Vì sao chưa giải quyết dứt điểm vụ án nguyên giám đốc Ngân hàng VietinBank Yên Bái?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 21/10/2014

(TN&MT) - Theo nhận định tại bản án phúc thẩm số 735/2013/HSPT của Tòa phúc thẩm – TAND tối cao tại Hà Nội, việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ, có dấu...
   
(TN&MT) - Vụ án nguyên Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh Yên Bái cùng các nhân viên dưới quyền vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tín dụng gây thất thoát hàng chục tỷ đồng gây chấn động tỉnh miền núi nghèo Yên Bái. Song, “quá trình điều tra không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được” và hàng loạt sai sót nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng cũng đã được Tòa phúc thẩm – TAND tối cao chỉ ra. Điều này dẫn tới, bản án đã bị tuyên hủy án để điều tra lại từ đầu.
   
Điều tra không đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm...
   
  Theo nhận định tại bản án phúc thẩm số 735/2013/HSPT ngày 28/11/2013 của Tòa phúc thẩm – TAND tối cao tại Hà Nội, việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm…
   
  Cụ thể, chứng cứ để chứng minh “tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra” để đánh giá tính chất, hậu quả của hành vi phạm tội trong việc xác định tội phạm và quyết định hình phạt.
   
Lễ cắt băng khai trương PGD Yên Bình - Vietinbank Yên Bái. Ảnh: vietinbank.vn
   
  Theo Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp phúc thẩm, mặc dù đã “tách số tiền nợ của Cty TNHH Thẩm Hường để giải quyết bằng một vụ án khác”, nhưng bản án cấp sơ thẩm vẫn xác định, Cty Thẩm Hường vay trái pháp luật là 12.206.000.000 đồng (Mười hai tỷ hai trăm linh sáu triệu đồng).
   
  Việc Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Cty Thẩm Hường cùng Ngân hàng phát triển Việt Nam vào tham gia tố tụng và do việc “tách số tiền nợ của Cty TNHH Thẩm Hường để giải quyết bằng một vụ án khác”, nên hậu quả chính xác của vụ án chưa thể xác định được (kết quả tranh chấp về số tiền còn nợ của Cty Thẩm Hưởng với Vietinbank, kết quả giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ bảo lãnh của Ngân hàng phát triển Việt Nam với Vietinbank chưa có, mà đây chính là hậu quả của vụ án hình sự này).
   
  HĐXX cấp phúc thẩm cũng nhận định, có căn cứ để cho rằng vụ án có đồng phạm khác. Theo đó, ngoài các bị cáo Ngô Văn Hanh (Nguyên giám đốc Vietinbank Yên Bái), Trần Sỹ Trường (nguyên Trưởng phòng tín dụng), Hoàng Xuân Phong (nguyên cán bộ phòng tín dụng), chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có một số đồng phạm khác trong hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”.
   
  Mặc dù xác định hậu quả của vụ án thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và bản án sơ thẩm cũng đã xác định rõ hành vi đồng phạm của 10 người khác nữa, trong đó có một số người có vai trò tích cực như: Phó Giám đốc Chi nhánh Vietinbank Yên Bái – Tạ Bích Thủy, nguyên tổ trưởng tổ Quản lý rủi ro – Trịnh Thị Ngọc Hoa, nguyên Phó trưởng phòng khách hàng – Nguyễn Thành Chung và nguyên Kế toán trưởng trưởng – Nguyễn Thị Minh Thúy, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại đồng tình với việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với số người này của Viện kiểm sát là không phù hợp với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, không đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật giữa những người có hành vi phạm tội với nhau.
   
  HĐXX cấp phúc thẩm cũng cho rằng, theo quy định tại Điều 179 Bộ luật hình sự thì chỉ những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng mới bị coi là tội phạm, nhưng Cáo trạng của VKSND tỉnh Yên Bái truy tố và Tòa án cấp sơ thẩm xết xử các bị cáo chủ yếu căn cứ vào các quy định của pháp nhân Vietinbank là không đúng với quy định về loại tội phạm này.
   
Doanh nghiệp “tố” cơ quan điều tra vi phạm thủ tục tố tụng
   
  Gần một năm đã trôi qua, kể từ ngày 28/11/2013, sau khi HĐXX Tòa phúc thẩm – TAND tối cao tại Hà Nội quyết định hủy bản án sơ thẩm và yêu cầu  Cơ quan điều tra tỉnh Yên Bái tổ chức, điều tra lại, giải quyết đúng pháp luật, nhưng cho đến nay theo Cty TNHH Thẩm Hường, các cơ quan chức năng liên quan dường như vẫn “án binh bất động”.
   
  Vẫn theo Cty TNHH Thẩm Hường, ngay từ giai đoạn điều tra cấp sơ thẩm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã có nhiều động thái “khó hiểu” khiến doanh nghiệp hoài nghi chứ không cần phải chờ đợi đến bản án của cấp phúc thẩm mới chỉ ra được những sai sót của cấp sơ thẩm.
   
Đơn khiếu nại và tố cáo của Cty TNHH Thẩm Hường
   
  Cụ thể, tại Công văn số 260/CV(PC46) của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái trả lời kiến nghị của Cty TNHH Thẩm Hường về việc mất tiền trong quá trình giao dịch tại Vietinbank Yên Bái, đơn vị này chỉ ra những kết luận có lợi cho Viettinbank Yên Bái, mà lờ đi kết luận gây bất lợi cho ngân hàng này. Công văn số 260 kết luận: Kết quả giám định số 93/KLGĐ ngày 24/11/2011 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Yên Bái về Quyết định trưng cầu về giám định chữ ký số 56 ngày 9/11/2011 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái, khẳng định “toàn bộ chữ ký Nguyễn Văn Thẩm trên các phiếu lĩnh tiền mặt, giấy nhận nợ, giấy nộp tiền và lệnh chi tiền đều là của ông Nguyễn Văn Thẩm”.
   
  Đối chiếu với kết luận giám định số 93 ngày 24/11/2011 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Yên Bái, sẽ thấy Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái dường như không hiểu cố tình hay vô ý khi quên một đoạn kết luận không kém phần quan trọng khác: “Chữ viết Nguyễn Văn Thẩm tại mục: chủ tài khoản và người lĩnh/đã nhận đủ tiền của Phiếu lĩnh tiền mặt (ký hiệu A28) với chữ viết của Nguyễn Văn Thẩm trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu (ký hiệu M1, M3, M4, M5, M6, M7, M8, M9) không phải là chữ viết của cùng một người”.
   
  Phiếu lĩnh tiền mặt ký hiệu A28 là phiếu lĩnh tiền mặt số tiền 800.000.000 đồng (Tám trăm triệu đồng) của ông Nguyễn Văn Thẩm tại Vietinbank Yên Bái ngày 10/7/2010 mà ông Thẩm cùng Cty Thẩm Hường tố cáo là giả mạo để rút tiền của Cty Thẩm Hường. Kết luận giám định chữ ký của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Yên Bái đã chỉ rõ chữ ký đó “không phải là của cùng một người”, đồng nghĩa những tố cáo của Cty Thẩm Hường về việc mất tiền trong giao dịch tại Vietinbank Yên Bái là có cơ sở. Không biết vì lý do gì mà Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái lại quên đi chi tiết này, khẳng định như “đinh đóng cột” bằng Công văn số 260 với Cty Thẩm Hường: “Chưa đủ căn cứ xác định cán bộ Vietinbank Yên Bái lấy tiền và làm thất thoát tiền của Cty TNHH Thẩm Hường và cá nhân ông Nguyễn Văn Thẩm”.
   
  Cũng theo tố cáo của Cty Thẩm Hường, trong quá trình lấy lời khai bà Lê Thị Anh Đào (nguyên Phó Giám đốc Cty Thẩm Hường), các điều tra viên của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
   
  Về việc này, ngày 27/9/2011, bà Lê Thị Ánh Đào đã có bản tường trình gửi tới Ban Giám đốc, Phòng CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế Công an tỉnh Yên Bái nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm giải quyết.
   
  Theo tường trình của bà Đào, liên quan đến khoản tiền nộp vào tài khoản của Cty Thẩm Hường tại Vietinbank Yên Bái, bà Đào đã khai nhận toàn bộ sự thật khách quan trong bản khai ngày 22/7/2011 tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái do Điều tra viên tên Hân lập và lấy lời khai. Nhưng bất ngờ, ngày 25/09/2011, các điều tra viên của Công an tỉnh Yên Bái đến nhà bà Đào, yêu cầu lên cơ quan CSĐT để làm việc (mặc dù không có giấy triệu tập).
   
  Bà Đào cho biết: Tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái, có 3 điều tra viên của đơn vị này đã thay nhau đe dọa, mớm cung bà Đào thay đổi lại lời khai ngày 22/7/2011 theo nội dung mới như sau: “Số tiền một tỷ đồng tôi nộp ngày 25/12/2009 vào tài khoản của Cty TNHH Thẩm Hường tại Vietinbank Yên Bái là tiền giải ngân từ khoản vay của cá nhân ông Thẩm. Việc ký giấy tờ là do ông Thẩm, bà Hường bảo tôi ký”. Trong hoàn cảnh cực chẳng đã, bà Đào đã thay đổi lại lời khai của mình theo nội dung mới mà các điều tra viên này đã “mớm” sẵn.
   
  Với những sai phạm tố tụng đã được chỉ rõ trong bản án của Tòa phúc thẩm, cũng như những tố cáo của các đương sự có liên quan xung quanh vụ án kinh tế “gây chấn động ở tình miền núi nghèo Yên Bái”, nhưng không hiểu sao cho đến lúc này sự thật khách quan của vụ án theo yêu cầu của Tòa phúc thẩm vẫn chưa được Cơ quan điều tra cấp sơ thẩm trả lời. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái cần quyết liệt, sớm vào cuộc, điều tra xét xử lại vụ án.
   
Mạnh Hưng