Nông sản Việt gặp nhiều bất lợi khi vào hệ thống thương mại
Kinh tế - Ngày đăng : 10:33, 14/11/2018
Thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân luôn hấp dẫn các nhà đầu tư bán lẻ trong và ngoài nước. Trong khi đó, hệ thống 9.000 chợ, 800 siêu thị, 130 trung tâm thương mại và khoảng 4.000 siêu thị mini cùng các cửa hàng tự chọn được coi là nguồn cung đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản cho người tiêu dùng.
Nông sản vào siêu thị với chiết khấu quá cao
Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ nông sản sạch của Việt Nam vào được các hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm từ 7-10%, như vậy còn tới 80-90% hàng hóa nông sản được bán tự do ở các chợ, cửa hàng lẻ và hàng rong, bao gồm cả sản phẩm đạt chất lượng và cũng như chưa đạt chất lượng làm khó người tiêu dùng.
Đơn cử đối với mặt hàng vải thiều, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, lượng vải từ các địa phương nhập vào các siêu thị là rất hạn chế, chủ yếu được các thương nhân vận chuyển ra thành phố, bán tại các khu chợ dân sinh, hoặc ngay trên các xe thồ.
“Điều này một phần là do tâm lý, thói quen mua hàng ở các chợ cóc, chợ dân sinh của người dân. Lâu nay, người tiêu dùng chỉ thích mua hàng ở gần vì thuận tiện và tiết kiệm thời gian. Còn người bán hàng cũng tìm vị trí gần với những khu vực đông dân cư hay những tuyến phố nhiều người qua lại” bà Lan bày tỏ.
Mặt khác theo bà Lan, một yếu tố quan trọng khác khiến việc đưa nông sản Việt vào siêu thị trở nên khó khăn, đó là người nông dân, nhà sản xuất chưa kiểm soát, đảm bảo được chất lượng hàng hóa của mình để đạt tiêu chuẩn đưa vào siêu thị. Trên thực tế, nhiều nông sản được làm ra hiện nay chưa đảm bảo vệ sinh, chưa có bao bì, mã số, mã vạch cũng như thiếu các chứng nhận về an toàn thực phẩm…
Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận xét, hàng Việt nói chung, trong đó có các sản phẩm nông sản không tham gia được vào chuỗi, hệ thống phân phối lớn đầu tiên là bởi chất lượng, thương hiệu hàng hóa chưa đủ tầm để được đưa vào mạng lưới phân phối.
“Chất lượng, mẫu mã cũng như tính ổn định của sản phẩm Việt còn rất hạn chế. Con số hàng nông sản sạch tiêu thụ tại siêu thị, trung tâm thương mại được đánh giá là khá nhỏ bé so với năng lực sản xuất của Việt Nam”, GS.TS Đặng Đình Đào đánh giá.
Yếu kém ở khâu sản xuất là một trong những lý do khiến cho lượng hàng nông sản sạch vào siêu thị còn khiêm tốn. Tuy nhiên nhìn nhận ở góc độ khác, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, nông sản Việt khó vào siêu thị là bởi sự thiếu trách nhiệm, chèn ép của đơn vị phân phối khi đưa ra mức chiết khấu cao với các nhà cung ứng.
“Mức chiết khấu cho sản phẩm nông sản vào siêu thị thông thường lên tới tới 25-30%, cộng với những chi phí bất hợp lý khác. Nhiều siêu thị có doanh số bán lớn, có quyền quyết định đã gây sức ép cho nhà cung ứng. Ví dụ, 10 đơn vị gửi rau vào siêu thị nhưng chỉ có 1-2 đơn vị được chọn là những đơn vị chịu chi chiết khấu cao. Thậm chí, khi đã bán hết hàng, siêu thị còn dùng chiêu "kế toán đi vắng" để trì hoãn việc thanh toán cho nhà cung ứng”, ông Phú nói.
Hỗ trợ liên kết doanh nghiệp và nông dân
Việc nông sản Việt gặp khó khăn khi tiêu thụ tại các siêu thị đã cản trở quá trình tiếp cận, làm thu hẹp cơ hội được sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng của người tiêu dùng Việt Nam. Mặt khác, khi nông sản phải chịu chi phí cao để vào được siêu thị, đương nhiên giá thành sẽ bị đẩy lên và vô hình chung làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại.
Một số chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ những bất cập trong việc đưa nông sản vào siêu thị nói riêng, giải quyết nút thắt trong khâu phân phối hàng hóa nói chung tại Việt Nam điểm quan trọng là cần luật hóa khâu phân phối.
Bên cạnh đó, muốn khơi thông dòng chảy thương mại hàng hóa, cần tổ chức lại sản xuất lớn theo quy hoạch của từng địa phương và từng vùng có lợi thế cho sự phát triển các loại nông sản. Đồng thời mở rộng chính sách hạn điền, tạo điều kiện tốt, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm quản lý được chất lượng hàng hóa cũng như hạ giá thành sản phẩm.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, giải pháp quan trọng và cần thiết là xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất và phân phối nhằm giảm chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản; hình thành hệ thống chợ đầu mối, sàn giao dịch nông sản dể đảm bảo mua bán được công khai, minh bạch, quản lý an toàn thực phẩm.
"Cần có biện pháp hỗ trợ dự trữ nông sản, bảo quản sau thu hoạch đi đôi với việc phát triển nhanh hệ thống thương mại hiện đại, hạn chế và tiến tới chấm dứt những hình thức độc quyền của thương mại bán lẻ; đầu tư thỏa đáng cho việc hình thành những tập đoàn mạnh về sản xuất và phân phối, có đủ tiềm lực để phát triển sản xuất hàng hóa lớn và phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp", ông Phú nhấn mạnh.
Là doanh nghiệp vừa cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào, vừa phối hợp với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân, ông Phan Minh Tâm, Giám đốc Maketing Công ty Phân bón Bình Điền mong muốn, nếu sự hỗ trợ các đơn vị cung ứng đầu vào kết nối với các đơn vị tiêu thụ đầu ra cùng nông dân liên kết với nhau, các doanh nghiệp và nông dân sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản.../.