Hà Nội: Phát triển các vùng cây ăn quả sản xuất ứng dụng công nghệ cao
Kinh tế - Ngày đăng : 18:49, 03/12/2018
Theo thống kê của Sở NN&PTN Hà Nội, hiện diện tích trồng cây ăn quả của Thành phố khoảng 17.000 ha với các chủng loại chính: Bưởi, cam, nhãn, chuối; còn lại là táo, đu đủ, hồng xiêm, vải, xoài… Thành phố đã xây dựng được 12 nhãn hiệu cây ăn quả tập thể: Bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi đường Quế Dương, phật thủ Đắc Sở (Hoài Đức), cam canh Kim An (Thanh Oai), bưởi Phúc Thọ, bưởi Chương Mỹ, bưởi Sóc Sơn, nhãn chín muộn Đại Thành (Quốc Oai)...
Một số địa phương đã áp dụng kinh nghiệm trồng, thâm canh và ứng dụng tiến bộ khoa học về trồng cây ăn quả như: Sử dụng túi bao quả, giống nuôi cấy mô, tưới nước tiết kiệm… tập trung chủ yếu ở các huyện: Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì, Đan Phượng…
Bên cạnh đó, Thành phố có 924,5ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao (chiếm 6,2% tổng diện tích cây ăn quả toàn thành phố); trong đó 634ha ứng dụng giống chất lượng cao; 372 ha chuối ứng dụng công nghệ cao...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy phát triển mô hình trồng cây ăn quả của Thành phố vẫn còn khó khăn do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; việc liên kết sản xuất-tiêu thụ hạn chế, đầu tư ứng dụng công nghệ cao chưa phổ biến. Trong khi đó, việc thực hiện các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được người dân quan tâm đúng mức. Nhiều hộ chưa có kho riêng lưu trừ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không có sổ sách theo dõi chủng loại, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian sử dụng...
Theo Sở NN&PTN Hà Nội, Thành phố phấn đấu đến năm 2020 có 1.384 ha diện tích sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; tỷ lệ giá trị sản xuất ứng dụng công nghệ cao chiếm 15-20% tổng giá trị sản xuất cây ăn quả toàn thành phố; khuyến khích các vùng cây ăn quả sản xuất theo hướng tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường nhập khẩu như: Mỹ, châu Âu...
Để nâng cao năng suất, chất lượng; tăng giá trị cho cây ăn quả, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc sản trái cây của các địa phương. Trong đó, các địa phương cần tuyên truyền vận động người dân lựa chọn giống chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật.
Cùng với đó, các địa phương cần hỗ trợ người dân liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, hỗ trợ xây dựng, mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thay thế diện tích cây trồng kém hiệu quả, tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tăng cường tập huấn cho nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản nói chung, trái cây nói riêng trong quá trình xuất khẩu;
Ngoài ra, hỗ trợ các địa phương xây dựng chỉ dẫn địa lý với một số loại cây ăn quả đặc sản (nhãn, bưởi...); nghiên cứu, nắm chắc tình hình thị trường, dự báo sản lượng tiêu thụ cụ thể cho từng thị trường và đưa vào chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ...