Thừa Thiên Huế: Ngăn chặn khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại tuyến đường hơn 500 tỷ “đắp chiếu”

An ninh trật tự - Ngày đăng : 23:19, 16/03/2019

(TN&MT) - Con đường kinh tế - quốc phòng có số vốn hơn 500 tỷ đồng thi công một thời gian thì đình trệ, qua đó ít nhiều tạo điều kiện cho “lâm tặc” phá rừng...
Tuyến đường quốc phòng kinh tế Nam Đông - A Lưới thi công chậm tiến độ, việc đi lại dường như là điều không thể
Tuyến đường quốc phòng kinh tế Nam Đông - A Lưới thi công chậm tiến độ, việc đi lại dường như là điều không thể

Liên quan đến “Đường kinh tế quốc phòng Nam Đông - A Lưới (đường Tỉnh lộ 74) hơn 500 tỷ đồng đắp chiếu”, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản gửi Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường trong việc quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn vận chuyển gỗ trái phép tại con đường này.

Theo đó, trong thời điểm dự án đường 74 đang triển khai, người và phương tiện thi công ra vào nhiều nên khó kiểm soát, một số người dân lợi dụng đi làm nương rẫy, khai thác lâm sản phụ đã lén lút khai thác gỗ.

Từ năm 2017 đến nay, đường 74 ngừng thi công, do ảnh hưởng mưa lũ nên tuyến đường đã bị sạt lở, chia cắt thành nhiều đoạn nên lưu thông khó khăn đã hạn chế nhiều tình trạng vận chuyển gỗ trái phép. Tuy nhiên, tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, khó lường vì so với trước thì việc tiếp cận các vùng rừng có trữ lượng gỗ quý thuộc lâm phận quản lý của Khu Bảo tồn Sao La, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông, A Lưới trở nên thuận lợi hơn.

Sở NN&PTNT cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, trên tuyến đường 74, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp tổ chức nhiều đợt tuần tra và đã phát hiện, lập biên bản 8 vụ vi phạm, thu giữ 8,611m3gỗ các loại và 3 máy cưa xăng, xử lý tịch thu nhập kho nhà nước.

Tuyến đường “đắp chiếu” tạo điều kiện cho lâm tặc vận chuyển gỗ lậu, trong ảnh là gỗ do lâm tặc để lại
Tuyến đường “đắp chiếu” tạo điều kiện cho lâm tặc vận chuyển gỗ lậu, trong ảnh là gỗ do lâm tặc để lại

Để bảo vệ rừng, ngăn chặn vận chuyển gỗ trái phép tại con đường 74 đang “đắp chiếu”, Sở NN&PTNT cho hay đã chủ động triển khai một số giải pháp cơ bản, trong đó chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng các phương án phòng chống chặt phá rừng trên cơ sở huy động tối đa sự phối hợp giữa các cơ quan: Kiểm lâm, Quân đội, Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương và các chủ rừng trên địa bàn hai huyện Nam Đông và A Lưới thông qua việc ký kết các quy chế phối hợp giữa các đơn vị.

Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm rà soát mạng lưới các Trạm Kiểm lâm và Trạm Bảo vệ rừng (của các chủ rừng) trên tuyến để xây dựng quy chế phối hợp giữa Kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách, đảm bảo ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật Lâm nghiệp và chống người thi hành công vụ.

Đối với tuyến đường sông Hữu Trạch: Sở NN&PTNT đã ban hành quyết định phê duyệt phương án phối hợp giữa Kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách nhằm ngăn chặn nạn phá rừng tự nhiên tuyến thượng nguồn sông Hữu Trạch. Hiện Trạm Kiểm lâm cửa rừng Tu Re và Chà Lệnh Mụ Nú là hai trạm phối hợp, với quân số thường trực 25 người (so với trước đây chỉ từ 3- 5 người). Nhiệm vụ chính của Trạm này là tuần tra các tiểu khu rừng trên địa phận ranh giới giữa Nam Đông - A Lưới - Hương Thuỷ, tổ chức các đợt truy quét đột xuất tại các khu rừng có dấu hiệu nghi vấn, ngăn chặn người ra vào rừng bất hợp pháp. Việc thực hiện phương án phối hợp đã tăng cường nhân lực đủ sức bảo vệ rừng tận gốc, ngăn chặn người ra vào rừng bất hợp pháp, đồng thời cũng tạo ra một cơ chế giám sát lẫn nhau, hạn chế tiêu cực. Ngoài ra, việc áp dụng máy định vị GPS và phần mềm SMART tích hợp vào máy tính bảng đã giám sát có hiệu quả công tác tuần tra truy quét rừng của lực lượng bảo vệ rừng.

Đối với tuyến đường bộ, trên địa phận A Lưới và Nam Đông, Sở đã chỉ đạo các chủ rừng Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới và Nam Đông phối hợp với Hạt Kiểm lâm A Lưới, Nam Đông để chốt chặn 24/24 tại hai Trạm bảo vệ rừng ở Ngã ba đường Hồ Chí Minh và đường 74 trên địa phận xã A Roàng (huyện A Lưới) và tại km9 thuộc địa phận xã Hương Sơn (huyện Nam Đông).

Nhiều điểm sạt lở xuất hiện tại đường 74
Nhiều điểm sạt lở xuất hiện tại đường 74

“Thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về lâm nghiệp, đặc biệt cấp chính quyền cơ sở; chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các phương án quản lý bảo vệ rừng, quản lý rừng bền vững. Tiếp tục chỉ đạo duy trì lực lượng phối hợp giữa kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách trên các tuyến, khu vực trọng điểm thường xảy ra phá rừng, trong đó có tuyến đường 74. Tiếp tục ứng dụng chuyên sâu các phần mềm chuyên dụng trong quản lý tài nguyên rừng, kể cả theo dõi biến động rừng và tuần tra, truy quét, quản lý rừng tận gốc. Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực, đặc biệt các lớp tập huấn kỹ thuật quản lý rừng thông minh, về thực thi pháp luật lâm nghiệp, về nghiệp vụ kiểm lâm địa bàn, bảo vệ rừng chuyên trách...”, Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế thông tin.

Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh, đường kinh tế - quốc phòng Nam Đông - A Lưới có chiều dài khoảng 50 km nối liền hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong chiến tranh, đường 74 là con đường quan trọng trong liên lạc, vận chuyển quân giới của bộ đội ta. Đường này sau đó do chịu ảnh hưởng của lũ lụt nên bị lấp, không đi lại được. Năm 2011, Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng lại con đường này với tổng mức đầu tư 537,3 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Thế nhưng, thi công được một thời gian thì dự án bỗng dừng lại.

Hiện theo ghi nhận của PV, hầu như cả đoạn đường hiếm có đoạn bằng phẳng, nhiều tảng đá to nhỏ nằm trên đường khiến việc đi lại cực kỳ khó khăn. Hai bên đường, hàng loạt vách núi sau khi đơn vị thi công bạt taluy đã bị sạt lở, sụt lún. Nhiều cây cầu với thiết kế 2-3 dầm trụ đã được xây dựng. Máy móc bị núi lở vùi lấp; vật liệu như xi măng, sắt thép nằm từng đống, gỉ sét...

Con đường có ý nghĩa quan trong nhưng hiện chưa biết khi nào mới được thi công lại...
Con đường có ý nghĩa quan trong nhưng hiện chưa biết khi nào mới được thi công lại...

Nhiều đống cát sạn “khổng lồ” nằm án ngữ bên đường, cỏ dại mọc xung quanh trâu  bò phóng uế bừa bãi. Khung cảnh đìu hìu hoang vắng. Người dân thông tin, kể từ khi dự án ngừng thì việc khai thác gỗ lậu qua đoạn đường 74 trở nên khó lường hơn…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế vừa qua cũng đã xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng một số tập thể, cá nhân do để xảy ra sai phạm trong quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai con đường 74.

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện tại vẫn chưa rõ ai sẽ là chủ đầu tư tiếp theo của dự án trên, dù trước đây Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đảm nhiệm đầu tư (từ 2015 trở về trước).

“Hiện nay, Quân khu 4 đã thuê các đơn vị tư vấn đủ năng lực để khảo sát đánh giá, thiết kế xong dự án và đang chờ Bộ Quốc phòng phê duyệt, thời gian thi công lại vẫn chưa rõ. Chúng tôi mong muốn con đường vẫn sẽ tiếp tục thi công để tạo ra mạng lưới giao thông miền núi, giúp phát triển kinh tế xã hội của địa phương, bảo đảm an ninh quốc phòng, và tránh thất thoát tài sản, lãng phí tiền bạc của nhà nước…”- Đại tá Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên Huế chia sẻ.