Quảng Nam: Trộm tiền của mẹ, con trai vướng vòng lao lý

An ninh trật tự - Ngày đăng : 10:58, 29/01/2019

(TN&MT) - Người làng ngỡ ngàng, ngao ngán; còn với bà M. thì việc con trai tù tội do trộm tiền nhà quá đỗi đắng cay, chua chát. Phước bị bắt, pháp luật sẽ trừng trị thích đáng; nhưng có lẽ việc để mất đi lòng tin yêu từ người mẹ về sau còn là sự trừng phạt lương tâm nặng nề hơn với cậu quý tử này.
Đối tượng Nguyễn Văn Phước tại trụ sở cơ quan điều tra
Đối tượng Nguyễn Văn Phước tại trụ sở cơ quan điều tra

Tìm hiểu về vụ trộm kỳ lạ xảy ra tại vùng quê tại tỉnh Quảng Nam, theo đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, đơn vị đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn Phước (SN 1997), trú xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn để phục vụ điều tra làm rõ về hành vi trộm cắp tài sản.

Phước - gã thanh niên “tóc xanh, tóc đỏ” trong mắt bao người dân Quế Xuân 1. Thôi thì tuổi trẻ bồng bột, quậy phá cũng chấp nhận được. Lớn hơn nữa Phước sẽ tốt hơn - Người Quế Xuân 1 từng tặc lưỡi nói với nhau như vậy về cậu trai này.

Thế rồi! Ngày Phước bị công an bắt, cả làng ngỡ ngàng, ngao ngán. Người ta xì xầm, đồn ầm với nhau rằng: “Cái thằng đó bị bắt vì trộm tiền mẹ”. Người thương thì tiếc nuối, nghĩ sao thằng bé dại dột vậy. Kẻ cay nghiệt thì quở trách đáng đời, bắt bỏ hết đi. Đắng cay! Chua chát!.

Cả một tuần nay căn nhà bà V.T.M (SN 1966), trú xã Quế Xuân 1, chẳng mở cửa. Cánh cửa cứ hờ hờ khép như muốn né đi tất cả xôn xao, dị nghị ngoài kia. Nơi người ta bàn về Phước - đứa con trai của bà. Buồn chẳng thể nào tả được.

Theo lời bà M., sau nhiều năm ki cóp từng đồng ở quán nhậu, bà dư được 157 triệu đồng. Số tiền thực ra chẳng bằng ai ngoài xã hội, nhưng với bà, với vùng quê nghèo này là cả gia tài. Để an toàn, đi đâu bà cũng lận lưng. Nhưng sau, nghĩ mình già cả, hay đãng trí, bà mang số tiền này bỏ bao ni lông rồi chôn cất giấu ở nơi để củi khô trong nhà bếp. Thi thoảng, bà đào lên kiểm tra.

Thế rồi, ngày 4/11/2018, bà phát hiện toàn bộ số tiền cả đời giành dụm đã không cánh mà bay. Mất tiền, bà suy sụp, con cháu được gọi về ngay trong ngày để hỗ trợ, động viện mẹ già.

Bấy giờ, mọi người mới phát hiện ra quá nhiều điều kỳ lạ. Nhà cửa không hề bị cạy phá, đồ đạc không bị lục lọi. Không có dấu hiệu nào của một cuộc xâm nhập trái phép. Hiện trường đống củi dưới bếp cũng được sắp xếp ngăn nắp, như cũ. Các thành viên trong gia đình bà bắt đầu le lói lên một suy nghĩ “lạ lùng”.

Và rồi cũng chẳng ai bảo ai. Từ người này đến người kia tìm cách thủ thỉ tâm sự phải trái với Nguyễn Văn Phước, cậu quý tử cưng của bà M. Nghĩ tính Phước hay chơi bời, tiêu pha, lại tuổi bồng bột nếu “trót dại” thì thành thật để nhận được tha thứ. Với riêng bà M., 2 hàng nước mắt chảy, bà khuyên nhủ Phước. Bà già rồi, tiền ki cóp cả đời cũng để giành cho Phước sau này, cho Phước ăn học, dựng vợ gả chồng cho Phước. Bà không nỡ nhìn cảnh con trai thua thiệt với người ta. Tất cả đều vì Phước.

Nhưng, Phước khẳng định mình vô can. Phước buồn bã và nóng giận trước sự nghi ngờ của mọi người.

Thế rồi, quá bí bách, quá xót của, hơn 10 ngày sau khi vụ trộm xảy ra, bà M. quyết định báo công an. Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Quế Sơn cùng Ban Công an xã Quế Xuân 1 nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra.

Tuy nhiên, công tác khám nghiệm hiện trường gần như bằng “0”, bởi vụ trộm xảy ra đã lâu, gia đình cũng sinh sống nhiều ngày liền mới báo cảnh sát. Công tác thu thập thông tin được triển khai gấp rút. Xâu chuỗi các dữ liệu, điều tra viên ban đầu đưa ra nhận định, từ thời điểm phát hiện mất tiền cho đến các thời điểm trước đó, căn nhà không có dấu hiệu bị đột nhập vì các cửa ra vào không bị cạy phá, hư hỏng, đồ đạc và đặc biệt là nhà bếp trong quán không bị lục lọi… “Kẻ gian chắc chắn hiểu rất rõ về căn nhà này và thậm chí biết cả nơi gia chủ cất giấu tiền bạc”, điều tra viên nhận định.

Những nhận định này càng thêm có cơ sở khi bà M. trình báo thêm rằng, bà phát hiện mất tiền ngày 4/12/2018, nhưng ngày đó bà có mặt 24/24 ở nhà. Duy chỉ ngày 1/4/2018, bà đóng cửa đi công chuyện. Khi được hỏi vì sao chậm chễ báo công an, bà M. ấp úng, ái ngại.

Những thông tin kỳ lạ này cùng với hiện trường quá bí ẩn của vụ trộm khiến điều tra viên càng một nghi vấn kẻ gian chính là người trong gia đình. Củng cố chứng cứ, đồng bộ loạt biện pháp nghiệp vụ, trinh sát mời Nguyễn Văn Phước (SN 1997) lên làm việc.

Và rồi, khác với việc có thể chối đây chối đẩy với gia đình thì trước chứng cứ và lập luận sắc bén của điều tra viên, Phước mếu máo cúi đầu nhận tội.

Phước khai, đêm 1/11/2018, đối tượng điều khiển xe máy mang BKS: 92G1-144.26 từ nhà trọ ở TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam về nhà mẹ. Đến khoảng 23h đêm đó, thì Phước đến nơi. Tại đây, đối tượng lấy chìa khoá cửa đã chuẩn bị từ trước để vào bên trong. Phước đi vào phòng kho rồi tiến đến phía bếp lò, nơi có hộc để củi phía dưới. Sau ít phút lục lọi, đối tượng phát hiện trong hộc có 2 bao ni lông đựng nhiều cọc tiền được cột bằng dây cao su.

Trước tẩu thoát, Phước cũng không quên sắp xếp lại hiện trường như lúc ban đầu rồi lặng lẽ đi ra ngoài khoá cửa. Đối tượng điều khiển xe về lại phòng trọ của mình ở TP. Tam Kỳ, rồi mang bao tiền ra đếm được hơn 157 triệu đồng.

Đối tượng cũng ngụy biện ngây ngô rằng, số tiền ấy là của mẹ mình nên có lấy cũng chẳng sao. Sau nữa thì Phước mếu máo cho rằng, bản thân không có ý định trộm cắp chỉ là “vô tình” thấy nên lấy. Tuy nhiên, những biện minh giả tạo này nhanh chóng bị điều tra viên đưa ra lập luận đập tan. Theo đó, ngay từ đầu đối tượng đã có ý định trộm cắp nên điều khiển xe về và rời đi vào ban đêm tối để tránh bị phát hiện. Đối tượng cũng lựa chọn thời điểm mẹ mình vắng nhà để ra tay. Hơn hết, Phước nắm và biết rõ một số điểm mà mẹ mình thường cất tài sản để lục lọi. Sau khi lấy đi 157 triệu đồng, Phước không quên ngụy tạo hiện trường lại như cũ. Tất cả chứng cứ đủ sức chứng minh hành vi của Phước là cấu thành tội phạm.

Chiếc còng số 8 bập vào tay cậu quý tử sau quãng thời gian dài đấu lý, đấu trí đầy tâm phục khẩu phục của cơ quan công an. Ngày nhận được thông báo đã tìm ra hung thủ của vụ trộm, bà Mười khóc cạn nước mắt. Thực ra từ ngày biết mất tiền, sâu thẳm người bà, đã có những nỗi lo. Nỗi lo bao đêm bà chẳng thể ngủ được. Nỗi lo ấy nay đã thành hiện thực, đã hiện diện trước mắt bà một cách đắng cay. Là người mẹ bà hiểu hơn ai hết về người con của mình. Phước trót daị. Nhưng có lẽ bà mới là người đớn đau nhất. Việc mất tiền lần này có lẽ bà Mười cũng không tiếc và đau khổ bằng việc con trai mình chính là kẻ trộm những đồng tiền xương máu của bà, để rồi vướng vòng lao lý.

Bài học trả bằng thanh xuân này có lẽ sẽ giúp Phước nhận ra sai trái mà trưởng thành hơn. Đây cũng bài học chẳng giành riêng cho một ai. Nó còn giành cho bộ phận tầng lớp thanh niên xu hướng hư hỏng, trộm cắp vặt, siêng ăn nhác làm, đua đòi.