Quản lý hoạt động chế biến lâm sản ở Hà Tĩnh: Cơ sở trái phép vẫn “tung hoành”

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 20/03/2014

(TN&MT) - Sau thời gian tạm lắng, nhiều cơ sở chế biến lâm sản không có giấy phép trên địa bàn Hà Tĩnh đang có dấu hiệu hoạt động trở lại.
(TN&MT) - Sau thời gian tạm lắng, nhiều cơ sở chế biến lâm sản không có giấy phép  trên địa bàn Hà Tĩnh đang có dấu hiệu hoạt động trở lại.
   
Từ lén lút đến công khai
   
  Có mặt tại một số huyện như Kỳ Anh, Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ..., phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường chứng kiến hàng chục cơ sở sở chế biến gỗ (các xưởng cưa), được biết là không có đăng ký kinh doanh nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.
   
  Quan sát những địa điểm này, chúng tôi thấy, các cở sở hàng ngày vẫn ầm ĩ tiếng máy xẻ gỗ mặc dù địa điểm không phải là nơi khó phát hiện. Nguy hiểm hơn, nhiều cơ sở sau khi Công ty điện lực dừng cấp điện nhưng không tự giác tháo dỡ máy móc mà lén lút móc nối điện sinh hoạt từ hộ gia đình tiếp tục hoạt động.
   
  Được biết, Quyết định số 111/QĐ-UBND, ngày 09/01/2013, của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển chế biến lâm sản giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: “Giảm tối đa các cơ sở cưa xẻ hiện có, quy hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 174 cơ sở được cấp phép hoạt động. Đồng thời, yêu cầu rà soát, đình chỉ, tháo dỡ các cơ sở chế biến lâm sản không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo tiêu chí. Ngay sau đó, UBND tỉnh có văn bản giao Công ty điện lực Hà Tĩnh triển khai chỉ đạo các Chi nhánh điện lực theo danh sách các cơ sở chế biến lâm sản do UBND tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã cung cấp, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm trên địa bàn dừng cấp điện 3 pha đối với những cơ sở không được cấp phép.
   
Mặc dù đã có lệnh dừng cấp điện, tháo dỡ máy móc nhưng cơ sở này vẫn công khai hoạt động.
    
   
  Từ phương án này, chính quyền và ngành chức năng các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã nhiều lần ra quân chấn chỉnh, tình hình có lắng dịu. Qua rà soát, phát hiện 236 cơ sở không đảm bảo và yêu cầu dừng cấp điện, tháo dỡ máy móc. Theo các cơ quan chức năng tại địa phương, lực lượng kiểm lâm và Công ty Điện đã có sự phối hợp nghiêm túc theo chỉ đạo của tỉnh. Nhưng ghi nhận của phóng viên thời gian gần đây, ở một số huyện trọng điểm nhiều cơ sở trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Thời điểm hoạt động rầm rộ nhất là vào ban đêm. Ngay cả ban ngày, chỉ tính riêng các xã như Đức An, Thái Yên, Đức Lâm của huyện Đức Thọ đã có ít nhất đến 7 cơ sở chế biến gỗ không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động. Báo cáo của Hạt Kiểm lâm Kỳ Anh còn cho biết, trên địa bàn không còn cơ sở xẻ gỗ trái phép hoạt động, nhưng qua kênh thông tin chúng tôi có được, tại xã Kỳ Thượng có đến 3 điểm nhận được yêu cầu tháo dỡ máy móc nhưng các cơ sở này vẫn móc nối điện để sản xuất, gây bức xúc trong nhân dân.
   
  Việc các cơ sở chế biến gỗ trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động, được xác định là đối tượng tiếp tay cho hoạt động khai thác gỗ lậu. Không những vậy, còn gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, có nguy cơ gây mất an toàn lưới điện khi mà người dân tự ý lén lút móc nối tại khu vực không được cấp phép.
   
"Đá bóng" trách nhiệm
   
  Nhiều năm qua, huyện Hương Sơn luôn là điểm “nóng” khai thác gỗ lậu, vận chuyển gỗ trái phép. Các ngành chức năng thành lập nhiều đoàn để kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vấn nạn này nhưng xem ra khó giải quyết dứt điểm. Năm 2013, qua rà soát, thống kê ở huyện Hương Sơn có hơn 100 cơ sở chế biến lâm sản thì có 76 cơ sở không đảm bảo tiêu chí. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thành - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn thừa nhận địa phương còn nhiều cơ sở trái phép có “lệnh” đình chỉ nhưng đang hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Thành: “Trách nhiệm thuộc về điện lực Hương Sơn. Đầu năm 2013, chúng tôi đã gửi danh sách thông báo thực hiện cắt điện nhưng phía điện lực thực hiện không quyết liệt và thiếu trách nhiệm...”.
   
   
  Huyện Đức Thọ nằm trong số các địa phương có diện tích rừng lấy gỗ ít nhất. Nhưng lại là điểm “nóng” cho hoạt động chế biến lâm sản. Ngày 27/2/2013, UBND huyện Đức Thọ thành lập Ban chỉ đạo rà soát và thống kê có 58 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó 24 cơ sở không phù hợp với quy hoạch, phải tháo gỡ và yêu cầu dừng cấp điện. Nhưng thực tế sau hơn một năm triển khai, trên địa bàn huyện còn rất nhiều cơ sở chế biến lâm sản không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn cấp điện 3 pha. Ông Lê Sỹ Bình - Giám đốc Chi nhánh điện lực huyện Đức Thọ biện minh: “Chúng tôi đang chờ thời gian ở bên Hạt kiểm lâm bố trí cụ thể sẽ thực hiện. Khi nào họ thông báo chúng tôi mới cắt điện ...(?!) ”. Tuy nhiên, khi trao đổi vấn đề này, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Đức Thọ bức xúc: “Sau khi rà soát lại hoạt động của các cơ sơ trên địa bàn, chúng tôi đã lập danh sách và yêu cầu dừng cấp điện đối với những cơ sở không đủ điều kiện hoạt động nhưng phía điện lực thực hiện không nghiêm túc ”. Phải chăng Chi nhánh điện lực huyện Đức Thọ đang cố tình tiếp tay cho các cở sở trái phép hoạt động?.
   
  Cùng chung thực trạng, các địa bàn như Vũ Quang, Hương Khê,  Kỳ Anh… vẫn còn nhiều cơ sở chế biến lâm sản trái phép tự tung, tự tác. Nhưng khi được hỏi về trách nhiệm, nhưng đơn vị liên quan này lại đổ trách nhiệm cho nhau. Các Chi nhánh điện lực trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khi phóng viên tiếp xúc đều có ý né tránh, không cung cấp các thông tin và cho rằng việc này trách nhiệm thuộc về Kiểm lâm.
   
  Để chấm dứt tình trạng trên, Hà Tĩnh cần có thêm những phương án quyết liệt, dứt khoát, khi mà lực lượng chủ chốt được giao nhiệm vụ là Kiểm lâm và Công ty điện lực đang có dấu hiệu thoái thác. Đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ trách nhiệm.
   
  Bài và ảnh: Đức Cảnh - Hồng Thiệu