Mô hình nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu - Bài 2: Sạch đẹp nhờ ruộng lúa bờ hoa

Kinh tế - Ngày đăng : 15:52, 10/12/2018

(TN&MT) - “Ruộng lúa bờ hoa” là mô hình canh tác mới được áp dụng tại xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải, Thái Bình. Người nông dân trồng nhiều loại hoa ven bờ để dẫn dụ côn trùng có ích đến hút mật, sinh sản, gia tăng quần thể thiên địch, góp phần hạn chế sâu bảo vệ lúa, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.
image003
Ảnh: Ruộng lúa bờ hoa làm đẹp đồng ruộng, giảm sâu bệnh cho cây trồng (ảnh: MCD)

Mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” đã được triển khai thí điểm ở Việt Nam từ năm 2009, nằm trong chương trình “Quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái” của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) nhưng đây là lần đầu tiên được áp dụng tại xã Tây Tiến.

Mô hình nông nghiệp sinh thái ruộng lúa bờ hoa này nhằm tăng hệ thực vật có hoa trên bờ ruộng và giảm tiến tới ngừng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong các giai đoạn của cây lúa. Từ đó giúp tăng cường sức đề kháng cho hệ sinh thái đồng ruộng và hạn chế sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường.

Tham gia mô hình, nông dân xã Tây Tiến được hướng dẫn trồng nhiều loại hoa xung quanh ruộng như hoa sam, tóc tiên, mười giờ, hoa cúc, đậu bắp, ngũ sắc thiên hương. Ngoài ra người dân kết hợp cấy lúa theo phương thức cấy lúa hàng biên, cứ hai hàng lúa cách nhau 18-25 cm cách nhau một khoảng trống rộng 35-45cm.

 Phương pháp này phát huy được hiệu ứng hàng biên giữa 2 hàng sông rộng, ánh sáng được chiếu trực tiếp vào gốc, thân lúa, kích thích lúa phát triển nhanh, đẻ sớm và ít sâu bệnh. Sự kết hợp việc trồng hoa và cấy lúa hàng biên đã đem lại hiệu quả kép cho mô hình.

Với nhiều loại hoa có tác dụng khác nhau một mặt thu hút thiên địch của sâu hại lúa như bọ rùa, ong mắt đỏ, ong đen, bọ cánh cộc ba khoang, ong ký sinh trên rệp…; mặt khác một số loài hoa có tác động trực tiếp hạn chế, giảm khả năng sinh sản của sâu, gây ngán ăn cho sâu, kìm hãm khả năng phát triển của sâu bướm, sâu cuốn lá, rầy… dẫn đến giảm hóa chất trừ sâu, tiền hóa chất trừ sâu và công phun trừ sâu.

Đây là lần đầu tiên xã Tây Tiến áp dụng biện pháp “Ruộng lúa bờ hoa”, hạn chế phun hóa chất bảo vệ thực vật. Ông Ngô Duy Hướng Chủ tịch UBND xã Tây Tiến chia sẻ, nếu trước kia, mỗi vụ người dân phun hóa chất bảo vệ thực vật mỗi vụ 4-6 lần, hiện nay chỉ phun 2-3 lần và liều lượng cũng giảm nhiều. Nhiều nông dân ở Tây Tiến cho biết, ruộng lúa không phải phun hóa chất trừ sâu 4-5 lần/vụ như trước mà năng suất vẫn có thể đạt hơn 6 tấn/ha ở vụ mùa như trước đâu.

Áp dụng phương thức này, các chi phí đầu vào của bà con nông dân như đắp bờ, hóa chất bảo vệ thực vật, công phun hóa chất, chi phí chăm sóc lúa khi dịch bệnh giảm… mà sản lượng đầu ra không thay đổi, hiệu quả kinh tế tăng lên. Mặt quan trọng khác là chất lượng của thóc gạo cao lên, giá thị trường của lúa, gạo này cũng cao hơn. Vì vậy thu nhập của nông dân cao hơn.

Mô hình ruộng lúa bờ hoa có kỹ thuật đơn giản, dễ áp dụng, lại có hiệu quả cả về kinh tế và môi trường nên việc nhân rộng là hoàn toàn khả thi.

“Đây là bài tuyên truyền về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam năm 2018”