Bác yêu cầu chia khối tài sản 400 tỷ sau ly hôn của người chồng nước ngoài

Pháp đình - Ngày đăng : 16:55, 23/04/2019

(TN&MT) - Ngày 22/4, TAND TP.HCM tiếp tục mở phiên tòa phúc thẩm vụ án tranh chấp tài sản sau ly hôn giữa nguyên đơn là ông Chang Koon Yuen (quốc tịch Singapore) và bị đơn là bà Châu Hồng Loan (ngụ tại quận 2, TP.HCM).  Hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng, ông Yuen đã ký vào các thỏa thuận khẳng định là tài sản riêng của vợ nên TAND TP.HCM tuyên 6/8 bất động sản (BĐS) là tài sản riêng của bà Loan (như bản án sơ thẩm của TAND quận 2).
LI1
Ông Trần Đức Tuấn, đại diện ủy quyền của ông Chang Koon Yuen trước phiên toà phúc thẩm chiều 22/4/2019

Mặc dù tại phiên tòa, ông Trần Đức Tuấn, đại diện ủy quyền của ông Chang Koon Yuen đã trình bày nhiều văn bản, tài liệu để chứng minh ông Yuen là người có công chính tạo dựng lên 08 BĐS tại TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng.

Trong đó, tất cả những BĐS trên được mua là nhờ ngoài số tiền ông Yuen kiếm được trong suốt thời gian ở Việt Nam với bằng tiền tiến sỹ còn có số tiền 03 triệu USD mà mẹ và chị gái của ông gửi từ Singapore qua. Ông Tuấn đã trưng trước Tòa các bản sao kê tài khoản ngân hàng, những lần nhận và rút đều trùng hợp với các lần giao dịch của những BĐS trên. Do thời điểm đó, pháp luật Việt Nam không cho phép người nước ngoài được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên toàn bộ các tài sản nêu trên đều đứng tên bà Châu Hồng Loan. 

Hơn nữa, theo ông Tuấn, bà Loan chỉ là một người phụ nữ bình thường, không có công ăn việc làm ổn định, không có nhiều đóng góp vào tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Vì vậy, HĐXX cần yêu cầu bà Loan chứng minh mua những BĐS bằng nguồn tiền riêng nào.

Ông Tuấn cũng làm rõ văn bản thỏa thuận tài sản giữa ông Yuen và bà Loan. Theo đó, đã có sự hiểu nhầm ở đây, vì ông Yuen là người nước ngoài, không rõ tiếng Việt, ông ký các cam kết tài sản riêng với mục đích hàn gắn hôn nhân với vợ. Đặc biệt, hai người chỉ thỏa thuận phân chia tài sản là quyền sử dụng đất nhưng TAND quận 2 lại tuyên cho bà Loan được cả quyền sở hữu nhà trên đất. Trong khi đó, trên các thửa đất này là các căn nhà biệt thự có giá trị hàng chục tỉ đồng, đều được xây dựng trong thời kỳ hôn nhân.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng, trước khi có các văn bản thỏa thuận tài sản, giữa ông Yuen và bà Loan đã lập các Hợp đồng ủy quyền (có Công chứng), xác định các BĐS trên là tài sản chung của hai người. Ví dụ như, đối với thửa đất số 220 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền (quận 2, TP.HCM), dù ngày 10/10/2011, ông Yuen và bà Loan lập Văn bản thỏa thuận tài sản vợ chồng như  bản án sơ thẩm viện dẫn; nhưng trước đó ngày 07/01/2011, ông Yuen và bà Loan đã cùng ký một bản Hợp đồng ủy quyền. Nội dung Hợp đồng ủy quyền này gồm: “Bên A (Chang Koon Yuen) và bên B (bà Châu Hồng Loan) được quyền sử dụng đối với thửa đất 220 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2. Bên B được thay mặt bên A quản lý, cho thuê, cho mượn, thanh lý hợp đồng cho thuê…”.

LI2
Ông Chang Koon Yuen nghiên cứu tài liệu bên lề phiên toà phúc thẩm chiều 22/4/2019

Vì vậy, tại phiên tòa phúc thẩm, ông Chang Koon Yuen tiếp tục kiến nghị TAND TP.HCM tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận 2; yêu cầu được chia 80% giá trị của 8 BĐS chung của 2 vợ chồng; yêu cầu hủy toàn bộ các hợp đồng bà Loan đã tặng, cho, hoặc chuyển nhượng các BĐS cho mẹ ruột và người khác. 

Tuy nhiên, HĐXX TAND TP.HCM cho rằng, giữa nguyên đơn và bị đơn đã ký các văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thể hiện ý chí của ông Yuen xác nhận những BĐS trên là tài sản riêng của bà Loan, đồng thời các thỏa thuận này được lập hợp pháp ở nhiều phòng công chứng khác nhau. Còn nếu nói ông Yuen khi ký các văn bản thỏa thuận không biết tiếng Việt là không có cơ sở, bởi ông Yuen đã sinh sống và làm việc nhiều năm.

Vì vậy, HĐXX đã tuyên bác yêu cầu của ông Chang Koo Yuen đòi chia 80% giá trị tài sản của 8 bất động sản (có giá trị khoảng 400 tỷ đồng) tranh chấp giữa ông và bà Loan; bác yêu cầu hủy toàn bộ các hợp đồng bà Loan đã tặng, cho, hoặc chuyển nhượng các BĐS cho mẹ ruột và người khác vì bà Loan là người sở hữu hợp pháp và duy nhất đối với những BĐS này.

HĐXX cũng giữ nguyên nội dung bản án sơm thẩm về phân chia 2 BĐS tại Hà Nội và Hải Phòng bởi cả hai đều không chứng minh được là tài sản riêng. Cho nên mỗi người sẽ được hưởng một nửa giá trị của 2 BĐS này, có giá trị 12,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ông Yuen không được phép sở hữu nhà đất nên tiếp tục giao cho bà Loan quản lý và bà Loan có nghĩa vụ thanh toán lại cho ông Yuen số tiền 6,35 tỷ đồng.

Ngoài ra, cũng như bản án sơ thẩm, HĐXX cũng yêu cầu ông Yuen phải có trách nhiệm thanh toán 50% khoản vay mà bà Loan đã đứng tên vay của bà Đinh Mai Hương để mua 2 BĐS ở Hà Nội và Hải Phòng. Tuy nhiên, ngày 16/4, bà Đinh Mai Hương có đơn xin rút yêu cầu trả phần lãi suất cho khoản nợ này, chỉ yêu cầu được hoàn trả số tiền gốc 6,6 tỷ đồng. Cho nên, HĐXX quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm, ông Yuen và bà Loan mỗi người chỉ phải thanh toán số tiền 3,3 tỷ đồng, thay vì phải trả 7,7 tỷ đồng như bản án sơ thẩm. Như vậy, bà Loan có trách nhiệm hoàn trả cho ông Yuen số tiền 3,05 tỷ đồng sau khi khấu trừ khoản nợ 3,3 tỷ đồng của bà Đinh Mai Hương mà ông Yuen phải có nghĩa vụ thanh toán.

Có nghĩa là sau khi khởi kiện đòi 80% giá trị khối tài sản 400 tỷ đồng sau ly hôn, tại bản án sơ thẩm, ông Yuen phải bù hơn 1 tỷ đồng; còn tại phiên tòa phúc thẩm, ông Yuen được nhận lại 3,05 tỷ đồng. Sau khi TAND TP.HCM tuyên án, ông Chang Koon Yuen cho biết, ông sẽ đề nghị kháng nghị vụ án này vì bản án quá bất lợi cho người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam như ông.