Vùng dứa Quảng Nam loay hoay tìm đầu ra

Kinh tế - Ngày đăng : 20:33, 02/04/2019

(TN&MT)- Được xác định là cây trồng chủ lực của các xã vùng núi huyện Đại Lộc (Quảng Nam)từ năm 2009, cây dứa (thơm) đã trở thành nguồn thu nhập chính của hầu hết các hộ gia đình nơi đây. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, do đầu ra không ổn định, người dân trồng dứa đang gặp nhiều khó khăn.

Thoát nghèo nhờ trồng dứa

Được trồng từ những năm 1993, đến năm 2009 cây dứa trở thành một trong những cây trồng chủ lực của các xã Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại Hưng, Đại Sơn,…giúp nhiều hộ thoát nghèo, phát triển kinh tế ổn định.
 

1. Dứa được thương lái thu mua tại vườn lựa chọn kỹ lượng để phân giá
Dứa được thương lái thu mua tại vườn lựa chọn kỹ lượng để phân giá

Xã Đại Sơn có 319 ha đất trồng dứa mỗi ha cho thu hoạch khoảng 11 tấn/vụ, người dân xã Đại Sơn hầu hết đều có đất trồng dứa. Cách đây khoảng 5 năm về trước, cây dứa được mùa được giá, nhiều hộ đã phất lên nhờ trồng dứa, xây nhà cửa, mua xe cộ, cho con cái đi học tất cả đều nhờ vào cây dứa.

Ông Nguyễn Văn Trung - Phó Chủ tịch xã Đại Sơn cho biết, cây dứa rất hợp với thổ nhưỡng và thời tiết của vùng, dứa được trồng ở Đại Sơn và các xã lân cận cho quả to đẹp khoảng 1 - 1,5 ký/quả, khi chín màu vàng óng, rất thơm và ngọt khó ở đâu có được chất lượng dứa như ở đây.

Vùng núi Đại Lộc có đất đai chủ yếu đồi núi khô cằn, mùa hè thường khô hạn, mùa mưa chịu ảnh hưởng lũ lụt nên tìm được cây trồng phù hợp như cây dứa rất khó. Từ khi có cây dứa, người nông dân biết tận dụng đất đồi để luân canh trồng dứa và keo mang lại thu nhập ổn định, các hộ không có đất trồng dứa thì đi thu mua rồi ra chợ bán lẻ, có người làm thương lái thu mua ở bến đò nhập cho các mối lái ở dưới xuôi lên.
 

2. Các đồi dứa ở xã Đại Sơn đang dần chuyển qua trồng keo
Các đồi dứa ở xã Đại Sơn đang dần chuyển qua trồng keo

Hơn 10 năm qua, cây dứa đã giúp nhiều gia đình có công ăn viecj làm, thu nhập ổn định. Nhưng hiện tại, cây chủ lực đang “khó chồng khó” bởi giao thương trắc trở, điệp khúc “được mùa, mất giá” và còn phải đối mặt với nấm bệnh.

Khó khăn đầu ra

Có thể nói, trong rất nhiều khó khăn mà người trồng dứa đang đối mặt thì đầu ra là vấn đề nan giải nhất.

Điệp khúc được mùa mất giá đã khiến nhiều hộ trồng dứa không còn mặn mà với cây dứa, còn người buôn dứa cũng dần già bỏ nghề đi buôn các loại nông sản khác.

Năm 2015 trở về trước, vào những lúc được mùa được giá, dứa được bán từ 80 -100.000 đồng/ chục (12 trái), người trồng dứa phấn khởi vụ mùa bội thu. Thế nhưng bây giờ những quả dứa to đẹp nhất được tuyển chọn kỹ lượng giá cũng chỉ 5.000 đồng/quả, còn những quả nhỏ hơn chỉ được giá từ 1.000 -1.500 đồng/quả.

Cô Nguyễn Thị Nghĩa người dân thôn Bãi Qủa xã Đại Sơn trồng dứa đã được hơn 30 năm, cây dứa đã nuôi sống gia đình cô, thế nhưng bây giờ cô cũng không còn thiết tha gì với cây dứa. Cô cho biết, ngày xưa nhà cô trồng nhiều dứa lắm, bây giờ khoanh gọn lại chỉ khoảng 2 ha cho con trai trồng, mỗi năm thu được khoảng 20 triệu không đủ tiền vốn, tiền công mà có lúc còn ế ẩm phải để dứa chín rồi hư thối tại gốc.
 

3. Bến đò “dứa” nơi tập trung thu mua dứa đã được tỉnh Quảng Nam đầu tư xây 1 cây cầu giúp người dân giao thương thuận lợi
Bến đò “dứa” nơi tập trung thu mua dứa đã được tỉnh Quảng Nam  đầu tư xây 1 cây cầu giúp người dân giao thương thuận lợi

Vùng trồng dứa huyện Đại Lộc chạy dọc theo sông Vu Gia nên những hộ trồng dứa ở bên kia sông, phải vận chuyển dứa qua bên này sông, phía đường quốc lộ 14B để thương lái đánh xe tải tới thu mua. Chính vì khâu vận chuyển khó khăn nên hộ nào trồng dứa càng ở thượng nguồn lại càng chịu nhiều phí tổn.

Cô Lệ làm nghề thu mua dứa trên sông Vu Gia hơn 20 năm cho biết, những hộ có đất trồng dứa ở gần bến đò và ở phía bên bờ sông thuộc quốc lộ 14B sẽ bán được với giá cao hơn bởi không mất công vận chuyển. Còn các hộ trồng ở thượng nguồn cô Lệ và các thương lái khác phải đánh ghe lên tận nơi, người dân thu hoạch và vận chuyển xuống bờ sông, bốc lên ghe cho các thương lái thu mua và chở về bến đò chính (nơi chuyên thu mua dứa) rồi nhập lại cho các xe tải chở về xuôi.

Khi được hỏi về giá cả, “Giá cả thì tùy theo năm, theo từng thời điểm trong mùa, vào vụ thu hoạch chính thì giá thấp hơn đầu vụ, cuối vụ. Hiện tại, dứa có giá 50.000 – 60.000 đồng/ chục, mua theo giỏ thì 700.000 – 800.000 đồng/giỏ, mỗi giỏ thơm tầm 400 – 500 trái lớn nhỏ, tùy kinh nghiệm mình mua ngang về phân loại ra để bán, thời điểm hiện tại, giá dứa không cao do dứa phía Bắc (Thanh Hóa, Nghệ An) chở vào nhiều nên cạnh tranh khó bán, thêm chi phí vận chuyển nên phải mua giá thấp”, cô Lệ giải thích.

Để tìm đầu ra cho cây dứa, UBND xã Đại Sơn cũng đã mang dứa tham gia các hội chợ của huyện, tỉnh, chủ động tìm các nhà đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp tham gia nhưng bài toán đầu ra vẫn chưa giải được.

Phó Chủ tịch xã Đại Sơn, ông Nguyễn Văn Trung cho biết, “Những năm trước thấy trồng dứa lợi nhuận cao nên người dân trồng ồ ạt, tự phát có những thời điểm cung vượt cầu nên dễ bị thương lái ép giá. Thương lái thu mua thì tùy lúc đắt lúc rẻ, mình không can thiệp được, quy luật thị trường rồi. Bây giờ, lãnh đạo xã cũng như các hộ dân trồng dứa chỉ mong tìm được đầu ra ổn định cho cây dứa, xây dựng được chuỗi liên kết sản phẩm cho người dân yên tâm trồng dứa.”

Được biết, tỉnh Quảng Nam vừa có Quyết định chủ trương đầu tư dự án Cầu Hội Khách - Tân Đợi, huyện Đại Lộc với tổng mức đầu tư dự kiến là 140 tỷ đồng, thời gian thực hiện 4 năm (2019 -2023).

Khi cây cầu này được hoàn thành thì không chỉ người dân xã Đại Sơn mà cả 3 xã Đại Hồng, Đại Hưng, Đại Lãnh đều được hưởng lợi. Các xã này bị ngăn cách bởi dòng sông Vu Gia, người dân đi làm ruộng, làm nương đều phải đi bằng ghe đò để qua sông, vất vả bất tiện. Đến mùa thu hoạch còn phải thuê ghe đò vận chuyển, thu nhập không được bao nhiêu mà phải tốn thêm phí vận chuyển. Đây cũng là hi vọng cho bà con trồng dứa bớt đi gánh nặng bị thương lái ép giá do công đoạn vận chuyển.