Xét xử cựu lãnh đạo, cán bộ tham nhũng tại siêu dự án KĐT 207ha Tây Hồ Tây

Pháp đình - Ngày đăng : 10:05, 04/07/2019

(TN&MT) - Các lãnh đạo và cán bộ này đã xác nhận sai quy định cho rất nhiều hộ dân, trong đó có những hộ là người thân trong gia đình, để nhận tiền bồi thường hỗ trợ thu hồi đất dự án Tây Hồ Tây gây thất thoát tiền Nhà nước.

TAND TP. Hà Nội vừa khai mạc phiên tòa xét xử hàng loạt cựu lãnh đạo và cán bộ trong vụ án tham nhũng xảy ra tại dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây. Tám bị cáo ra hầu tòa là các cựu lãnh đạo cấp phường, trưởng phòng cấp quận ở Bắc Từ Liêm và cả lãnh đạo cấp phòng ở Thành phố Hà Nội. Trong đó, ông Nguyễn Hữu Khiêm (cựu Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) và 2 thuộc cấp bị truy tố về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ".

Các bị cáo khác như Lục Văn Cường (cựu Phó trưởng Phòng GPMB - Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Hà Nội), Nguyễn Tuấn Anh (chuyên viên Phòng GPMB - Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Hà Nội),... bị đưa ra xét xử về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Dự án KĐT Tây Hồ Tây rộng hơn 207ha, được UBND TP. Hà Nôi phê duyệt năm 2005 và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cấp phép đầu tư năm 2006. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, dự án này đã xảy ra nhiều sai phạm dẫn đến nhiều lãnh đạo, cán bộ bị kỷ luật và truy cứu trách nhiệm hình sự mà trước đó, báo Tài nguyên & Môi trường cũng từng đưa tin.
 

kdt tay ho tay 2
Siêu dự án KĐT Tây Hồ Tây được Bộ KH&ĐT cấp phép rộng hơn 207ha

Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Tây Hồ Tây, ông Nguyễn Hữu Khiêm (khi còn là Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh) và các thuộc cấp Nguyễn Thị Xuân Hương (cán bộ địa chính), Nguyễn Thị Gấm (chủ nhiệm HTX) biết việc điều chuyển đất nông nghiệp sau khi UBND TP. Hà Nội có quyết định thu hồi đất để được bồi thường hỗ trợ là trái pháp luật. Nhưng từ tháng 6/2010 đến 11/2010, có 29 hộ nhận đất từ 29 hộ khác, tổng diện tích hơn 5.300m2 đất có đơn xin điều chuyển đất và lập bản kê khai chi tiết là đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64 bị thu hồi để được bồi thường hỗ trợ. Ông Khiêm vẫn chỉ đạo và cùng 2 thuộc cấp Hương, Gấm ký xác nhận vào đơn xin điều chuyển đất và biên bản điều tra xác minh. Trong 29 hộ nhận đất, có những hộ là người nhà của ông Khiêm, Hương và Gấm.

Trong khi đó Lục Văn Cường (cựu Phó trưởng Phòng GPMB - Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Hà Nội), Nguyễn Tuấn Anh (chuyên viên Phòng GPMB - Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Hà Nội) và các cán bộ khác của huyện Bắc Từ Liêm không đến thực địa xác minh hiện trạng đất nhưng vẫn ký vào biên bản điều tra xác minh và các tài liệu liên quan đến việc xác định nguồn gốc đất để lập phương án bồi thường tái định cư. Hậu quả, 29 hộ dân nhận tiền sai quy định hơn 20 tỷ đồng nhưng nay chỉ thu hôi chưa đến 600 triệu.

Cũng thời gian này, 11 hộ dân (trong đó có mẹ vợ ông Khiêm) kê khai gần 5000m2 đất mương, đường giao thông do xã Xuân Đỉnh quản lý là đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64 để được bồi thường hỗ trợ. Ông Khiêm và thuộc cấp biết việc này là trái pháp luật nhưng vẫn cho ký xác nhận đất này nằm trong chỉ giới thu hồi cho dự án Tây Hồ Tây. Còn các cán bộ cấp thành phố và huyện Từ Liêm (cũ) cũng không thực địa mà vẫn ký biên bản. Việc này dẫn đến thiệt hại cho nhà nước gần 6 tỷ đồng.

Phiên tòa xét xử vụ án này đã bị hoãn đến 3 lần khi chưa kịp bắt đầu xét xử. Đây là lần thứ 4 phiên tòa được mở. Trong ngày đầu phiên sơ thẩm, các cán bộ xã và một số bị cáo cúi đầu thừa nhận hành vi sai phạm của mình nhưng cho rằng thực hiện theo chỉ đạo và sự thống nhân trong ban bồi thường hỗ trợ. Trong khi đó, các bị cáo khác cho rằng lỗi không thuộc về mình.

Trước khi phiên tòa diễn ra, một số người dân cũng như từng là cán bộ ở địa phương đã từng lên tiếng hoặc gửi đơn khiếu nại cho rằng, việc 8 người bị truy cứu trong vụ án này là chưa đủ. Họ đặt nhiều nghi vấn và thắc mắc về trách nhiệm của những lãnh đạo và cán bộ khác.

Ngày đầu phiên tòa mới bắt đầu ở phần xét hỏi và hôm nay (4/7) vẫn đang tiếp tục diễn ra. Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin trong các bản tin tiếp theo.