Tiềm năng phát triển cây Mắc ca ở Điện Biên
Kinh tế - Ngày đăng : 16:03, 17/05/2019
Cây Mắc ca được đưa lên trồng thử nghiệm tại một số huyện và TP. Điện Biên Phủ từ năm 2002. Đến năm 2009, cây Mắc ca được đưa vào trồng thử nghiệm thông qua một số chương trình, dự án và sau đó được người dân, doanh nghiệp phát triển mở rộng diện tích trồng trong những năm gần đây.
Theo báo cáo, đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh trồng 2.170ha tập trung tại các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ. Hiện có 1 doanh nghiệp tỉnh trồng 2ha làm vườn giống đã được công nhận, năng suất sản xuất 7 vạn cây/năm phục vụ nhu cầu cây giống cho nhân dân trong tỉnh Điện Biên và Lai Châu.
Qua quá trình theo dõi, đánh giá của cơ quan chuyên môn cho thấy cây Mắc ca trồng tại Điện Biên khá phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai tại một số địa phương như: Tuần Giáo, Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ, Mường Nhé, Nậm Pồ. Với tốc độ và khả năng sinh trưởng, phát triển tương đối tốt, một số diện tích Mắc ca đã ra quả, cho thu hoạch.
Trước nhu cầu phát triển trồng cây Mắc ca của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối lớn, để đảm bảo tính thống nhất trong định hướng phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh (theo Luật Quy hoạch năm 2017 thì không được xây dựng quy hoạch sản phẩm), UBND tỉnh Điện Biên đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Đề án phát triển cây Mắc ca đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện là: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ với quy mô trồng khoảng 26.000ha với diện tích quy hoạch khoảng 35.000ha, làm cơ sở cho việc quản lý, chỉ đạo và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển, áp dụng cơ chế chính sách hỗ trợ, từ đó đảm bảo đưa cây Mắc ca trở thành cây trồng nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với phát triển thành hàng hóa…
Mắc ca là loài cây trồng mới đối với cơ quan quản lý nhà nước và người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên, chưa có đơn vị hoặc tổ chức nào triển khai các chương trình tập huấn để hướng dẫn phổ biến cách nhận biết các dòng, giống Mắc ca; đặc biệt là rất khó khăn cho quản lý, đánh giá, nhận biết các giống Mắc ca đã trồng trên địa bàn tỉnh hiện nay. Để giải quyết những thực trạng trên, Điện Biên đã đề nghị Hiệp hội Mắc ca Việt Nam hỗ trợ tỉnh Điện Biên tổ chức các lớp tập huấn cho các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh trong việc nhận biết các dòng Mắc ca hiện nay để xác định đúng các dòng, giống Mắc ca đã trồng và kiểm soát tốt các giống Mắc ca trồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các cán bộ quản lý và người dân biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến.
Huyện Tuần Giáo được tỉnh Điện Biên quy hoạch trồng 2.000ha cây Mắc ca, giao cho Công ty Macadamia Điện Biên phát triển với cam kết hỗ trợ người dân góp đất 1 triệu đồng/ha/năm trong 5 năm đầu khi cây chưa cho quả; sử dụng 500 – 600 lao động thường xuyên trên địa bàn huyện Tuần Giáo với mức lương 3 triệu đồng/tháng và khi thu hoạch người dân được hưởng giá trị 15%/kg quả tươi. Đến hết năm 2018, diện tích trồng Mắc ca toàn huyện là 1.400ha, cây phát triển, sinh trưởng tốt, tỷ lệ cây giống đạt trên 98%, chiều cao cây bình quân 1,2-1,5m, đường kính cây 2-3cm.
Ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Là một huyện có địa bàn rộng, diện tích đất chưa sử dụng lớn (trên 12.000ha) sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển cây Mắc ca theo quy định, kế hoạch của tỉnh. Với những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp hiện nay cùng với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền, nhân dân huyện Tuần giáo sẽ góp phần hỗ trợ Công ty CP Maccadamia tỉnh Điện Biên phát triển cây Mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo.
Những năm tiếp theo, huyện Tuần Giáo có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây Mắc ca trên địa bàn như: Mô hình phát triển cây Mắc ca đầu tư theo chuỗi giá trị, quản lý tổ chức thực hiện từ khâu sản xuất cây giống, trồng đến bản quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; người dân có thể tham gia liên kết trồng Mắc ca với doanh nghiệp thông qua góp đất cho doanh nghiệp thuê đất hoặc tự trồng Mắc ca sau đó bán cho doanh nghiệp. Cùng với đó, giá trị sản phẩm cao và đầu ra ổn định nên việc phát triển cây Mắc ca được người dân ủng hộ, đồng tình và nhiệt tình tham gia.
Trong buổi làm việc về tình hình phát triển cây Mắc ca trên địa bàn Điện Biên, ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh Điện Biên trong viêc phát triển cây Mắc ca tại địa phương và thống nhất một số nội dung liên quan đến công tác tập huấn chuyển giao công nghệ, vấn đề tổ chức hội thảo đánh giá các giống cây Mắc ca trên địa bàn các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu. Với diện tích hiện có, Điện Biên là địa phương trồng Mắc ca thuần lớn nhất cả nước và có diện tích trồng xen lớn nhất miền Bắc.