Thu hút đầu tư bền vững: Cần chú trọng các tiêu chuẩn môi trường

Kinh tế - Ngày đăng : 19:28, 27/06/2019

(TN&MT) - Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), để nước ta trở thành một trong những điểm đầu tư hấp dẫn, cạnh tranh, hiệu quả bền bền vững nhất cho doanh nghiệp châu Âu tại Đông Nam Á, cần chú trọng bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn môi trường và phát triển bền vững. Trong đó, ưu tiên lĩnh vực xử lý nước thải và chất thải.

Tính giá xử lý nước thải theo nhu cầu sử dụng

Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, mục tiêu hơn 10 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực cung cấp và thoát nước vào năm 2020 của Bộ Xây dựng rất tham vọng nhưng cũng đầy thách thức. Mục tiêu này sẽ khó đạt được trong thời gian ngắn nếu không kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân.

Tomass
Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2019. Ảnh: Tuyết Chinh

Ở Việt Nam, giá nước sạch và xử lý nước thải còn quá thấp để các nhà đầu tư tư nhân xây dựng các doanh nghiệp có lợi nhuận tài chính. Trong khi đó, các quy định về việc có thu phí xử lý nước thải hay phí hoặc/và phí bảo vệ môi trường hay không còn chưa thống nhất. Bên cạnh đó, Chương 19 của Bộ luật Hình sự 12/2017/QH14 có quy định hình phạt đối với vi phạm về môi trường, nhưng pháp luật sẽ không mang tính răn đe, hiệu quả nếu không được nghiêm khắc thực hiện trên thực tế hoặc số tiền phạt quá nhỏ so với việc triển khai các biện pháp xử lý nước thải hiệu quả hơn.

Theo ông Tomaso Andreatta, với chính sách ưu đãi và sự phối hợp thực hiện các quy định hợp lý, Việt Nam có thể phát triển bền vững ngành công nghiệp nước. Các tổ chức viện trợ và các thể chế đa phương đã và đang sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và phát triển năng lực. Các biện pháp này sẽ không kéo dài vĩnh viễn và Việt Nam cần quyết định sẽ sẵn sàng thực hiện các kiến nghị này hay đối mặt với sự xuống cấp ngày càng trầm trọng của môi trường.

“Chúng tôi kiến nghị thành lập một lực lượng chuyên trách thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn về xử lý nước thải hiện nay. Đồng thời, chuyển sang mô hình tính giá theo nhu cầu sử dụng đối với xử lý nước thải và tạo điều kiện bền vững cho các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh nước”, ông Tomaso Andreatta.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch EuroCham kiến nghị phải thống nhất các quy định còn mâu thuẫn về phí xử lý nước thải và phí bảo vệ môi trường để tránh tình trạng các quy định chồng chéo gây ra nhầm lẫn; tập trung vào các khu công nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý vào môi trường và thực hiện các biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với doanh nghiệp vi phạm mang tính răn đe với các doanh nghiệp khác.

Thay đổi cách thức xả thải và xử lý chất thải

Hiện các tập đoàn đa quốc gia đang tự đề ra mục tiêu tái chế và sử dụng năng lượng tái tạo và họ cần khung pháp lý hỗ trợ thực hiện việc kinh doanh tại Việt nam. Mặc dù, chúng ta đã ban hành quy phạm pháp luật về sản xuất điện từ chất thải rắn (sản xuất năng lượng từ chất thải) từ năm 2014; tuy nhiên cần có văn bản hướng dẫn và lịch trình phê duyệt rõ ràng, khả thi đối với các dự án sản xuất năng lượng từ chất thải cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Có một thực tế là Việt Nam đã đánh thuế túi ni lông, nhưng chính sách này chưa thực sự được thực thi hiệu quả. Theo ông Tomaso Andreatta, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm thiểu sử dụng nhựa, túi ni lông và các hướng dẫn thực hiện có thể được mở rộng ra hạn chế việc sử dụng ống hút nhựa một lần, cốc, bao bì, dụng cụ, chai lọ và các sản phẩm nhựa không phân hủy khác.

“Các doanh nghiệp kinh doanh xử lý chất thải theo quy định pháp luật cần được tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi; việc chấp hành quy định liên quan cũng cần được khuyến khích và khen thưởng. Ngược lại, các trường hợp vi phạm quy định về xử lý chất thải phải bị xử lý nghiêm khắc”, ông Tomaso Andreatta nhấn mạnh.

Từ đó, EuroCham đề xuất một tầm nhìn tích hợp cho tất cả các doanh nghiệp trong ngành xử lý chất thải để phát triển ngành này theo hướng tinh giản, chuyên nghiệp và được đào tạo bài bản. Nhờ vậy, có thể cung cấp đủ nguyên liệu tái sử dụng cho việc thành lập các nhà máy tái chế - mô hình hiện tại chưa có ở Việt Nam.

Thế nhưng, có lẽ điều cấp thiết nhất hiện nay là thay đổi cách thức xả thải và xử lý chất thải. Nâng cao nhận thức về trách nhiệm, hành động đẹp cần được ưu tiên. Mặt khác, phải thay đổi căn bản trong cách các hộ gia đình, tổ chức và doanh nghiệp nhìn nhận về phương thức xả thải cũng như xử lý các bao bì đóng gói; từ đó tận dụng khả năng tái sử dụng rác thải, chuyển đổi rác thành vật chất khác có giá trị như năng lượng. Cách xử lý như vậy sẽ giảm thiểu tối đa ảnh hưởng lên môi trường.