Đền bù khống gây thất thoát tiền tỷ tại dự án KDC DV - DL Làng chài Điện Dương: Cơ quan điều tra vào cuộc
An ninh trật tự - Ngày đăng : 12:07, 15/01/2018
Chuyển cơ quan điều tra
Sau khi vụ việc bị phát hiện, với tổng số tiền thất thoát hơn 6,3 tỷ đồng/28 tỷ đồng đã chi trả, nguyên nhân được xác định ban đầu là do trong công tác bồi thường, hỗ trợ & GPMB có quá nhiều sai phạm. Để sớm làm rỏ sự vụ quan trọng này, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Trần Úc quyết định chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, làm rõ những hành vi vi phạm của Tổ giải phóng mặt bằng (GPMB) số 1 thuộc Chi nhánh TTPTQĐ Điện Bàn và các đơn vị, cá nhân liên quan...
Ông Trần Úc cho biết, sau khi xem xét hồ sơ cùng với giải trình của Chi nhánh TTPTQĐ Điện Bàn, đề nghị thu hồi kinh phí bồi thường với một số hạng mục không có trong biên bản kiểm kê thực tế, áp giá chưa đúng và nhập phương án sai lỗi số học với số tiền hơn 458 triệu đồng nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Đồng thời, chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra Công an thị xã Điện Bàn để điều tra làm rõ các cá nhân liên quan đến số tiền hơn 4,76 tỷ đồng do áp dụng mức bồi thường không đúng quy định làm tăng giá trị bồi thường, đây là dấu hiệu của việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 285 của Bộ Luật Hình sự năm 1999 và số tiền hơn 1,083 tỷ đồng do khối lượng thực tế chênh lệch giảm so với khối lượng tại phương án được phê duyệt, đây là dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 281 của Bộ Luật Hình sự năm 1999.
"Qua kiểm tra công tác thẩm định của Hội đồng thẩm định cho thấy, lãnh đạo Hội đồng thẩm định và cán bộ giúp việc thực hiện việc thẩm định chưa chặt chẽ, chưa có sự sâu sát trong việc lập phương án bồi thường, để dẫn đến việc áp dụng mức bồi thường không đúng quy định đối với 21 trại nuôi tôm. Cán bộ tham mưu còn hạn chế về năng lực chuyên môn, trong một số trường hợp, cán bộ tham mưu cố ý làm trái với quy định của pháp luật hiện hành, áp giá cao hơn so với quy định, sai công thức và số liệu tính, bồi thường đối với một số hạng mục không có trong biên bản kiểm kê thực tế. Cán bộ lãnh đạo quá chủ quan, thiếu kiêm tra nội dung cấp dưới tham mưu, năng lực chuyên môn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn nên chưa kiểm soát chặt chẽ tính pháp lý đối với nội dung tham mưu của cấp dưới mới dẫn đến các sai phạm trên” - ông Trần Úc cho biết thêm.
Cơ quan điều tra sớm làm rõ
Để tìm hiểu thêm về vụ việc này, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lê Thương- Giám đốc Chi nhánh TTPTQĐ Điện Bàn, ông Thương bày tỏ: “Ban đầu đích thân tôi cùng lãnh đạo UBND phường Điện Dương xuống cơ sở họp dân thông báo thu hồi đất và sau đó giao cho Tổ GPMB số 1 trực tiếp kiểm kê, đề xuất cho Hội đồng thẩm định của thị xã xem xét, quyết định. Quan điểm chung, nếu trường hợp cán bộ GPMB tạo điều kiện cho người dân bị giải tỏa thì tốt, nhưng nếu có dấu hiệu móc nối với các hộ nuôi tôm để bỏ túi riêng thì không thể chấp nhận. Đến khi vụ việc vỡ lở ra tôi mới biết, bản thân tôi thật sự không hề hay biết gì, vì quá tin tưởng vào cấp dưới, cứ nghĩ trình tự làm việc như bao dự án đã “trôi qua”, tôi hoàn toàn không dính líu đến đồng bạc nào trong vụ này. Tôi chỉ còn mấy tháng nữa là nghỉ hưu, xảy ra sự vụ vào đúng thời gian này làm tôi bị mang tiếng nhiều, nhiều tin đồn cho rằng tôi đánh cú chót... Đau lắm. Đề nghị cơ quan điều tra sớm làm rõ vấn đề để minh oan cho tôi, cả cuộc đời cống hiếm đến giây phút cuối lại bị thị phi”!.
Đồng cảm với ông Lê Thương, ông Lê Văn Cảm- Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT), thành viên Hội đồng thẩm định phương án đền bù thị xã Điện Bàn cũng bộc bạch: “Mất hết rồi mấy anh ơi, mất thi đua, bị cắt tất cả, lại còn bị mang tiếng. Do quá tin tưởng vào cán bộ thẩm định của phòng có kinh nghiệm công tác lâu năm trên lĩnh vực này, đến khi sự vụ đổ bể mới thấy bao nhiêu công sức phấn đấu đều bị mất hết...”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Hùng Liên- Chủ tịch UBND phường Điện Dương cho rằng, để xảy ra vụ việc như vậy chủ yếu là do mấy ông Chi nhánh TTPTQĐ Điện Bàn làm, bộ phận kiểm kê lợi dụng sơ hở làm tăng thêm khối lượng xây dựng của trại tôm. Ông Liên khẳng định, “Riêng 2 hợp đồng UBND phường ký cho thuê mặt bằng ký lần đầu đối với ông Lê Thanh Sáu và Văn Đức Thắng vào tháng 12/2015. Theo quan sát, tới thời điểm kiểm kê thì chủ hồ chưa hề triển khai gì cả, không có phát sinh thêm khối lượng, đồng thời đã giao kết không đền bù khi thu hồi đất, nhưng sau này lại có hồ sơ đề nghị chi trả đền bù... do bên ban đền bù lợi dụng chức quyền tự ý kê khống thêm khối lượng làm ảnh hưởng đến dự án. Trong sự việc này, bản thân tôi không có lợi lộc gì, cho dù chỉ là một điếu thuốc lá…”.
Người trong cuộc nói gì?
Để xảy ra sự vụ này, ông Lê Tự Trung- Tổ trưởng tổ GPMB số 1 giải trình: “Tôi là tổ trưởng phụ trách chung của tổ, sau khi họp các thành viên của tổ và phân công đồng chí Nguyễn Ngọc Đãi, phụ trách chính dự án. Việc kiểm kê, áp giá đền bù là do đồng chí Đãi thực hiện và tôi là người kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở công việc của các thành viên. Đồng chí Nguyễn Ngọc Đãi là thành viên tổ có công tác lâu năm, nên tôi tin tưởng vào chuyên môn, không kiểm tra lại nội dung hợp đồng cho thuê đất của các trại tôm; dẫn đến sai lầm trong việc áp giá đền bù các trại tôm.... Việc này không có sự chỉ đạo của Giám đốc chi nhánh và tôi cũng không báo cáo việc này cho Ban giám đốc do vậy lãnh đạo chi nhanh hoàn toàn không hề hay biết”.
Ông Nguyễn Ngọc Đãi, thành viên Tổ GPMB số 1 cho rằng: “Việc áp giá bồi thường và lập phương án đã được Tổ trưởng thông qua, kiểm tra và lãnh đạo Chi nhánh không chỉ đạo việc áp giá bồi thường, hỗ trợ theo phương án đã được phê duyệt. Bản thân do không đọc kỹ hợp đồng thuê đất giữa UBND phường Điện Dương với các hộ nuôi tôm. Do trình độ hiểu biết về các văn bản có liên quan đến bồi thường còn yếu kém, do năng lực công việc còn thấp nên mới dẫn đến sai sót trên.”.
Là cán bộ tham mưu lãnh đạo ký tờ trình thu hồi đất và Báo cáo thẩm định trình UBND thị xã ban hành quyết định phê duyệt phương án, ông Trần Việt Hùng- cán bộ thẩm định Phòng TN&MT thị xã cho biết, bản thân được giao khối lượng công việc nhiều nên không sao tránh khỏi những sai sót không mong muốn. Do chủ quan đã không báo cáo trực tiếp cho Trưởng phòng và Chủ tịch Hội đồng thẩm định cũng như không kèm theo các hợp đồng thuê đất và các hồ sơ liên quan khi trình ký Báo cáo thẩm định....
Dư luận đang xôn xao thông tin về một chi tiết đáng chú ý, người chị ruột của ông Trần Việt Hùng là vợ ông Nguyễn Ngọc Đãi, nhưng các cơ quan quản lý lại sắp xếp cho ông Hùng và ông Đãi cùng phối hợp trong khâu kiểm kê, thẩm định trình phương án đền bù giải tỏa đối với dự án này?.
Theo ý kiến của người dân Làng chài Điện Dương, khoảng tiền bị thất thoát trong dự án trên không dừng lại ở con số hơn 6 tỷ đồng như đã phát hiện ban đầu mà có thể cao gần chục tỷ đồng. Bởi vì, hiện trường và phần lớn các vật chứng công trình sau khi nhận tiền đền bù đã bị đào xới, tháo dỡ và phá bỏ hoàn toàn, không còn cơ sở để đo kiểm, đối chiếu xác minh.
Việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và GPMB không đúng quy định của pháp luật đối với dự án này đã tạo dư luận không tốt trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Chính vì vậy, các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh Quảng Nam và thị xã Điện Bàn cần nhanh chóng khởi tố vụ án, để điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đang là vấn đề “nóng” được dư luận xã hội rất quan tâm hiện nay.