Dân Vũng Tàu làm giàu từ biển
Kinh tế - Ngày đăng : 11:45, 01/08/2019
Trong nhiều xã làm nghề đi biển, Phước Tỉnh là làng có bề dày truyền thống với nghề cá đánh bắt xa bờ. Chẳng ai nhớ thời gian chính xác từ bao giờ, song những người đang sinh sống ở làng chài này đều thấu hiểu, đi biển đánh cá là nghề chính của họ. Và đã bao năm nay, từ đời này qua đời khác, họ gắn bó mưu sinh với ghe, thuyền, biển cả. Biển đã nuôi sống họ, nhà lầu xe hơi cũng từ biển mà ra; con cái học hành, trường thành cũng nhờ biển mà có.
Ông Hồ Văn Kiên - người được coi là “kình ngư” ở làng chài này gần hết đời lăn lộn với biển cả. Ông chẳng nhớ nổi bao lần vững lái ra khơi, nhưng cứ mỗi lần tàu của ông từ biển trở về, trong căn nhà khang trang lại có thêm vật dụng mới. Chỉ tay về làng chài Phước Tỉnh từ cầu Cửa Lấp, ông Kiên phân trần: “Anh nhìn kìa, toàn bộ làng chài Phước Tỉnh phía xa sầm uất ấy là nhờ có biển. 90% hộ dân làm nghề đi biển, trong đó những hộ đi biển trực tiếp chiếm gần 80% đánh bắt xa bờ và chèo lưới ven biển, số còn lại làm nghề buôn bán ngư cụ, hoặc nông sản từ biển như cá, mực khô các loại. Nhà tôi làm nghề biển từ đời ông cố, đời tôi thứ ba. Thằng con cả cũng theo nghề biển. Nói chật chớ, nghề này cực nhọc lắm. Có tiền ai cũng thích, nhưng bỏ mạng lúc nào không hay đâu. Có điều, mỗi chuyến biển về, có tiền mua sắm, sinh hoạt cũng khỏe. Con cái học hành đến nơi đến chốn”.
Đâu chỉ riêng ông Kiên có nhà lầu, xe máy, vận dụng đắt tiền từ nghề đi biển, ở làng chài Phước Tỉnh có nhiều chủ tàu khác được gọi là “đại gia”. Một trong những “đại gia” ấy là ba cha con ông Vương Văn Bé. Ông Bé quê gốc ở Thừa Thiên Huế. 30 năm trước, ông đem lòng yêu người con gái tên Hương (vợ ông bây giờ) quê làng chài Phước Tỉnh trong một lần tình cờ gặp nhau trên một chuyến xe. Hai năm sau ngày cưới, bà Hương bàn với ông rời xứ Huế vào Phước Tỉnh làm nghề đi biển. Từ một thanh niên nghèo khó, hai bàn tay trắng, sau 30 năm lăn lộn với biển cả, ông đã sở hữu được căn biệt thự to đẹp hạng nhất ở làng chài Phước Tỉnh này. “Khi mới vô đây, vợ chồng tui nghèo lắm. Những ngày đầu, tui đi làm thuê cho cha vợ, sau đó có chút vốn liếng tui tách làm riêng. Với tàu công suất như nhà tui đây thì đi đánh bắt xa bờ, và ít khi về tay không. Chuyến nào “hẻo” lắm cũng lời trăm triệu, trừ lương thợ, đá, dầu nhớt rồi”, ông Bé cho biết.
Bây giờ, ba cha con ông Bé sở hữu 6 cặp tàu đánh cá xa bờ, trong đó có một cặp tàu vỏ thép được đóng mới theo chính sách ưu đãi của Chính phủ về hỗ trợ vốn mua ngư cụ, chài lưới. Trong 6 cặp tàu đó, ông dùng một cặp tàu công suất lớn chuyên đi tiếp tế lương thực, dầu, đá lạnh cho 5 cặp tàu đánh bắt ngoài khơi xa, và gom hải sản từ 5 cặp tàu này về đất liền nhập cho thương lái. 6 cặp tàu của ông, đã giải quyết hơn 200 lao động thanh niên cho địa phương, mỗi thanh niên làm cho ông quân bình từ 8-14 triệu đồng/ tháng. Mỗi lần cặp ghe “tiếp phẩm” chở cá về cảng, tạo điều kiện cho hơn 100 phụ nữa có việc làm, kiếm thêm thu nhập.
Chính sánh hợp lý, ngư dân ấm lòng
Để góp phần hỗ trợ cho ngư dân giảm bớt chi phí khi đóng tàu mới, đồng thời giúp họ yên tâm bám biển, Chính phủ đã có quyết định về việc hỗ trợ một lần cho bà con ngư dân đóng tàu mới. Đó là chính sách thuận lợi cho tất cả những người mưu sinh bằng nghề đi biển, trong đó có bà con ở làng chài Phước Tỉnh huyện Long Điền, Bà Rịa Vũng Tàu.
Theo Quyết định của Chính phủ số 47/2016/QĐ-TTg về “Thí điểm cơ chế hỗ trợ một cho ngư dân có nhu cầu đóng mới tàu cá”, thì những tàu đã đóng và sẽ đóng mới sẽ hỗ trợ một lần.
Theo Quyết định mới này, đối với tàu khai thác hải sản xa bờ vỏ thép mức hỗ trợ là 35%; tàu dịch vụ hậu cần công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV hỗ trợ không quá 8 tỷ đồng; công suất 1.000CV trở lên không quá 9,8 tỷ đồng/tàu; tàu khai thác xa bờ công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV hỗ trợ không quá 6,7 tỷ đồng/tàu, công suất máy chính 1.000CV trở lên hỗ trợ không quá 8 tỷ đồng/tàu. Đối với tàu vỏ composit có công suất máy chính từ 800CV trở lên cũng được hỗ trợ 35% giá trị nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu. Tàu vỏ gỗ có công suất máy chính từ 800CV trở lên được hỗ trợ 15% giá trị đầu tư nhưng không quá 2 tỷ đồng/tàu.
Niềm vui được nhân lên khi ông Trần Văn Dư vừa có chuyến đánh bắt xa bờ từ vùng biển Trường Sa trở về với ba khoang đầy ắp cá. Ông Dư nói trong niềm phấn khởi: “Tôi vui quá. Từ ngày được Chính phủ hỗ trợ một lần tiền đóng tàu là tôi yên tâm đi biển, có tiền trả nợ ngân hàng”.