Đắk Nông: Đề nghị tử hình Đặng Văn Hiến người trực tiếp nổ súng làm 16 người thương vong
Pháp đình - Ngày đăng : 12:34, 03/01/2018
(TN&MT) - Sáng 3/1, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông tiếp tục xét xử ngày thứ 2 về vụ án nổ súng tranh chấp đất xảy ra trên địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông vào ngày 23/10/2016. Tại phiên tòa sơ thẩm đại diện Viện kiểm sát (VKS) tỉnh Đắk Nông đề nghị tử hình Đặng Văn Hiến, người trực tiếp nổ súng làm 3 người chết, 13 người bị thương.
VKS công bố bản luận tội và đề nghị tử hình đối với bị cáo Đặng Văn Hiến về tội giết người vì là người trực tiếp gây ra vụ nổ súng khiến 3 người chết; bị cáo Ninh Viết Bình mức án chung thân, Hà Văn Trường từ 15-16 năm tù cùng về tội giết người, bởi hai bị cáo này giữ vai trò giúp sức cho Hiến; bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu bị đề nghị mức án 6-7 năm tù giam, bị cáo Phạm Công Thiện 4-5 năm tù giam cùng về tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; bị cáo Đoàn Văn Diện mức án 2-3 năm tù giam về tội che giấu tội phạm.
Tại toà, HĐXX đã đặt nhiều câu hỏi đối với các bị cáo để làm rõ nguồn gốc của việc tranh chấp đất kéo dài trong nhiều năm dẫn đến vụ nổ súng làm 16 người thương vong.
Trả lời HĐXX, bị cáo Đặng Văn Hiến tiếp tục khẳng định, gia đình sinh sống tại tiểu khu 1535 trước khi công ty Long Sơn xuất hiện. Theo bị cáo Hiến, “chính công ty Long Sơn đã gây nên mâu thuẫn, tranh chấp khi liên tục huy động người đến cưỡng chế, san ủi phá hoại tài sản, cây trồng của gia đình mình và nhiều gia đình khác”.
Điều đánh nói, sự việc trên đã được người dân nhiều lần kêu cứu, kiến nghị các cơ quan chức năng nhưng không được phía Công ty Long Sơn cũng như các cơ quan nhà nước quan tâm xử lý nên khiến họ bức xúc.
Bị cáo Ninh Viết Bình khai tại tòa, bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu nhiều lần tổ chức đưa công nhân đi cưỡng chế, san ủi cây trồng của dân. Bị cáo Bình cũng trình bày, đã có lần, Sửu tuyên bố trước người dân là “ủi trắng, không đền bù gì hết” và người dân gọi Sửu là “Sửu trời”. Theo bị cáo Bình, Sửu bất chấp, không tuân thủ pháp luật khi các cơ quan chức năng đã có nhiều cuộc họp, văn bản yêu cầu dừng việc cưỡng chế, san ủi cây trồng. Việc làm của sửu gây nên bức xúc, buộc người dân phải chống trả gây nên vụ nổ súng.
Nhân chứng Mai Thị Khuyên (vợ bị cáo Đặng Văn Hiến) được tòa triệu tập là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Khi được HĐXX hỏi, bà Khuyên nói “công ty Long Sơn đã đẩy gia đình tôi vào đường cùng” rồi bật khóc.
Theo cáo trạng, Theo cáo trạng, sáng 23-10-2016 ông Hiến đang nằm ở nhà thì phát hiện khoảng 10 nhân viên Công ty Long Sơn chốt chặt các con đường để ngăn chặn người dân lên rẫy ông Thắng. Ông Hiến gọi ông Ninh Viết Bình và Ninh Viết Thọ lên hỗ trợ mình và ông Thắng. Lúc sau, ông Hiến nghe xe ủi tiến về hướng vườn điều nhà mình nên lấy súng trong nhà đi ra chặn lại. Khi hai bên cách nhau khoảng 5 m, ông Hiến bắn chỉ thiên một phát. Tuy nhiên, nhóm công nhân đã dùng đá ném liên tiếp về phía ông Hiến nên người này đã bắn thêm nhiều phát súng vào đám đông.
Ông Hiến và Bình tiếp tục mang súng lên rẫy điều của ông Thắng, bắn vào nhóm công nhân của công ty Long Sơn. Hậu quả làm 3 nhân viên công ty Long Sơn là các anh Điểu Vinh, Điều Tào, Dương Văn Tiến chết tại chỗ, 13 người khác bị thương (tổn hại 6-54% sức khỏe). Hiến sau đó nhờ Đoàn Văn Diện gọi điện đánh lạc hướng để mình bỏ trốn rồi ra đầu thú tại Bộ Công an.
Phiên tòa đang tiếp tục diễn ra với phần tranh tụng của các luật sư, diễn biến của phiên tòa sẻ được phóng viên báo điện tử TN&MT sẽ thông tin trong thời gian tiếp theo.