Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 2: Quảng bá, tôn vinh giá trị và hình ảnh cà phê Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 23:52, 10/12/2018
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: Đắk Nông có diện tích cà phê đứng thứ 3 cả nước với hơn 127.000 ha, trong đó hơn 112.000 ha cà phê kinh doanh, sản lượng thu hoạch đạt 267.500 tấn, năng suất trung bình năm 2017 là 2,376 tấn/ha.
Tỉnh có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên và diện tích đất đỏ bazan chiếm khoảng 60% phân bố trên địa hình đồi, núi cao trùng điệp xen lẫn thung lũng sâu và bình nguyên cùng nguồn nước dồi dào từ hệ thống sông hồ, đập phân bố trên địa bàn tỉnh là những ưu thế chính cho tỉnh phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp, nhất là cây cà phê. Tuy nhiên, do hạn chế ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy mô sản xuất nhỏ, tình trạng bà còn nông dân trồng tự phát, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, xây dựng thương hiệu còn hạn chế nên giá cả cà phê trên địa bàn tỉnh còn biến động, khó kiểm soát, phụ thuộc nhiều vào giá cả quốc tế.
Trong bối cảnh đó, Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 2 – năm 2018 đã được tổ chức quy mô, trang trọng dưới sự chỉ đạo, tham dự của đạo diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum… nhằm quảng bá, tôn vinh giá trị và hình ảnh cà phê Việt Nam. Sự kiện thu hút các đại sứ quán, lãnh sứ quán các nước tại Việt Nam, Tổ chức cà phê thế giới, doanh nghiệp cà phê trong và ngoài nước, người tiêu dùng cà phê… Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của gần 40 tổ chức, doanh nghiệp quốc tế lớn như Chủ tịch Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), Chủ tịch Liên đoàn Cà phê ASEAN, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê châu Á, các doanh nghiệp nhập khẩu cà phê từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê thành công, tìm kiếm đối tác kinh doanh, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Ông Jose Sette - Chủ tịch Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho biết, thách thức lớn nhất mà ta đang phải đối mặt hiện nay chính là làm cách nào để giúp ngành cà phê phát triển bền vững hơn. Tức là đạt được lợi ích hài hòa ở cả 3 lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường. Phải lấy người trồng cà phê làm trung tâm, bởi nông dân là nền tảng của chuỗi cung ứng cà phê.
Do đó, việc tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm như Ngày Cà phê Việt Nam, song song với các sự kiện thăm quan các vùng cà phê sản xuất theo chuỗi, sự kiện Cupping cà phê (thử nếm), Hội thi nông dân NÉSCAFE Plan… là dịp để quảng bá và nhân rộng những chuỗi sản xuất và tiêu thụ cà phê bền vững. Đồng thời là dịp để người nông dân tiếp xúc với nhà cung ứng, khách hàng, nắm bắt được nhu cầu thực sự của khách hàng, từ đó có phương thức sản xuất các sản phẩm cà phê đáp ứng đúng nhu cầu.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý lấy ngày 10/12 hàng năm là Ngày cà phê Việt Nam, đồng thời quyết định bổ sung mặt hàng cà phê chất lượng cao vào danh mục các sản phẩm quốc gia. Sự kiện Ngày Cà phê Việt Nam được tổ chức thường niên là cơ hội tốt để các đối tác gặp gỡ, giao lưu, ký kết các hợp đồng kinh tế, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam.
Trong khuôn khổ Ngày cà phê năm nay đã diễn ra triển lãm gồm 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm cà phê chất lượng đến từ các doanh nghiệp uy tín và vùng trồng cà phê nổi tiếng; hội thảo phát triển cà phê Việt Nam bền vững; giao thương kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước, các nhà nhập khẩu nước ngoài; hội thi nông dân Nescafé Plan...
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen cho các doanh nghiệp, người nông dân đã có đóng góp lớn cho ngành hàng cà phê. Đồng thời trao cờ cho tỉnh Gia Lai - địa phương sẽ đăng cai tổ chức Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 3 - năm 2019.