ĐBQH Nguyễn Thị Yến: Cần có những giải pháp hữu hiệu để kiềm chế chỉ số lạm phát dưới 4%

Kinh tế - Ngày đăng : 14:14, 30/05/2019

(TN&MT) - Phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng 30/5 về đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019, ĐBQH Nguyễn Thị Yến - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ có những giải pháp hữu hiệu để kiềm chế chỉ số lạm phát dưới 4% như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra.
ĐB Yến
ĐBQH Nguyễn Thị Yến - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận sáng 30/5

Bày tỏ sự cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về bổ sung, đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng năm 2018 với sự điều hành và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực cố gắng phấn đấu của các bộ ngành từ Trung ương đến địa phương, 12/12 chỉ tiêu đều đạt, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt, đây là niềm vui chung của cả đất nước.

Những tháng đầu năm 2019, trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực nhiều biến động, thách thức, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách nhà nước tăng khá, các ngành, lĩnh vực chủ yếu phát triển ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện, uy tín và vị thế của Việt Nam được nâng lên trên thị trường quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết, bà cũng nhất trí với 7 nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới của Chính phủ và 9 giải pháp cụ thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Tôi vẫn băn khoăn về giải pháp thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2019 mà Quốc hội đề ra.

Theo báo cáo của Chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là chỉ tiêu thấp nhất trong 3 năm qua, lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm  nay tăng 1,48 so với bình quân cùng kỳ năm 2018. “Như vậy, lạm phát quý I năm 2019 chưa đáng lo ngại nhưng bắt đầu từ đây đến cuối năm 2019 sẽ có những vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm, giải quyết” - Đại biểu Nguyễn Thị Yến nói.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Yến, bởi vì giá điện, giá xăng dầu là chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất, sẽ tác động nhiều đến kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến tăng chỉ số giá tiêu dùng, nhất là những ngành tiêu dùng tiêu tốn nhiều năng lượng như sản xuất thép, xi măng, thủy sản, vận tải. Dẫn đến giá cả dịch vụ và nhu yếu phẩm tăng; ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội và người tiêu dùng. Cụ thể, giá điện tăng 8,36% vào thời điểm cuối tháng 3 đã tác động đến chỉ số tiêu dùng CPI tháng 4/2019 tăng khoảng 0,29% so với tháng 3/2019. Bên cạnh đó, thuế môi trường cũng đã tăng. Với mức tăng thuế này, giá xăng dầu bình quân chung năm 2019 dự kiến tăng khoảng 5% so với năm 2018.

Một diễn biến khác, theo bà Nguyễn Thị Yến, đáng chú ý là ẩn số giá thực phẩm trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở 42 tỉnh thành trong cả nước. Tuy rằng chỉ giảm số đàn khoảng 5%-6% nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc cung, cầu, giá thực phẩm đối với nước ta. Cung giảm, cầu tăng, mà cầu tăng sẽ đẩy giá tăng cao hơn nữa. Bên cạnh đó, các dịch vụ y tế và giáo dục như viện phí, sách giáo khoa cũng sẽ tăng giá.

Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát tăng. Chúng ta đã biết giá điện tăng vào thời điểm cuối tháng 3, tháng 4 nó đã có ảnh hưởng rồi. Cùng một thời điểm, bắt đầu từ đây đến cuối năm giá điện, giá xăng dầu tăng, đó là theo lộ trình mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra. Song song đó, còn tác động khách quan là giá dầu thô đến nay cũng tăng khoảng 70 đô/thùng và dịch bệnh cũng đã bùng phát.

Còn các giá dịch vụ như dịch vụ y tế, giáo dục trong phạm vi cho phép của Quốc hội, Chính phủ thì thời điểm nào mà chúng ta sẽ cho tăng giá rất quan trọng để chúng ta kiềm chế lạm phát. “Tôi xin kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ có những giải pháp hữu hiệu để kiềm chế chỉ số lạm phát dưới 4% như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra” - Đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Đại biểu Nguyễn Thị Yến các hoạt động thương mại phải tăng, giảm theo kinh tế thị trường, một số lĩnh vực nhà nước cho tăng giá vừa qua chúng ta phải cố gắng làm sao như phần trên tôi đã phân tích là giá dịch vụ y tế và giáo dục, trong phạm vi chúng ta quyết định thời điểm cho tăng giá và theo lộ trình để đảm bảo không tăng lạm phát.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị có thể chủ động được nhất là những mặt hàng, lĩnh vực tác động đến người dân trong cả nước một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động để đảm bảo cân đối cung, cầu nhằm ổn định giá cả thị trường và tính toán mức độ, thời kiểm phù hợp nhằm kiểm soát mặt bằng giá chung, hạn chế tác động đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân. Cần điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình phù hợp, tránh gây ra tác động bất lợi đến chỉ số giá tiêu dùng.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, đẩy nhanh hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xác định giá dịch vụ theo lộ trình; tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện dịch vụ giá và điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vi mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vi mô để kiềm chế lạm phát theo như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra.

Cuối phần phát biểu của mình, Đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh: “Tôi rất tin tưởng và hy vọng với sự năng động, sáng tạo, điều hành linh hoạt của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cùng với địa phương, nền kinh tế vĩ mô của chúng ta năm 2019 sẽ ổn định và lạm phát sẽ được kiềm chế…”