Quảng Nam chấn chỉnh lại công tác bảo vệ rừng

An ninh trật tự - Ngày đăng : 16:52, 04/10/2018

(TN&MT) - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Nam Giang xảy ra nhiều vụ phá rừng tự nhiên hết sức nghiêm trọng và đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Để chấn chỉnh lại công tác bảo vệ rừng, tỉnh Quảng Nam đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, việc xử lý nạn phá rừng trên địa bàn tỉnh chắc chắn không có “vùng cấm”; đồng thời những cá nhân, tổ chức nào vi phạm, tiếp tay cho “lâm tặc” đều bị xử lý nghiêm.
Trong thời gian vừa qua, Nam Giang là địa phương “nóng” về nạn phá rừng của tỉnh Quảng Nam
Trong thời gian vừa qua, Nam Giang là địa phương “nóng” về nạn phá rừng của tỉnh Quảng Nam
 

Trên quan điểm lực lượng quản lý rừng phải gắn với hệ thống chính trị và nhân dân địa phương, hiện nay tỉnh Quảng Nam đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các lực lượng quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và triển khai thí điểm trước ở huyện Nam Giang, sau đó sẽ triển khai trên toàn tỉnh.

Theo đó, các Ban quản lý rừng sẽ chuyển về UBND huyện, trực tiếp quản lý các khu rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn huyện và được giao quản lý thêm các diện tích rừng tự nhiên hiện nay nằm rải rác ngoài rừng phòng hộ, đặc dụng do UBND xã đang quản lý (quản lý rừng theo ranh giới hành chính từng huyện thay cho quản lý rừng theo lưu vực sông liên huyện).

Tách Hạt Kiểm lâm khỏi các Ban quản lý rừng và tổ chức lại ở 9 huyện miền núi, mỗi huyện một Hạt Kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, thực thi pháp luật về QLBVR trên toàn huyện, không phân biệt trong hay ngoài lâm phận các khu rừng phòng hộ, đặc dụng.

Đối với 9 huyện đồng bằng sẽ tổ chức thành 3 Hạt Kiểm lâm liên huyện, củng cố 2 Đội Kiểm lâm cơ động phụ trách 2 khu vực phía Bắc và phía Nam vừa xử lý vi phạm trên khu vực phụ trách trong trường hợp cần thiết, vừa làm công tác chuyên trách phòng cháy chữa cháy rừng.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam còn giải tán các trạm kiểm lâm (trừ các trạm chốt chặn vận chuyển gỗ tại các tỉnh, thành phố giáp ranh) để tăng cường lực lượng giữ rừng từ gốc. Bố trí ít nhất mỗi xã một kiểm lâm địa bàn, được biệt phái về công tác tại UBND xã, chịu sự quản lý điều hành của Chủ tịch UBND xã.

Về lực lượng trực tiếp QLBVR sẽ được tổ chức theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp, nòng cốt là thanh niên địa phương, ưu tiên bộ đội, Công an xuất ngũ do từng thôn giới thiệu, được ký hợp đồng và sắp xếp thành các Đội QLBVR trực thuộc Ban quản lý rừng, lực lượng của thôn nào thì Đội hoạt động ở thôn đó.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cùng các ban, ngành liên quan kiểm tra hiện trường vụ phá rừng ở tỉnh Quảng Nam
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cùng các ban, ngành liên quan kiểm tra hiện trường vụ phá rừng ở tỉnh Quảng Nam
 

Cán bộ lâm nghiệp xã và kiểm lâm địa bàn xã sẽ theo dõi, đánh giá hoạt động của các Đội QLBVR của các thôn trên địa bàn xã để vừa xử lý trách nhiệm vừa làm cơ sở chi trả tiền dịch vụ bảo vệ rừng. Tiền công chi trả sẽ đảm bảo ít nhất 3 triệu đồng/người/tháng (chưa kể tiền bảo hiểm), nguồn chi trả chủ yếu từ nguồn thu cung ứng dịch vụ môi trường rừng và phần bổ sung của ngân sách tỉnh.

Bên cạnh đó, các Ban quản lý rừng cũng sẽ hợp đồng với các thôn để tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ rừng, đôn đốc hoạt động của các Đội quản lý rừng tại thôn. UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo rà soát, sắp xếp, quản lý chặt chẽ hơn các cơ sở cưa xẻ gỗ trên địa bàn 6 huyện miền núi.

Để nâng cao công tác QLBVR theo hướng hiện đại, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo xây dựng Đề án nâng cao năng lực giám sát rừng. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm sẽ bổ sung nâng cấp phần mềm giám sát rừng bằng thiết bị di động qua vệ tinh được chuyển giao từ Tổng cục Lâm nghiệp.

Đồng thời, sẽ khảo sát gắn chíp báo động tiếng động cơ máy cưa truyền về thiết bị di động tại một số khu vực rừng quý hiếm, xung yếu; trang bị ít nhất 2 thiết bị bay không người lái hiện đại để quan sát rừng từ trên không theo định kỳ hoặc đột xuất.

Sắp tới, Bộ NN&PTNN sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định mới về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, trong tiến trình hướng dẫn Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đối với rừng Quảng Nam, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là tổ chức theo mô hình mà Quảng Nam dự kiến làm thí điểm. Trước khi xây dựng mô hình này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cũng đã có đợt giám sát tại các huyện miền núi và cũng đề xuất nên tổ chức, sắp xếp lại như Đề án mà UBND tỉnh Quảng Nam đang làm...