Trồng dược liệu, một hướng đi mới của người dân Gia Lai
Kinh tế - Ngày đăng : 14:24, 05/06/2019
Mỏ thuốc quý ở rừng già trước nguy cơ cạn kiệt
Trong số 4 địa phương ở khu vực phía Đông Gia Lai, huyện Kbang có nguồn cây dược liệu phong phú nhất. Đa phần số dược liệu này sinh trưởng dưới tán rừng già như Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng…
Trước đây, người đồng bào dân thiểu số ở vùng này vẫn vào rừng theo mùa để thu hái cây dược liệu về bồi sức khoẻ. Cũng có nhiều người mang giống về trồng nhưng vẫn chỉ với mục đích nâng cao sinh lực cho bản thân, gia đình chứ không phải để kinh doanh.
Những năm gần đây, khi cây dược liệu có giá cao với mức giá dao động từ 300.000 đồng đến 4 triệu đồng/kg, một số loại có giá cao hơn là nấm linh chi, nấm cổ cò, lan kim tuyến, rễ cây na rừng... nên người dân ùn ùn vào rừng thu lượm đem bán cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện, huyện Kbang có hàng chục cơ sở thu mua cây dược liệu tự phát.
Bà Trần Thị Trúc Linh - chủ cơ sở thu mua cây dược liệu tại thôn 1, xã Sơn Lang cho hay, từ khi tuyến giao thông Đông Trường Sơn hoàn thiện, lượng người và phương tiện đi qua khu vực này đông đúc hơn thì việc buôn bán cũng thuận tiện hơn. “Lúc đầu chúng tôi chỉ bán nấm linh chi, ba kích, mật nhân nhưng sau khi có nhiều người hỏi mua thêm các loại khác thì bán thêm sâm đá, sâm cau, sâm dây, lan kim tuyến, sa nhân tím, ngọc cẩu... Hiện hàng năm, cơ sở của tôi thu mua từ 5 đến 7 tấn cây dược liệu trong vùng về làm sạch, sơ chế để xuất bán cho thương lái trong và ngoài tỉnh”, bà Linh nói.
Theo ông Mã Văn Tình - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, huyện có gần 128.467 ha rừng, là nơi phân bổ khoảng 35 loại cây dược liệu quý, tập trung ở các xã như Sơn Lang, Đak Rong, Kon Pne, Sơ Pai, Krong. Lâu nay, người dân trong vùng thường vào rừng thu hái các loại dược liệu về bồi bổ sức khoẻ và bán cho các cơ sở thu mua. Tuy nhiên, vì trên địa bàn chưa có cơ sở tinh chế cây dược liệu mà chủ yếu khai khác thô rồi xuất đi thị trường khác nên dễ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn gen quý và còn ảnh hưởng đến nguồn thu của địa phương.
Xóa đói giảm nghèo từ cây dược liệu
Để bảo tồn và phát triển cây dược liệu, giúp nhân dân có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững, những năm qua, các địa phương khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai đã xây dựng đề án và triển khai trồng cây dược liệu. Kbang là huyện đi đầu trong việc này.
Theo phó phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Kbang, từ đầu năm 2006, huyện đã trích kinh phí để trồng thử nghiệm một số giống cây dược liệu, sau đó xây dựng kế hoạch chi tiết về việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2010 và định hướng đến năm 2025. Lãnh đạo huyện cũng đã nhiều lần gặp gỡ các chuyên gia đầu ngành địa chất cùng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm trong cả nước để nắm bắt thông tin và kêu gọi đầu tư trồng, chế biến cây dược liệu; đồng thời, tổ chức gặp gỡ, tuyên truyền vận động người dân tham gia trồng cây dược liệu. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tổ chức ngày hội du lịch, hội chợ để giới thiệu tiềm năng và để quảng bá các sản phẩm dược liệu trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích trồng cây dược liệu tại huyện Kbang là hơn 163 ha, trong đó sa nhân tím là 149 ha, sâm đá là 2,1 ha, đương quy là 3,5 ha, đinh lăng là 4,8 ha, gấc là 1,9 ha, nghệ là 1,8 ha...
Gia đình ông Đinh Dũng (trú làng Hà Nừng, xã Sơn Lang) được UBND huyện Kbang hỗ trợ 100 cây sa nhân tím trồng dưới tán cây bời lời trên diện tích 1 ha từ năm 2006. Theo ông Dũng, cây sa nhân dễ trồng, không yêu cầu kỹ thuật cao, khâu chăm sóc đơn giản, chủ yếu là cắt tỉa cây già. Trồng khoảng từ 3 năm đến 5 năm thì cây cho quả, thời gian thu hoạch là từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 10. Bình quân 1 ha sa nhân cho sản lượng khoảng 700 kg quả tươi. Sa nhân khô có giá bán từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng/kg tùy loại. Mỗi năm, gia đình ông Dũng thu về khoảng 60 triệu đồng/ha, giúp cải thiện thêm nguồn thu nhập. “Nhà tôi trồng đã hơn 10 năm nay nhưng chưa phải bón bất kỳ loại phân hoặc phun bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào nhưng cây vẫn phát triển khỏe mạnh như ngoài tự nhiên. Hiện, gia đình đã trồng mới thêm 1 ha sa nhân tím nữa, cây đang phát triển rất tốt”, ông Dũng khoe.
Thị xã An Khê cũng đang triển khai việc này. Ông Phan Ngọc Thành - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật thị xã An Khê cho hay, thị xã đã phê duyệt dự án cho Hợp tác xã Nông nghiệp Tú An 1 trồng cà gai leo tại làng Pnang. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư là 373 triệu đồng, trong đó, thị xã hỗ trợ trên 130 triệu đồng, số tiền còn lại do 15 hộ đồng bào dân tộc thiểu số làng Pnang tham gia dự án đóng góp. “Mô hình này nằm trong định hướng phát triển vùng trồng cây dược liệu của thị xã với mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao mức sống người dân”, ông Thành nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện đã có nhiều doanh nghiệp đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tổ chức đoàn đến khảo sát về việc trồng, chế biến cây dược liệu trên địa bàn huyện Kbang và thị xã An Khê. Sau khảo sát, nhiều doanh nghiệp đang làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai để có phương án đầu tư kinh phí sản xuất, chế biến cây dược liệu. Mới đây, Trường Đại học Đà Lạt đã chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô tế bào một số giống cây dược liệu cho huyện Kbang.
Theo ông Trương Văn Đạt - Bí thư Huyện ủy Kbang, việc triển khai trồng cây dược liệu nhằm tìm một hướng đi mới trong việc giúp nhân dân phát triển kinh tế, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. “Thời gian tới, bên cạnh việc khai thác các giống cây dược liệu có sẵn trong tự nhiên, chúng tôi sẽ trồng thí điểm để giữ nguồn gen; đồng thời, sẽ đầu tư kinh phí trồng thêm một số cây dược liệu khác như sả Java; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư kinh phí trồng, thu mua và xây nhà máy chế biến cây dược liệu tại địa bàn. Dự kiến, đến năm 2020, diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn sẽ vào khoảng 407 ha và năm 2030 là 817 ha”, ông Đạt thông tin thêm.
Tiến sĩ Đào Huy Khuê - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nhân học (Hà Nội) cho biết, qua 2 năm khảo sát để làm đề tài về cây thuốc, bài thuốc chữa bệnh của cộng đồng người Bahnar và Jrai ở tỉnh Gia Lai nói chung và khu vực phía Đông nói riêng, nhóm của ông đã sưu tầm được 578 cây thuốc. Sau khi sàng lọc, còn lại 382 cây thuốc, trong đó 171 cây có tên phổ thông được phân loại và xác định danh pháp khoa học. Đặc biệt, tại khu vực phía Đông của Gia Lai có rất nhiều cây dược liệu quý cần được bảo tồn và phát triển. Còn theo PGS.TS Hồ Bá Do - phó Chủ tịch Hội Y học cổ truyền Việt Nam, Gia Lai được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng nên có hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là tài nguyên dược liệu. Tuy nhiên, việc khai thác và bảo tồn các loại cây dược liệu còn gặp khó khăn và mang tính tự phát. Việc cần làm của Gia Lai là tìm biện pháp gắn tổ chức sản xuất với chế biến, thay vì chỉ chế biến thô có hiệu quả thấp; đồng thời, cần liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm dược liệu, bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu; chọn một số xã để trồng và chế biến cây dược liệu quy mô lớn. Bên cạnh đó, cần gắn sản xuất dược liệu với y học cổ truyền. UBND các huyện, thị xã và các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cần phối hợp để đưa ra chính sách, định hướng phát triển cây dược liệu phù hợp với từng địa phương khác nhau. |