Xét xử phúc thẩm vụ Vifon: Vẫn tranh luận nảy lửa tội danh “tham ô”

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 16/05/2014

(TN&MT) - Chủ tọa phiên tòa cho biết tòa sẽ nghị án và 14 giờ chiều ngày thứ Hai (19/5) tới đây tòa sẽ tuyên án.
   
(TN&MT) – Sau 4 ngày xét xử, phiên tòa phúc thẩm vụ Công ty Vifon đã vào thời điểm nghị án. Kết thúc ngày xét xử thứ 4 (15/5), Chủ tọa phiên tòa cho biết tòa sẽ nghị án và 14 giờ chiều ngày thứ Hai (19/5) tới đây tòa sẽ tuyên án.
   
   
Tranh luận tới phút chót khoảng tiền 7,9 tỉ đồng là của ai
   
  Trong ngày xét xử hôm qua (15/5), tòa dành phần lớn thời gian cho đại diện Viện kiểm sát (VKS) và các luật sư tranh tụng trực tiếp tại tòa.
   
  Diễn biến phiên tranh luận chủ yếu tập trung vào khoảng tiền 7,9 tỉ đồng của vụ án. Đây là khoảng tiền mà an sơ thẩm và tại phiên phúc thẩm này, VKS cho rằng đó là khoảng tiền nhà nước đã bị chiếm đoạt, vì vậy tòa sơ thẩm và VKS trong phiên phúc thẩm buộc tội “tham ô” bị cáo.
   
  Đại diện VKS tranh tụng tại tòa cho rằng, tòa sơ thẩm tuyên buộc Bộ Công Thương là nguyên đơn dân sự, sau bản án sơ thẩm phía Bộ Công Thương không kháng cáo, như vậy phần tuyên buộc này có hiệu lực pháp luật. Viện dẫn các quy định pháp luật, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ trong vụ án, đặc biệt là lời khai của bị cáo Huyền tại cơ quan điều tra, VKS khẳng định, tòa sơ thẩm quy kết bị cáo Huyền tội tham ô tài sản là đúng người, đúng tội.
   
  Không đồng tình với lập luận của VKS, các luật sư phản biện cho rằng Bộ Công Thương không kháng cáo là do họ đã từ chối tư cách nguyên đơn dân sự. Theo Bộ Luật tố tụng dân sự thì nguyên đơn dân sự phải có đơn khởi kiện và được tòa án chấp nhận. Còn Bộ Luật tố tụng hình sự thì nguyên đơn dân sự phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, theo pháp luật hiện hành thì phía tòa án không có quyền xác định tư cách nguyên đơn dân sự khi nguyên đơn dân sự không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu VKS cho rằng Bộ Công Thương là nguyên đơn dân sự thì phía nguyên đơn dân sự phải có đơn yêu cầu thi hành án. “Vấn đề là làm sao bản án tuyên xong thì thi hành án phải khả thi” các luật sư đặt câu hỏi như vậy trong phần tranh tụng.
   
  Các Luật sư Phan Trung Hoài và Lê Hồng Nguyên đồng loạt tranh luận làm rõ số tiền 7,9 tỉ đồng không phải là tài sản nhà nước. “Nếu xác định không phải tiền nhà nước thì không thể buộc tội tham ô” luật sư Phan Trung Hoài” nói.
   
  Do có quá nhiều ý kiến tranh tụng làm rõ xem số tiền 7,9 tỉ đồng ai là sở hữu, Chủ tọa mời đại diện VKS tiếp tục tranh tụng đối đáp ý kiến của các luật sư về nội dung này. Đại diện VKS cho rằng do bất đồng lớn giữa VKS và các luật sư nên không tiếp tục tranh tụng.
   
Xin thi hành án ngay để được chuyển nơi tạm giam
   
  Đó là lời nói sau cùng tại tòa của bị cáo Đàm Tú Liên.  “Thưa tòa, bị cáo nói lời sau cùng mong…chồng và cha bị cáo nghe cho rõ là bị cáo dù tòa xử thế nào thì bị cáo cũng xin thi hành án ngay để được đưa ra ngoài nơi tạm giam, những ngày qua bị cáo bị tam giam chung với các thành phần nghiện ngập ma túy nên bị cáo rất sợ…” Đàm Tú Liên đã nói như vậy tại tòa.
   
  Nguyễn Thanh Huyền cho rằng mình không làm gì gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho công ty, cho nhà nước. Nguyễn Thanh Huyền thừa nhận mình có sai sót về mặt nghiệp vụ kế toán tài chính thì đó là về quản lý kinh tế. Tuy nhiên, Nguyễn Thanh Huyền cũng nói rằng “việc truy tố tội tham ô và cố ý làm trái là oan cho bị cáo, bị cáo không tham ô tiền nhà nước...”. Chủ tọa ngắt lời Nguyễn Thanh Huyền và cho biết rằng trong lúc nghị án, HĐXX sẽ xem xét nội dung này.
   
  Riêng bị cáo Nguyễn Bi thì nói lời sau cùng mong HĐXX xem xét những đóng góp của bị cáo đối với Công ty Vifon. 2 bị cáo còn lại nói lời sau cùng các bị cáo mong HĐXX xem xét giảm hình phạt vì gia cảnh, sức khỏe của các bị cáo.
   
  Sau khi cho bị cáo nói lời sau cùng, Chủ tọa công bố tòa tạm nghỉ để nghị án. Bản án sẽ được tuyên vào lúc 14 giờ ngày 19/5 tới đây.
   
  Bài & ảnh: Tân Châu