Gia Lai: Xác định có 0,8 ha rừng bị phá hoại ở xã biên giới Ia O

An ninh trật tự - Ngày đăng : 09:04, 09/03/2019

(TN&MT) - Qua kiểm tra, xác minh, đoàn liên ngành của tỉnh Gia Lai xác định có 0,8 ha rừng tại xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) bị người dân trên địa bàn chặt phá để lấy đất sản xuất.
r1
Những cây gỗ bị người dân chặt phá, đốt cháy để lấy đất sản xuất

Mới đây, theo phản ánh của các cơ quan báo chí, nhiều diện tích rừng trên địa bàn xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai) đang bị chặt phá nghiêm trọng. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai, đoàn liên ngành gồm: Huyện ủy, UBND huyện Ia Grai, Đồn Biên phòng Ia O, Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai và Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai đã trực tiếp kiểm tra, xác minh tại hiện trường.

Qua kiểm đếm, đo đạc, đoàn kiểm tra xác định có 02 vị trí rừng thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai bị các đối tượng chặt phá, tổng khối lượng gỗ thiệt hại khoảng 0,8 ha. Cụ thể, vị trí thứ nhất bị phát hiện ngày 14/01/2019 với 33 cây gỗ (tương đương 0,45ha) bị triệt hạ. Vị trí thứ hai được phát hiện vào ngày 28/02/2019 với 26 cây gỗ (tương đương 0,35ha) bị triệt hạ. Ở cả 02 vị trí này, số cây gỗ bị chặt hạ một số bị đốt cháy, số còn lại vẫn còn ở hiện trường.

r2


Theo ông Đinh Công Thông - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia O, cả 2 vị trí phá rừng này đều được ngành chức năng phát hiện, bắt quả tang, lập biên bản chờ xử lý theo quy định từ trước đó. Các đối tượng phá hoại rừng đều là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Mục đích chính của các đối tượng phá rừng là để lấy đất sản xuất, chưa phát hiện việc khai thác để lấy lâm sản.

Qua kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Hữu Quế - Bí thư Huyện ủy Ia Grai cho biết: Tình trạng phá rừng làm nương rẫy tại xã Ia O đang diễn biến phức tạp, vì đang là giai đoạn cuối mùa khô, chuẩn bị bước sang mùa mưa, là thời gian cao điểm phát rừng làm nương rẫy theo phong tục của người địa phương. Ông Quế cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp bảo vệ rừng, đồng thời nhanh chóng hoàn tất hồ sơ, xử lý nghiêm các vụ việc phá rừng trên để tạo tính răn đe, giáo dục.