Ưu ái cho doanh nghiệp xây dựng thủy điện nhỏ - Lợi bất cập hại - Bài 2: “Lách luật” để trục lợi chính sách ưu đãi?

Kinh tế - Ngày đăng : 11:57, 05/04/2019

(TN&MT) - Với những lợi nhuận từ đầu tư thủy điện nhỏ, không ít doanh nghiệp bằng mọi cách để có được dự án. Hệ quả là, có những dự án được địa phương ưu đãi khi đầu tư nhưng chưa biết khi nào hoàn thành vì chủ đầu tư không có kinh nghiệm.

“Cố đấm ăn xôi”

Như báo TN&MT đã phản ánh, doanh nghiệp đầu tư các dự án thủy điện nhỏ được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi của địa phương. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng chẳng phải quá lo lắng về vốn đầu tư bởi phần lớn vốn đã được các tổ chức tín dụng bảo lãnh. Tuy không “ngồi mát ăn bát vàng” nhưng các dự án thủy điện nhỏ là “miếng bánh” rất hấp dẫn khiến cho nhiều doanh nghiệp phải chen chân để có phần.

a2 7
Dự án thủy điện Hoa Thám (huyện Nguyên Bình) được triển khai trên diện tích 156 ha đều là rừng phòng hộ từ năm 2007, nhưng đến nay chưa xong.

Vì thế, không ít doanh nghiệp, dù không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng các công trình thủy điện đã phải bằng mọi cách để “ôm” dự án, xí phần. Đây là nguyên nhân khiến nhiều dự án thủy điện ở các tỉnh miền núi thường chậm tiến độ, có không ít dự án chính quyền địa phương phải thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư vì chủ đầu tư không thể triển khai.

Như ở Cao Bằng, tỉnh đã phải thu hồi 13 dự án thủy điện nhỏ được cấp phép đầu tư giai đoạn 2010 - 2015. Trong đó có 3 dự án, gồm: thủy điện Bản Ngà, xã Đình Phùng (huyện Bảo Lạc); thủy điện Bản Chiếu (huyện Nguyên Bình), thủy điện Bạch Đằng (huyện Hòa An); thủy điện Hồng Nam (huyện Hòa An) do 4 doanh nghiệp khác nhau làm chủ đầu tư. Sau khi thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư 4 dự án này, UBND tỉnh đã giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thăng Long (gọi tắt là Công ty Thăng Long) nghiên cứu, khảo sát để tiếp tục triển khai.

A1
Thủy điện xây dựng dang dở, tài nguyên và nguồn lực bị lãng phí

Nhưng Công ty Thăng Long thực sự có năng lực trong thi công xây dựng các công trình thủy điện? Theo tìm hiểu của phóng viên, trong gần 50 ngành nghề đăng ký kinh doanh của Công ty Thăng Long thì chỉ có lĩnh vực “Lắp đặt hệ thống điện” (mã ngành 43210) và “Xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng” (mã ngành 42900) là có vẻ có liên quan đến các dự án mà đơn vị này đã và đang “ôm”.

Khi doanh nghiệp không có chức năng ngành nghề, năng lực hạn chế, liệu rằng chất lượng công trình có đảm bảo hay trở thành hiểm họa bởi quả “bom nước” treo trên đầu dân bản?

Trong khi đó, doanh nghiệp này có rất nhiều lĩnh vực kinh doanh liên quan đến gỗ hoặc lâm sản ngoài gỗ. Đếm sơ sơ cũng hơn chục mã ngành có liên quan như: “Khai thác gỗ” (mã ngành 02210), “Khai thác lâm sản khác trừ gỗ” (mã ngành 02220), “Thu nhặt sản phẩm từ rừng không phải gỗ và lâm sản khác” (mã ngành 02300), “Hoạt động dịch vụ lâm nghiệp” (mã ngành 02400), “Cưa xẻ, bào gỗ và bảo quản gỗ” (mã ngành 1610), “Sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng khác” (mã ngành 16210),…

Kiểm sơ qua như vậy cũng cho thấy “thế mạnh” của doanh nghiệp này là kinh doanh, khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ; còn trong lĩnh vực xây dựng các công trình thủy điện thì gần như “ngoại đạo”. Nhưng không hiểu sao, từ cuối năm 2015, UBND tỉnh Cao Bằng đã đồng ý chủ trương giao cho doanh nghiệp này khảo sát, nghiên cứu để đầu tư 6 dự án thủy điện nhỏ? Có hay không việc lợi dụng dự án xây dựng thủy điện để phá rừng, lấy gỗ?

Lập doanh nghiệp “con” để hợp thức hóa?

Tính đến thời điểm này, trong 6 dự án được UBND tỉnh Cao Bằng giao cho Công ty Thăng Long nghiên cứu, khảo sát thì đã có 2 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Đó là dự án thủy điện Bạch Đằng, xã Bạch Đằng và dự án thủy điện Hồng Nam, xã Hồng Nam (đều thuộc huyện Hòa An). Nhưng ở cả hai dự án này đều có những nghi vấn, thậm chí là sai phạm đã bị cơ quan chức năng xử phạt.

IMG 9578
Chỉ sau một thời gian ngắn nhận Quyết định đầu tư, chủ dự án Công trình Thủy điện Nam Hồng đã làm thủ tục điều chỉnh và chuyển giao nhà đầu tư khác. Dự luận hoài nghi về sự "làm xiếc" của doanh nghiệp đối với chính quyền để hưởng khoản lợi ích khổng lồ mà không cần vốn
IMG 9580 (1)

 

Đối với dự án thủy điện Bạch Đằng, theo Quyết định 1208/QĐ-UBND ngày 10/9/2018 của UBND tỉnh Cao Bằng thì từ quý III/2018 đến quý III/2020, doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục và thực hiện đầu tư xây dựng. Nhưng từ tháng 1/2018, Công ty Thăng Long đã khởi công khi mà chưa có đánh giá tác động môi trường (ĐMT); việc thi công đã làm hẹp dòng chảy của sông Hiến từ 15-20% mặt cắt ngang. Vi phạm này của chủ đầu tư đã bị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng xử phạt 90 triệu đồng tại Quyết định số 16/QĐ-XPVPHC ngày 14/6/2018.

Nhưng nghi vấn lớn nhất là ở dự án thủy điện Hồng Nam. Theo Quyết định 1103/QĐ-UBND ngày 24/7/2017 của UBND tỉnh Cao Bằng, dự án có tổng vốn dự kiến 705,5 tỷ đồng, công suất thiết kế 24MW, do Công ty Thăng Long làm chủ đầu tư. Để thực hiện dự án thì Công ty Thăng Long được giao 138,4 ha đất ở xã Hồng Nam; được hưởng tất cả các chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư.

Nhưng bất ngờ là, chỉ sau đó bốn tháng, Công ty Thăng Long lại chuyển dự án cho công ty khác thực hiện. Cụ thể, theo Quyết định 2161/QĐ-UBND ngày 27/11/2017 của UBND tỉnh Cao Bằng về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thủy điện Hồng Nam, dự án được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Năng lượng Cao Bằng, có trụ sở tại phường Sông Bằng, TP. Cao Bằng. Công ty Cổ phần Năng lượng Cao Bằng theo Giấy phép kinh doanh có trụ sở tại Số nhà 50, Tổ 15, đường 3/10, phường Sông Bằng, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Nhưng ngày 4/4/2019, phóng viên thị sát thực tế, tại địa chỉ này là cửa hàng Photocopy, không hề có biển hiệu hay chỉ dẫn gì liên quan đến Công ty Cổ phẩn Năng lượng Cao Bằng.

IMG 6359
Công ty Cổ phần Năng lượng Cao Bằng trong Giấy phép kinh doanh có trụ sở tại Số nhà 50, Tổ 15, đường 3/10, phường Sông Bằng, TP. Cao Bằng. Nhưng địa chỉ đó là cửa hàng photocoppy và không hề có biển hiệu Công ty

Sẽ không có gì đáng bàn nếu như Công ty Cao Bằng là doanh nghiệp thực sự có năng lực để thực hiện dự án thủy điện có công suất 24MW này. Nhưng theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Công ty Cao Bằng được thành lập ngày 04/8/2017, tức là chỉ một doanh nghiệp “mới toanh”. Hơn nữa, Công ty Cổ phẩn Năng lượng Cao Bằng có đến 99,99% vốn điều lệ là của Công ty Thăng Long (?!).

Những nghi vấn liên quan đến các dự án thủy điện nêu trên rất cần được các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng vào cuộc xác minh, làm rõ. Bởi thực tế, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cũng đã có một số dự án thủy điện triển khai nửa chừng, nhưng sau khi “rút ruột” rừng xong rồi bỏ dở, khiến tỉnh phải liên tục gia hạn giấy phép đầu tư, hoặc chuyển giao cho đơn vị khác.

Liên quan đến vấn đề ưu đãi chính sách khi thu hút doanh nghiệp vào đầu tư làm thủy điện, không riêng Cao Bằng mà nhiều địa phương miền núi khác cũng đã có những bài học nhãn tiền. Thu hút đầu tư bằng việc “trải thảm đỏ” mời doanh nghiệp là rất cần thiết, nhưng không thể bằng mọi giá. Nhất là đối với các dự án thủy điện nhỏ, vốn dĩ liên quan chặt chẽ không chỉ đến tài nguyên rừng mà còn có những tác động làm biến đổi môi trường sinh thái, đến bản sắc văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Do đó, dù rất “khát” thu hút đầu tư thì cũng cần phải có những cân nhắc kỹ càng, tránh tình trạng doanh nghiệp “ăn ốc”, địa phương phải “đổ vỏ”.