canh tác bằng việc phá rừng ở những diện tích nằm sát với diện tích đất của mình. Mặt khác, việc xử lý cũng chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính và còn phải có sự phối hợp của các cơ quan chức năng cho nên hiệu quả xử lý không cao.

Chuyện chặt hạ, chiếm dụng đất rừng đang diễn ra trước mắt, và ngày càng trở nên rầm rộ hơn. Nếu các ngành chức năng và địa phương thiếu sự quyết liệt trong giám sát và quản lý thì rừng sẽ vẫn tiếp tục chảy máu, rừng phòng hộ sẽ biến mất, để lại nhiều hậu quả khôn lường.

Bài & ảnh: Quế Mai