Điện Biên: Hơn 3.000ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại
Kinh tế - Ngày đăng : 17:41, 24/05/2019
Theo thông báo của Cục Bảo vệ thực vật (CBVTV), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã phát hiện một loài sâu hại mới tên gọi là Spodoptera frugiperda (còn được gọi là sâu keo theo tiếng Việt Nam), có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ. Loài sâu này lây lan rất nhanh và gây hại nghiêm trọng tại các vùng bị xâm nhiễm.
Trước khi xuất hiện loại sâu keo mùa thu, CBVTV đã có công văn thông báo các tỉnh phía bắc nước ta, sâu keo mùa thu đã xuất hiện tại rất nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc nước giáp ranh với Việt Nam. CBVTV đã yêu cầu các tỉnh theo dõi sát phát hiện loài sâu keo xuất hiện để kịp thời xử lý.
Tháng 3/2019, Chi cục BVTV tỉnh Điện Biên đã có công văn chỉ đạo các trạm theo dõi phát hiện loại sâu keo mùa thu. Đến ngày 20/3 Chi cục BVTV tỉnh đã chủ động giám sát, lấy mẫu gửi các đơn vị của Cục BVTV để giám định khi phát hiện đối tượng sâu hại có đặc điểm nghi ngờ là sâu keo mùa thu và kết quả xác định cho thấy các mẫu chính là sâu keo mùa thu.
Bà Triệu Thị Lê, phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Điện Biên cho biết: Tính đến nay, có khoảng 3.380ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại nằm trong địa bàn của tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh Điện Biên với mật độ phổ biến là 1-4 con/m2, mật độ cao 10-15 con/m2. Do thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh nắng nóng kéo dài trên địa bàn tỉnh cùng với sự phát triển tàn phá của sâu keo nên càng gây thiệt hại nghiêm trọng hơn cho cây ngô.
Trước khả năng lây lan nhanh và phức tạp của lời sâu keo mùa thu, Chi cục BVTV tỉnh Điện Biên yêu cầu trạm BVTV và UBND các huyện, thị, thành phố tuyên truyền đến người dân thường xuyên kiểm tra, theo dõi nương ngô để sớm phát hiện và xử lý kịp thời sâu keo.
Bà Triệu Thị Lê cho biết thêm: Sâu keo mùa thu, sâu non có khả năng kháng thuốc, trưởng thành có thể di chuyển, phát tán xa. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức tập huấn cho bà con nông dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp như: Làm đất, luân canh, bắt ổ trứng, dùng bả chua ngọt để bẫy con trưởng thành… Bên cạnh đó, Chi cục BVTV tỉnh Điện Biên yêu cầu các trạm BVTV và UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền cho người dân nhận biết về đặc tính và sức phá hại của sâu keo, để người dân có thể phòng ngừa đạt hiệu quả cao.
Khi mật độ sâu cao thì phun thuốc hóa học theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Qua kiểm tra một số huyện, tại các xã đã tổ chức phòng trừ (có xã đã phun đến 3 lần thuốc) cho thấy hiệu quả phun phòng cao, tỷ lệ sâu keo chết từ 80-95%.
Tuy nhiên, sâu keo là loại sâu đẻ trứng liên tục, và phán tán nhanh nhờ vào gió nên việc phòng trừ loại sâu này không thể triệt để như các loại sâu khác. Nhưng chuyên gia của tổ chức FAO cũng đã tuyên truyền: Không nên coi loài sâu này là đối tượng đặc biệt nguy hiểm mà nó chỉ là đối tượng khó phòng trừ, vậy nên người dân không nên quá lo lắng về loại sâu keo này.