Từ vụ án oan ông Nén, ông Chấn: Hạn chế oan sai, cách nào?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 05/01/2016

  Thực tế nhiều điều tra viên chỉ đi theo hướng buộc tội và bức cung, ép cung khi nghi phạm chối tội, sẽ dẫn đến việc oan sai. Vì thế trong mọi giải pháp...

 

Những vụ án oan được báo chí quan tâm nhiều trong thời gian qua là vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén. Họ đều bị bắt, bị cáo buộc, bị kết án tù và chịu án oan trong suốt thời gian rất dài, đến cả chục năm trời.

Ông Nguyễn Thanh Chấn
Ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình

Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn đã tốn không ít giấy mực của báo chí. Năm 2003 tại thôn Me, xã Nghĩa Hưng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Sau một thời gian truy tìm hung thủ, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt ông Chấn và kết án chung thân với tội danh giết người, mặc dù ông Chấn đã gắng sức kêu oan. Sau 10 năm tù tội, năm 2013, ông Chấn mới được chính thức minh oan.

Còn trong vụ án oan ông Huỳnh Văn Nén, sau hơn 17 năm tù tội, ông Nén- người bị kết án với tội danh giết người trong vụ án bà Lê Thị Bông (Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) đã được đại diện các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận trao quyết định đình chỉ điều tra bị can. Sáng 3/12, đại diện các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã tiến hành xin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén tại trụ sở UBND thị trấn Tân Minh, thừa nhận những sai sót đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng đó là việc ông Nén bị bắt giam, 2 lần bị oan trong 2 vụ án giết bà Lê Thị Bông (1998) và "kỳ án vườn điều" (1993).

Ông Huỳnh Văn Nén
Ông Huỳnh Văn Nén và gia đình trao đổi với luật sư

Chống ép cung, bức cung là giải pháp đầu tiên để tránh oan sai

Trong kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng, trong đó quy định về việc ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can là một bước tiến trong quá trình bảo đảm quyền của bị can, bị cáo. Đây cũng là phương thức để hạn chế hiện tượng tiêu cực, bức cung nhục hình, tra tấn và kết án oan sai. 

Theo PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp, áp dụng việc ghi âm, ghi hình trong những lần hỏi cung bị can trong quá trình điều tra là một phương thức làm làm tăng tính tranh tụng, ít nhất là hạn chế được những chuyện tiêu cực, bức cung nhục hình, tra tấn, vi phạm pháp luật.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, ép cung, bức cung là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan sai. Vì vậy, chống ép cung, bức cung là giải pháp đầu tiên để tránh oan sai. Việc lắp đặt, sử dụng camera trong phòng hỏi cung cũng là một giải pháp để hạn chế việc ép cung, bức cung. Tuy nhiên, có thể chống được tình trạng ép cung, bức cung trong quá trình điều tra hay không, điều này lại phụ thuộc phần lớn vào con người.

“Ai, cơ quan nào sẽ giám sát việc sử dụng, lưu trữ hình ảnh của camera trong phòng hỏi cung khi chỉ có điều tra viên và đối tượng tình nghi? Đây chỉ là một giải pháp trong việc góp phần chống tình trạng bức cung, nhục hình”- Luật sư Nguyễn Văn Quynh nêu câu hỏi.

Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh, để tránh việc người tiến hành tố tụng (điều tra viên) ép cung, bức cung các đối tượng bị tình nghi phạm tội thì cần phải có người đối trọng về trách nhiệm. Đó chính là Luật sư bào chữa. Điều tra viên, Kiểm sát viên giữ nhiệm vụ buộc tội còn Luật sư bào chữa là người gỡ tội. Vì thế, sự tham gia của Luật sư với vai trò đối trọng sẽ làm giảm tính chất “buộc tội” trong hỏi cung nói riêng và quá trình tố tụng hình sự nói chung. Luật sư bào chữa cũng giữ vai trò “giám sát” việc tuân thủ các nguyên tắc, quy định của pháp luật tố tụng hình sự của những người tiến hành tố tụng, làm cho quá trình được khách quan, công bằng hơn và tất nhiên sẽ hạn chế việc ép cung, bức cung, từ đó sẽ giảm được án oan sai.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh (bên phải) và ông Huỳnh Văn Nén
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (bên phải) và ông Huỳnh Văn Nén

Coi trọng hoạt động bào chữa

“Nâng cao vai trò, vị trí của Luật sư trong việc tham gia tố tụng là một trong những nhiệm vụ của cải cách tư pháp. Tuy vậy, nhiệm vụ này chưa thật sự được chú trọng. Pháp luật tố tụng hình sự ghi nhận luật sư có quyền tham gia các buổi hỏi cung thân chủ của mình nhưng cần phải có sự đồng ý của điều tra viên hoặc kiểm sát viên. Quy định này vô hình chung làm cho việc tham gia của luật sư chỉ còn là hình thức”- Luật sư Nguyễn Văn Quynh nói.

PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc cũng nhấn mạnh việc rất cần đến hoạt động bào chữa. Đây chính là công cụ để bảo vệ quyền lợi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Cùng với đó, hoạt động bào chữa là sự phản biện đối với hoạt động buộc tội, là hoạt động rât cần thiết cho chính các cơ quan buộc tội và là cơ sở để Tòa án nhìn được sự việc, những tình tiết trong vụ án một cách đúng đắn, khách quan hơn.

Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh, đi kèm với việc tăng cường vai trò, sự tham gia của luật sư trong quá trình tố tụng thì pháp luật tố tụng hình sự cũng cần phải ghi nhận nguyên tắc “quyền được giữ im lặng để chờ người bào chữa” của người bị tình nghi, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Quy định này được áp dụng ở phần lớn các nước tiên tiến trên thế giới, là một trong những quy định đảm bảo quyền con người, quyền của công dân được bình đẳng trước pháp luật.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng, trong thời gian tới, pháp luật tố tụng nước ta cần phải tiến đến việc ghi nhận nguyên tắc này một cách phù hợp nhất. Áp dụng triệt để nguyên tắc “Suy đoán vô tội” cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để tránh oan sai trong tố tụng hình sự. Hiến pháp nước ta ghi nhận rất rõ: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật”. Điều này có nghĩa, trước khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì bị can, bị cáo đều được coi là “người vô tội”. Pháp luật tố tụng hình sự cụ thể hóa nguyên tắc này bằng việc quy định “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Quynh có thể vì quá đặt nặng trách nhiệm “chứng minh tội phạm” và tâm lý lo ngại “bỏ lọt tội phạm” mà khi phát hiện tội phạm, xác định đối tượng tình nghi, thực tế nhiều điều tra viên chỉ đi theo hướng buộc tội và bức cung, ép cung khi nghi phạm chối tội, sẽ dẫn đến việc oan sai. Nếu có thể quán triệt tư tưởng và áp dụng triệt để nguyên tắc “Suy đoán vô tội” thì quá trình tố tụng sẽ đảm bảo khách quan, công bằng, đồng thời hạn chế được oan sai xảy ra.

“Như vậy, để hạn chế và tránh việc oan sai trong tố tụng hình sự thì không có giải pháp nào là tối ưu nhất, cần phải áp dụng nhiều giải pháp đồng thời. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là yếu tố con người. Vì thế, giải pháp hữu hữu hiệu nhất là thay đổi con người, cần phải nâng cao chất lượng, ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật ở những người tiến hành tố tụng, đặc biệt giai đoạn tố tụng đầu tiên”- Luật sư Nguyễn Văn Quynh nói.

Cũng nhấn mạnh việc tất cả các giải pháp đều phải qua một bộ lọc cuối cùng là con người, PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc cho rằng, nếu con người không có nghiệp vụ thì dù phương tiện kỹ thuật tối tân như thế nào đi nữa, họ vẫn có thể thay đổi. Một khi điều tra viên đã nhận thức không đúng về trách nhiệm của mình, chạy theo những tư duy trọng cung, bằng mọi giá phải có được lời khai của bị can thì mọi biện pháp không có hiệu quả./.

Theo VOV.VN