Hồ tiêu rớt giá, dân lao đao - Bài 1: Giá tiêu “tuột dốc không phanh”

Kinh tế - Ngày đăng : 16:39, 06/03/2019

(TN&MT) - Hiện nay, người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Định như ngồi trên “đống lửa” bởi giá tiêu hạt liên tục lao dốc. Đáng nói, diện tích hồ tiêu tại tỉnh ta đang ngày càng mở rộng, nhưng không nằm trong định hướng phát triển của ngành nông nghiệp. Hàng trăm héc ta hồ tiêu “bén rễ” ở nhiều địa phương trong tỉnh nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền và cơ quan chuyên môn.
81
Ông Lê Văn Chức rầu rĩ khi cây tiêu trong vụ 2019 sai trái, chắc hạt nhưng giá thu mua lại quá thấp, khiến ông đối diện với nguy cơ thua lỗ nặng

Những tháng gần đây, giá tiêu hạt liên tục giảm mạnh, hiện giá thu mua chỉ còn 45 - 50 ngàn đồng/kg hạt tiêu khô. Tình trạng này khiến hàng trăm hộ trồng tiêu gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ lỗ vốn.

So với các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, Bình Định có diện tích trồng hồ tiêu ít hơn. Tuy nhiên, loại cây công nghiệp này đang phát triển “nóng” ở nhiều địa phương trong tỉnh trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Bình Định hiện có trên 650 ha hồ tiêu; trong đó, huyện Hoài Ân chiếm diện tích lớn nhất với 495 ha, huyện Hoài Nhơn 117 ha… Hiện giá thu mua loại nông sản này đang ở mức rất thấp, khiến nhiều hộ trồng tiêu lao đao.

82
2 tấn hạt tiêu khô thu hoạch trong niên vụ năm 2018 của ông Lê Văn Chức đến nay vẫn chưa bán được do giá tiêu sụt giảm ở mức thấp

Giá thấp nhất trong vòng 15 năm…

Rầu rĩ, lo âu là tâm trạng chung của người trồng tiêu cả nước, trong đó có người trồng tiêu tại Bình Định. Ông Lê Văn Chức, 53 tuổi - thâm niên 30 năm trồng tiêu ở xóm 1, thôn Hội An, xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân, Bình Định), cho biết: “Giá hạt tiêu khô đang được thương lái thu mua dao động từ 45 - 50 ngàn đồng/kg; trong khi đó, cách đây 3 - 4 năm, mức giá lên tới 120 - 150 ngàn đồng/kg. Có thể nói, năm nay giá tiêu hạt thấp kỷ luật, thấp nhất trong vòng 15 năm qua”.

Ông Chức nằm trong “tốp” những hộ sở hữu diện tích hồ tiêu lớn ở xã Ân Thạnh với 800 trụ. Từ năm 2015 đến nay, sản lượng thu hoạch luôn đạt bình quân 2 - 3 tấn hạt tiêu khô/năm. Năm 2018, ông thu hơn 3 tấn. Giá tiêu thời điểm sau thu hoạch sụt giảm và chưa tới 100 ngàn đồng/kg nên ông quyết định “găm hàng” đợi giá lên.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, ông nhận thấy giá tiêu tiếp tục rớt, không có dấu hiệu chững lại nên quyết định xuất bán một phần sản lượng. “Tôi bán 2 tấn với giá 57 ngàn đồng/kg, so với mức giá giữa năm 2018 thì mất trắng trên 100 triệu đồng”, ông Chức buồn bã.

83
Những diện tích cây tiêu trong giai đoạn “kiến thiết” đứng trước nguy cơ “chết yểu” khi giá tiêu đang lao dốc. Trong ảnh: Một vườn tiêu ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát)

Mong thu hồi vốn

Tiếp chúng tôi khi đang tưới nước cho 800 trụ tiêu, ông Chức âu lo: “Tiêu năm nay được mùa, lượng hạt nhiều và chắc. Ước tính sản lượng thu hoạch 800 trụ tiêu sẽ đạt gần 4 tấn. Còn khoảng 3 tháng nữa là vào chính vụ thu hoạch tiêu năm 2019. Với mức giá như hiện nay, tôi gần như không có lãi, thậm chí phải bù lỗ. Tôi đang rất lo, bởi lượng tiêu thu hoạch trong năm 2018 còn tồn hơn 1 tấn; cộng với lượng tiêu sắp thu hoạch chưa biết xử lý ra sao”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thơm, ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát) cũng đang buồn nẫu ruột khi chứng kiến 1.300 trụ tiêu bắt đầu vào thời điểm cho trái rộ. “Một trụ tiêu từ lúc trồng đến khi thu hoạch mất khoảng 4 năm. Tiền đầu tư trụ, phân bón, thuốc BVTV… cho 1 trụ tiêu khá lớn. Với mức giá thu mua như hiện nay (45 - 50 ngàn đồng/kg tiêu hạt khô-PV), tui chỉ mong huề vốn, chứ nói chi tới chuyện lãi bao nhiêu”, ông Thơm giãi bày.

Còn tại huyện Hoài Nhơn, hàng trăm nông dân trồng tiêu cũng đang điêu đứng khi giá tiêu tụt giảm mạnh. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho rằng: “Giá tiêu giảm đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người trồng tiêu. Giá tiêu thấp khiến nông dân dè dặt trong việc quan tâm đầu tư chăm sóc cho cây tiêu”.