Xi măng Hà Giang - Bài 2: Tại sao không khởi tố bị can khi quyết định khởi tố vụ án đã kéo dài hơn một năm?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 06/05/2014

(TN&MT) - Ai phải chịu trách nhiệm trong việc làm thất thoát hơn 136 tỉ đồng của Công ty cổ phần Xi măng Hà Giang. Có phải 3 bố con nhà ông cựu chủ tịch HĐQT?.
  
(TN&MT) - Tính đến nay, đã hơn một năm kể từ khi vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng Hà Giang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang ra Quyết đinh số 09/QĐ-PC46 khởi tố hình sự (ngày 28/3/2013). Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì Cơ quan CSĐT vẫn chưa ra quyết định khởi tố bị can?.

 Lập hồ sơ giả để chiếm đoạt tài sản


 Sau khi nhận được đơn tố cáo của một số cổ đông Công ty cổ phần Xi măng Hà Giang, ngày 28/3/213 (cùng ngày ra quyết định khởi tố vụ án), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang có Văn bản số 60/TB-PC46 thông báo kết quả giải quyết đơn tố cáo tội phạm cho ông Phạm Ngọc Tuấn và ông Đặng Văn Sự cùng các cổ đông biết về sự việc ông Vũ Duy Chanh có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt ít nhất là 7,2 tỷ đồng (chưa tính lãi phát sinh). Văn bản này còn khẳng định, việc chiếm chiếm đoạt tài sản của ông Chanh đã cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 140 BLHS với hậu quả gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.

 Tiếp đến, ngày 22/4/2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang có Văn bản số 69/CVĐN đề nghị Công ty cổ phần Xi măng Hà Giang báo cáo bằng văn bản về thiệt hại xảy ra tại công ty để phục vụ yêu cầu điều tra. Ngày 25/5/2013, đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Xi măng Hà Giang là ông Nguyễn Quốc Lập có Văn bản số 97/XMHG-BC báo cáo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang về tình hình thiệt hại của công ty. Theo báo cáo này, từ năm 2007 – 2012, thời kỳ ông Chanh làm Chủ tịch HĐQT để xảy ra hàng loạt các sai phạm gây ra tổng thiệt hại cho Công ty cổ phần Xi măng Hà Giang ước tính 136 tỷ đồng !.
  
  
Bản báo cáo về thiệt hại sơ bộ ban đầu do bố con ông Vũ Duy Chanh gây ra

 Điển hình như vụ lập hồ sơ giả để thế chấp ngân hàng vay hàng chục tỷ đồng nhằm động cơ và mục đích chiếm đoạt tài sản, gây thất thoát tài sản cho doanh nghiệp với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Đó là, ngày 11/9/2007, ông Chanh với tư cách cá nhân, không thông qua HĐQT đã cố ý làm trái các quy định của Luật doanh nghiệp và điều lệ công ty, tự ý ký Hợp đồng kinh tế số 16/HĐKT-XM với Công ty cổ phần Đồng Tâm  để mua một dây chuyền nghiền đá trị giá hơn 7,8 tỷ đồng. Thế nhưng trên thực tế không hề có dây chuyền nghiền đá nào được mang về Công ty cổ phần Xi măng Hà Giang bởi đây là hợp đồng kinh tế được ký khống.

 Tương tự, ngày 25/12/2007, ông Chanh tiếp tục ký Hợp đồng kinh tế số 2512/HĐKT-XM với Doanh nghiệp tư nhân Công Thanh Hùng Thắng mua tiếp một dây chuyền nghiền đá trị giá hơn 7,2 tỷ đồng; nhưng doanh nghiệp này không giao hàng cho Công ty cổ phần Xi măng Hà Giang mà lại giao cho Công ty cổ phần Đồng Tâm sử dụng trái phép, sau đó mang đi bán sắt vụn (?!).

 Sau đó, ông Chanh dùng hai bộ hợp đồng trên thế chấp, vay vốn cho Công ty cổ phần Xi măng Hà Giang tại Ngân hàng Seabank (thế chấp tài sản hình thành từ sau vốn vay) để thanh toán cho Công ty cổ phần Đồng Tâm và Doanh nghiệp tư nhân Công Thành-Hùng Thắng.

 Như vậy có thể thấy, chỉ qua 2 sự vụ trên, hành vi của ông Chanh đã tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Đồng Tâm chiếm đoạt hơn 7,2 tỷ đồng (chưa tính lãi phát sinh từ năm 2008 đến nay) của Công ty cổ phần Xi măng Hà Giang.

Cố ý qua mặt Đại hội đồng cổ đông

 Thời điểm năm 2007, tổng giá trị tài sản của Công ty cổ phần Xi măng Hà Giang được kiểm toán và báo cáo Đại Hội đồng cổ đông là hơn 53 tỷ đồng. Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 96 Luật doanh nghiệp và theo điểm 1 và điểm 2 Điều 13 của Điều lệ Cty CPXMHG, quy định: “…Giao dịch hoặc mua bán tài sản Công ty mà giá trị giao dịch này lớn hơn hoặc bằng 50% tổng giá trị tài sản của Công ty theo sổ sách kế toán đã được kiểm toán trong thời điểm gần nhất phải được Đại hội đồng cổ đông thường niên hoặc bất thường thông qua bằng nghị quyết”.
  
  
  
Cả một nhà máy xi măng đã bị phá nát bởi sự kém cỏi của HĐQT cũ


 Thế nhưng, ngày 05/10/2007, ông Chanh phớt lờ các quy định trên, tự ý ký Hợp đồng số 199/HĐTT-XMHG/2007 mua dây chuyền sản xuất xi măng lò quay với Công ty TNHH Thiên Nam và Công ty CP Quý Châu (Trung Quốc), giá trị của hợp đồng ban đầu là hơn 142,6 tỷ đồng. Sau một năm, ngày 26/10/2008, ông Chanh lại ký phụ lục hợp đồng số 02, nâng giá trị hợp đồng trên lên thành 185 tỉ đồng và cũng không báo cáo Đại hội đồng cổ đông.

 Việc ông Chanh không báo cáo Đại hội đồng cổ đông tự ý ký hợp đồng có giá trị lớn hơn gấp 3 lần giá trị tài sản của công ty đã gây tổn thất hơn 35 tỷ đồng cho công ty. Cụ thể, ngày 31/10/2007, với tư cách là người đại diện trước pháp luật của Công ty cổ phần Xi măng Hà Giang, ông Chanh ký giấy nhận nợ lần thứ nhất, đề nghị Ngân hàng SeaBank giải ngân 20 tỉ đồng để thanh toán tiền tạm ứng cho bên bán thiết bị. Theo đề nghị này, SeaBank đã chuyển vào tài khoản của Công ty TNHH Thiên Nam 1.246.261,22 USD, tương đương với 20 tỉ đồng; và cho đến hết năm 2012 số lãi vay này là hơn 15 tỉ đồng.

 Qua các sự vụ trên cho thấy việc lạm dụng tín nhiệm và cố ý làm trái của ông Chanh, đồng thời có hành vi chiếm đoạt, gây thất thoát tài sản cho Công ty cổ phần Xi Măng Hà Giang là đặc biệt nghiêm trọng. Vì thế, việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang ra quyết định khởi tố vụ án từ ngày 28/3/2013 là chính xác, nhưng không hiểu lý do gì đến nay đã hơn 1 năm vẫn chưa ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Chanh. Nếu cứ tiếp tục để sự việc “kéo dài” khi các chứng cứ phạm tội đã rõ, thì các đối tượng phạm tội trong vụ án càng có cơ hội tẩu tán tài sản và sẽ gây khó khăn cho việc thi hành phần án dân sự trong vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng này.

 Mặt khác, việc "trì hoãn" ra quyết định khởi tố bị can trong vụ án này chưa phù hợp với khoản 1 Điều 126 BLTTHS, quy định: “Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
  

       
Theo khoản 1 và 2 Điều 119 BLTTHS quy định về thời hạn điều tra:

      1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
      2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
      a, Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá hai tháng;
      b, Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng và lần thứ hai không quá hai tháng;
      c, Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng;
      d, Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.”.
      …
       

  Bài & ảnh: Mạnh Hưng