Bà Rịa - Vũng Tàu: Phát triển bền vững kinh tế biển

Kinh tế - Ngày đăng : 05:25, 28/04/2019

(TN&MT) - Tận dụng lợi thế tài nguyên biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từng bước phát triển mạnh ngành kinh tế biển, trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương.
17
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn bảo vệ môi trường với phát triển các khu du lịch biển

Nhiều “mũi nhọn” phát triển kinh tế biển

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 156 km bờ biển, thềm lục địa rộng 100.000 km2 có nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước… Những năm qua, tỉnh đã khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên của biển để phát triển nền kinh tế biển mạnh. Ngoài việc được biết đến là “thủ phủ” ngành dầu khí, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn có rất nhiều thế mạnh về cảng biển, đặc biệt, cảng nước sâu; đánh bắt, chế biến hải sản; du lịch biển - đảo…

Theo Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (Nhóm 5) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng biển Vũng Tàu là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế, gồm các khu bến chức năng chính: Khu bến cảng Gò Dầu, Tắc Cá Trung; Khu bến cảng Phú Mỹ, Mỹ Xuân; Khu bến cảng Cái Mép, Sao Mai - Bến Đình; Khu bến cảng Long Sơn; Khu bến cảng sông Dinh và Khu bến cảng Côn Đảo.

Năng lực của hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu bảo đảm thông qua lượng hàng hóa dự kiến vào năm 2020 khoảng 101,6 - 109,2 triệu tấn/năm; năm 2025 khoảng 133,2 - 149,4 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 161,8 - 195,5 triệu tấn/năm. Hiện nay, có 19 dự án cảng biển (bên ngoài các khu công nghiệp) được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.274 triệu USD và 7.644 tỷ đồng.

Để phát huy hệ thống cảng biển, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nối liền các cảng nước sâu, kết nối giao thông đường bộ, đường biển với các tỉnh trong vùng trọng điểm phía Nam. Đồng thời, để tận dụng hệ thống cảng biển, tỉnh quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu công nghiệp (KCN) gắn với cảng biển.

Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có 15 KCN, với tổng diện tích khoảng 8.510 ha. Nhiều dự án đầu tư đang được triển khai gồm: Nhà máy Sản xuất PPP và Kho hầm chứa LPG của Tập đoàn Hyosung với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Nhà máy Giấy Maruneni có vốn đầu tư 211 triệu USD; Kho tiếp vận khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và tái hóa khí thiên nhiên tại Vũng Tàu 4.971 tỷ đồng; Tổ hợp Hóa dầu miền Nam 5,4 tỷ USD; ký cam kết với Tổng Công ty Cấp điện III thực hiện dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn 4,5 tỷ USD….

Ngành đánh bắt, chế biển hải sản cũng là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế biển của tỉnh. Với 5/8 địa phương ven biển và số lượng tàu thuyền tương đối lớn, trên 6.200 chiếc, những năm qua, địa phương này luôn chú trọng đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống cảng cá.

Hiện, toàn tỉnh có 18 cảng cá đang hoạt động, trong đó, có 7 cảng có cầu cảng kiên cố. Một số cảng cá được đầu tư trang thiết bị hiện đại như: Cảng cá Phước Thái, Incomap, Lộc An… với đầy đủ dịch vụ hậu cần như nước đá, xăng dầu, lương thực; đặc biệt, có khả năng tránh trú bão an toàn trong các trường hợp khẩn cấp.

Việc đầu tư nâng cấp hệ thống các cảng cá không chỉ tạo thuận lợi cho phát triển năng lực đánh bắt hải sản, mà còn góp phần bảo đảm trật tự, an ninh xã hội, tạo môi trường thu hút đầu tư của tỉnh. Ngoài ra, đến năm 2020, tỉnh dự kiến nâng cấp hoàn thành 5 khu neo đậu tránh trú bão có sức chứa khoảng 5.000 tàu thuyền với tổng công suất gần 2.000 CV.

Trong lĩnh vực phát triển du lịch biển, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VI nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt, du lịch biển, đảo. Năm 2019, tỉnh đặt mục tiêu thu hút 3,53 triệu lượt khách lưu trú, tăng 14% so với năm 2018.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 khu du lịch biển nổi tiếng cả nước và thế giới, mỗi năm, thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế, đó là Vũng Tàu, Long Hải, Côn Đảo.

Đặc biệt, Côn Đảo với lợi thế là một hòn đảo có điều kiện sinh thái còn giữ được vẻ tự nhiên, hoang sơ và có bề dày lịch sử Cách mạng hào hùng, do đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang huy động các nguồn lực để phát triển Côn Đảo thành khu du lịch quốc gia đặc sắc mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Phát triển gắn với bảo vệ tài nguyên biển

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Tỉnh luôn xác định phát triển kinh tế biển phải theo hướng bền vững, trên cơ sở tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong những năm qua, tỉnh luôn kiên định mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc không những giúp loại bỏ những dự án không phù hợp, công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, tiêu tốn nhiều nguyên liệu.

Hiện nay, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với tinh thần xuyên suốt là “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh”.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Chiến lược “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, Chiến lược sẽ hướng đến 9 dự án lớn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm: Điều tra, đánh giá trữ lượng và tình hình khai thác các loại khoáng sản, vật liệu xây dựng vùng bờ; kiểm soát các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vùng biển ven bờ và các cửa sông ven biển.

Và điều tra, đánh giá, lập bản đồ các hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, các hệ sinh thái đặc thù, khu vực có đa dạng sinh học cao, các khu vực sinh sản, các loài được ưu tiên bảo vệ, loài xâm hại vùng bờ tỉnh; điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường ven biển, đánh giá mức độ nhạy cảm và chống chịu của vùng ven biển và cửa sông đối với các tai biến tự nhiên và sự cố môi trường phục vụ định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng bờ biển; quy hoạch mạng lưới quan trắc tổng hợp tài nguyên - môi trường biển, đảo và vùng bờ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...

Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu đã nghiêm túc triển khai các quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, trong đó, có vấn đề nhận chìm ở biển. Mặc dù, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quy hoạch khu vực biển được phép tiến hành nhận chìm, nhưng đến nay, UBND tỉnh chưa đồng ý cho bất kỳ một đơn vị nào được tiến hành nhận chìm biển do không đáp ứng được các quy định của Luật này.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, để quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên biển, từng cơ quan đoàn thể, mỗi người dân càng phải nâng cao ý thức về quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững biển và hải đảo. Đây chính là “chìa khóa” để phát huy được lợi thế, tiềm năng về biển, hải đảo, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Vì vậy, hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh.