Đắk Nông: Tuyên phạt 36 năm tù cho 5 bị cáo vụ trộn bột pin vào tiêu
Pháp đình - Ngày đăng : 22:12, 28/12/2018
Sáng 28/12, TAND tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử 5 đối tượng liên quan đến vụ nhuộm pin vào tạp chất để trộn tiêu về hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP). Các đối tượng bị đưa ra xét xử gồm: Phan Thị Dung (SN 1962, ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước); Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975) và Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985, cùng ở xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông); Lê Thị Hồng Thơ (SN 1979) và Trần Ngưỡng (SN 1976, cùng ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông).
Theo cáo trạng, để có thêm lợi nhuận trong việc mua bán hạt tiêu, Phan Thị Dung (SN 1962, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thảo Dung, tỉnh Bình Phước) đã nhờ Lê Thị Hồng Thơ (SN 1975, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tịnh Thơ Đắk Nông) mua tạp chất giống hạt tiêu để đấu trộn vào bán kiếm lời. Sau đó, bà Thơ đã đặt hàng Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975) và Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985, cùng ngụ tỉnh Đắk Nông). Để có tạp chất giống với hạt tiêu, Loan và Bảo đã mua pin về đập lấy phần than rồi nhuộm với tạp chất. Riêng Trần Ngưỡng (SN 1976, ngụ tỉnh Đắk Nông) là người chở hỗn hợp pin giao cho bà Dung.
Ngày 22/4/2018, Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện và thu giữ được tại kho công ty của Dung với 360 bao hạt tiêu có trọng lượng 9 tấn. Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, trong mẫu hạt tiêu giám định có thành phần chính là hạt tiêu, hàm lượng 81,66%; ngoài ra còn tìm thấy các chất gồm: vỏ vụn cà phê, vụn đá, bột pin (có thành phần mangan dioxit, kẽm clorua, amoni chlorua) hàm lượng tổng tạp chất là 18,34%. Các chất mangan dioxit, kẽm clorua, amoni chlorua được phát hiện theo kết luận giám định nên trên không nằm trong danh mục chất hỗ trợ để chế biến thực phẩm (theo Văn bản hợp nhất số 02/BHN-BYT ngày 15/6/2015 của Bộ Y tế).
Tại phiên toàn sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Xuân Bảo (chồng Loan) đã trình bày về quy trình sản xuất phế phẩm để trộn vào tiêu. Theo bị cáo Bảo, để tạo màu đen cho phế phẩm cà phê, Loan và Bảo lấy bột than để trộn nhưng thời gian lên màu lâu quá, màu không đen nên mới mua pin về làm. Sau đó, Bảo pha nước bột pin, cho vào cối trộn bê tông trộn với vỏ cà phê rồi bỏ lên sấy và đóng bao để vào kho. Bị cáo này nói rằng không biết việc trộn tạp chất trên để làm gì mà chỉ có Loan biết.
Ngoài ra, bị cáo Bảo khai chỉ là người làm thuê cho Loan. Trong khi đó, bị cáo Loan cho biết, bị cáo làm nghề kinh doanh mua tiêu cám, tiêu bột để bán lại kiếm lời. Bị cáo thừa nhận việc mình tổ chức trộn tạp chất để bán cho Thơ nhưng không biết tạp chất đó dùng để làm gì?. Về phía bị cáo Thơ cũng khai mình không hề biết bà Dung mua tạp chất để làm gì?. Riêng bị cáo Dung thì cho rằng mục đích trộn tạp chất vào tiêu chỉ nhằm để tăng trọng lượng để xuất khẩu chứ không biết các đối tác của mình dùng vào việc gì?.
Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát (VKS) tỉnh Đắk Nông, các bị cáo không chỉ vi phạm các quy định trong an toàn thực phẩm mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành hồ tiêu Việt Nam. Sau khi nghe lời khai của các bị cáo và phần trình bày của VKS, Hội đồng Xét xử (HĐXX) cho rằng, hành vi của các bị cáo vi phạm nghiêm trọng những quy định về an toàn thực phẩm của bộ luật hình sự, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Dung, Thơ, Ngưỡng mức án 7 năm tù giam; tuyên phạt bị cáo Loan 7 năm 6 tháng tù giam; tuyên phạt bị cáo Bảo 8 năm tù giam.