Chiều nay xử phúc thẩm vụ “Tập đoàn matxa – kích dục Tân Hoàng Phát”

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 05/02/2015

(TN&MT) – Phiên toà được mở vì các bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Toà phúc thẩm Tối cao tại TP.HCM sẽ là nơi xét xử vào...
   
   
(TN&MT) – Phiên toà được mở vì các bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Toà phúc thẩm Tối cao tại TP.HCM sẽ là nơi xét xử vào chiều nay 5/2/2015.
   
  Vụ án này như báo Tài nguyên và Môi trường nhiều lần đưa tin: Năm 2005, Phan Cao Trí (41 tuổi), cùng vợ là bị cáo Phan Thị Yến thành lập các Cty kinh doanh dịch vụ matxa Tân Hoàng Phát, Kim Thu, Hoàng Thành, Hoàng Vân, Newstar... 3 năm sau (năm 2008) Phan Cao Trí giao lại cơ sở Tân Hoàng Phát cho Phan Việt Hậu quản lý, Trí điều hành hệ thống các Cty. 
   
   
  Phan Cao Trí đã tổ chức kinh doanh matxa trá hình và lừa gạt, ép buộc các cô gái ký các thỏa thuận làm việc với các cam kết trái pháp luật, sau đó Trí dựa vào các cam kết này chèn ép, gây bất lợi cho các cô gái nhằm trục lợi. Trí buộc các cô gái phải ăn ở tại Cty và không được ra ngoài làm, 6 tháng mới được nghỉ phép một lần 7 ngày, các cô gái chưa làm việc tới 6 tháng mà tự ý nghĩ việc dù bất cứ lý do gì thì phải bồi thường cho Trí 24 triệu đồng…Phan Cao Trí phân công Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường, Nguyễn Hoài Nhanh, Nguyễn Minh Phương tổ chức canh giữ.
   
  Cáo trạng cũng cáo buộc Trí bắt các cô gái làm việc từ 9g sáng cho đến 1g sáng hôm sau, Trí cho người đánh đập, bắt các cô gái quét dọn vệ sinh, phụ bếp 3-7 ngày nếu các cô gái không làm vừa khách khi phục vụ. Bị cáo Phan Thị Yến theo cáo trạng là người giữ tiền cho cơ sở Tân Hoàng Phát, Yến ngoài việc nhận tiền thế chân còn có nhiệm vụ trả lương cho các cô gái. Tuy nhiên Yến qua chỉ đạo của Phan Cao Trí đã trả lương cho các cô gái không đúng thỏa thuận: Lương nhân viên matxa được ký trong hợp đồng là 670.000 đồng nhưng thực tế các nhân viên này chỉ được nhận 500.000 đồng/tháng.
   
  Từ nguồn tin tố giác của quần chúng, ngày 16/12/2008, Công an TP HCM đã kiểm tra Tân Hoàng Phát và giải thoát cho 64 nhân viên bị bắt giữ trái pháp luật.
   
   
  Tháng 1/2011, TAND TP HCM xử sơ thẩm lần đầu tuyên phạt Trí 12 năm tù, Hậu 10 năm tù, Cường 9 năm tù cùng về hai tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Phan Thị Yến 6 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Các bị cáo Nguyễn Minh Phương lãnh 3 tù, Nguyễn Hoài Nhanh 2 năm tù về cùng tội danh “Bắt giữ người trái pháp luật”. Đến tháng 12/2011 TAND tối cao tại TP HCM mở phiên tòa phúc thẩm tuyên giảm án đồng loạt cho các bị cáo. Cụ thể Phan Cao Trí còn 5 năm tù; Phan Việt Hậu còn 4 năm 6 tháng tù; Cường còn 4 năm tù; Yến còn 3 năm nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Minh Phương 1 năm tù và Nguyễn Hoài Nhanh 1 năm 6 tháng tù.
   
  Không đồng tình với bản án phúc thẩm. Ngày 7/1/2013, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, tuyên hủy toàn bộ 2 bản án của cả hai cấp toà để điều tra lại do chưa áp dụng đúng pháp luật. Riêng Phan Cao Trí cũng có đơn kêu oan ở nhiều nơi cho rằng vợ chồng bị cáo Trí không có tội.
   
  Tuy nhiên, Cơ quan điều tra Công an TP.HCM cho rằng đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của các bị cáo và chuyển hồ sơ đề nghị truy tố các bị cáo ra tòa. Đồng tình với kết luận của VKS, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử từ đầu vụ án.
   
  Tại bản án của phiên toà xét xử ngày 5/9/2014, tòa án nhân dân TP.HCM (sơ thẩm lần 2), Phan Cao Trí bị tuyên nhận 12 năm tù, các bị cáo khác cũng bị lãnh các hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.
   
  Riêng bị cáo Phan Thị Yến (vợ Phan Cao Trí) bị tuyên án 4 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” còn Nguyễn Minh Phương (quản lý cơ sở Hoàng Thành) bị phạt 3 năm tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”. Đây cũng là hai bị cáo có đơn kháng cáo và được Toà phúc thẩm đưa ra xét xử chiều nay 5/2.
  Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ thông tin phiên toà này.
   
Bài & ảnh: Tân Châu