Đấu tranh mạnh với tội phạm động vật hoang dã trên Internet

An ninh trật tự - Ngày đăng : 15:28, 05/01/2019

Liên tiếp thời gian qua, các thông tin vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) được phát hiện qua Internet khiến dư luận bức xúc. Với tốc độ lan truyền nhanh, thông tin quảng cáo các cá thể ĐVHD trên Internet có khả năng tiếp cận với những người có nhu cầu một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Cùng với đó, do bản chất là một môi trường ảo, các đối tượng thường xuyên thay đổi tài khoản, thông tin đăng tải có thể thay đổi và gỡ bỏ rất nhanh nên việc xác định lai lịch đối tượng và thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn, khiến tình hình tội phạm về ĐVHD trên Internet ngày càng diễn biến phức tạp.

81757f9d 33dc 4511 baec d1e4974efd31
Sản phẩm động vật hoang dã được rao bán trên mạng

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận gần 800 vụ vi phạm pháp luật về ĐVHD trên Internet với khoảng hơn 1.200 đường dẫn có dấu hiệu vi phạm. Các sai phạm thường gặp chủ yếu là hành vi rao bán và quảng bá việc lưu giữ trái phép các loài hoặc bộ phận, chế xuất loài ĐVHD, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế như hổ, gấu, cu li, rái cá…

Trong năm 2017, nhờ thông báo vi phạm từ những người dân, ENV đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý 219 trường hợp vi phạm về ĐVHD trên Internet, gỡ bỏ nhiều đường dẫn vi phạm cũng như hỗ trợ cơ quan chức năng tịch thu, chuyển giao nhiều cá thể ĐVHD còn sống.

Riêng trong trong tháng 11/2018, 106 đường dẫn chứa vi phạm liên quan đến ĐVHD trên Internet được gỡ bỏ phần lớn nhờ tin báo từ người dân thông qua đường dây nóng bảo vệ ĐVHD 1800-1522.

Cùng với sự tham gia của cộng đồng, các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực tăng cường công tác điều tra, bắt giữ góp phần đẩy lùi tội phạm về ĐVHD trên Internet. Cuối tháng 12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị đã ra quyết định khởi tố một đối tượng buôn bán ĐVHD trái phép trên mạng Internet.

Trước đó, vào tháng 5/2018, nhờ tin báo của một người dân đến đường dây nóng 1800-1522, đối tượng đã bị bắt giữ khi đang buôn bán 8 móng gấu. Cũng mới đây, 2 đối tượng ở Bình Dương đã bị khởi tố vì hành vi quảng cáo các sản phẩm từ ĐVHD trên mạng xã hội.

Cụ thể, tháng 5/2018, ENV nhận được thông tin về một đối tượng sử dụng tài khoản Zalo và Facebook nhằm quảng cáo, rao bán nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD. Ngày 9/10/2018, Công an thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đã bắt giữ đối tượng, đồng thời tịch thu 18 móng và răng hổ, móng gấu và báo gấm tại nhà đối tượng.

Trước đó tháng 8/2018, nhờ thông báo của người dân qua đường dây nóng, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Bình Dương) đã bắt giữ đối tượng quảng cáo các sản phẩm từ ĐVHD trên Facebook và tịch thu một miếng da hổ, 5 đồng hồ làm từ da hổ, 19 móng hổ, 210 móng gấu và hơn 1kg sản phẩm từ ngà voi. Trước đó, 1,1kg sừng tê giác đã bị Công an thành phố Hà Nội tịch thu từ một đối tượng sử dụng Facebook để rao bán.

Không chỉ những hành vi vi phạm liên quan đến những sản phẩm “xa xỉ” như ngà voi, sừng tê giác mới được chú trọng, đầu tháng 9/2018, Công an huyện Bá Thước, Thanh Hóa đã tiến hành tịch thu một bình rượu 12 lít ngâm 2 chân gấu bị một đối tượng quảng cáo trên Facebook.

Theo bà Bùi Thị Hà, Giám đốc Phòng Chính sách và Pháp luật ENV bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng năm 2019, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, để những đối tượng có ý định sử dụng Internet như một công cụ phạm pháp không thể tiếp tục coi thường pháp luật”.

ENV đã triển khai hoạt động phối hợp với một số công ty quản lý những ứng dụng trên Internet nhằm xóa bỏ và ngăn ngừa các vi phạm về ĐVHD. Tiêu biểu, từ tháng 5/2018, Facebook đã xóa bỏ 920 đường dẫn, 76 trang và 155 tài khoản quảng cáo bán ĐVHD trái phép trên trang mạng xã hội này sau khi nhận được thông báo vi phạm từ ENV.

Tháng 7/2018, cơ quan chủ quản của trang thương mại điện tử Shoppee cũng đã bổ sung điều khoản trong “Quy định về đăng bán sản phẩm trên Shoppee”, trong đó nghiêm cấm đăng bán sản phẩm là động vật và chế phẩm từ động vật (bao gồm ĐVHD).

Theo bà Hà thì ENV tiếp tục kêu gọi các trang thương mại điện tử và các ứng dụng mua bán trực tuyến tại Việt Nam xây dựng các cơ chế giám sát, gỡ bỏ các bài rao bán trái phép, trở thành các trang mua sắm lành mạnh, không đăng bán sản phẩm vi phạm pháp luật. Điều này sẽ góp phần thể hiện trách nhiệm trong việc xử lý, hạn chế các hành vi phạm tội liên quan tới ĐVHD.