Nguyên Tổng giám đốc Công ty dược Sài Gòn – Lê Minh Trí hầu tòa
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 14/05/2015
(TN&MT) - Sau nhiều lần hoãn xử, ngày 13/5, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Lê Minh Trí, nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (gọi tắt là Cty Sapharco). Cùng hầu tòa với Trí là hai bị can Nguyễn Hồng Thu, giám đốc Cty Phúc Tiến và Vũ Duy Quyền, giám đốc Cty Tiến Phúc. Như vậy, vụ án kinh tế lớn nhất của TP.HCM những năm gần đây được đưa ra xét xử công khai theo dự kiến 3 ngày (từ 13-15/5/2015).
Nguyên Tổng giám đốc Cty dược Sài Gòn trước vành móng ngựa. |
Trong ngày đầu xét xử, HĐXX đã công bố cáo trạng của Viện KSND TP.HCM. Theo cáo trạng, vào thời điểm đương chức giám đốc, ông Lê Minh Trí đã đồng ý cho hai Cty TNHH TMDP Tiến Phúc và Cty TNHH Khang Phúc do Nguyễn Hồng Thu thành lập và trực tiếp điều hành (Thu thuê Vũ Duy Quyền làm giám đốc Cty Tiến Phúc, còn Thu làm giám đốc Cty Tiến Phúc) nhập ủy thác các loại thuốc qua Cty Sapharco. Tuy nhiên, khi giao hàng hóa bán trả chậm cho hai công ty này, Trí không yêu cầu có tài sản thế chấp hoặc biện pháp gì đảm bảo cho số hàng đã giao không bị mất. Trí còn cho Thu, Quyền, Cty Khang Phúc, Tiến Phúc vay tiền lấy lãi dưới hình thức hỗ trợ vốn nhưng cũng không có tài sản thế chấp hoặc biện pháp đảm bảo. Việc giao hàng hóa, cho vay tiền của Trí vượt quá quyền hạn của TGĐ quy định trong điều lệ của Cty.
Giám đốc Nguyễn Hồng Thu với sự giúp sức của giám đốc Vũ Duy Quyền lừa đảo chiếm đoạt của Cty Sapharco 31,6 tỉ đồng thông qua 41 hợp đồng kinh tế đã ký kết. Nguyễn Hồng Thu còn lừa đảo chiếm đoạt của Sapharco 19,83 tỉ đồng Thông qua việc ký 22 phụ lục hợp đồng vay tiền với danh nghĩa hỗ trợ vốn,. Thu cũng còn nợ của Sapharco hơn 11,79 tỉ đồng tiền thuế, phí, lãi suất không còn khả năng thanh toán. Tổng thiệt hại của Cty Sapharco trong vụ án số tiền lên tới 63,2 tỉ đồng.
Cáo trạng của VKSND TP.HCM đã để nghị HĐXX truy tố Lê Minh Trí, Nguyễn Hồng Thu và Vũ Duy Quyền các tội danh “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hôm nay 14/5, phiên tòa sang ngày xét xử thứ 2 với phần xét hỏi các bị cáo và đại diện cá nhân, đơn vị lien quan trong vụ án..
Báo Tài nguyên và Môi trường online sẽ cập nhật diễn biến phiên tòa này.
Bộ luật Hình sự - Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Bài & ảnh: Tân Châu