ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân: Cần quan tâm đến 8 nhóm yếu tố chi phối năng suất lao động

Kinh tế - Ngày đăng : 21:32, 27/10/2018

(TN&MT) - Phát biểu tại Hội trường ngày 27/10, Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM kiến nghị: Để xử lý bài toán năng suất ở Việt Nam cần quan tâm đến 8 nhóm yếu tố chi phối năng suất lao động

Bày tỏ sự đồng tình cao với ý kiến của nhiều đại biểu cũng như đánh giá của báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội đất nước năm 2017 và cũng đồng tình với những phát biểu của Tổng bí thư khi nhận chức rằng chúng ta không chủ quan. Chúng ta vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề thách thức... ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đề cập một vấn đề, đó là năng suất lao động Việt Nam còn thấp, vì sao và giải pháp nào.

Bí thư Nhân
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng 27/10. Ảnh: Quốc Khánh

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu số liệu thống kê: Năng suất lao động của chúng ta năm 2017 là 4.019 USD, so với Thái Lan 11.633 USD, thấp hơn Thái Lan 3 lần. Năng suất của Malaysia gấp chúng ta 5 lần. Năng suất Hàn Quốc 14 lần, Nhật Bản 18 lần và Singapo 25 lần.

Từ thực tiễn này cũng có ý kiến cho rằng, sau hơn 40 năm đổi mới mà năng suất lao động Việt Nam bằng 34% của Thái Lan tức là 1/3 là quá thấp. Vì vậy, cũng là vấn đề phải xem lại sự chỉ đạo của Chính phủ triển khai ở các địa phương. Theo tôi, bức xúc về năng suất lao động thấp để phát huy sáng tạo, tìm cách khắc phục là đúng đắn. Nhưng bức xúc mà chưa đầy đủ cơ sở thì làm xã hội bức xúc thêm và cũng có thể bị những thế lực thù địch lợi dụng có những phát biểu bất lợi cho chế độ.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nêu về hai minh họa: Chúng ta có sự tiến bộ rất đáng kể về năng suất lao động so với các nước xung quanh. Năm 1975 GDP đầu người chúng ta là 79 USD. Năng suất lao động của Thái Lan gấp chúng ta 5 lần thì đến năm 2008 còn gấp 4 lần và 2017 gấp 3 lần, như vậy khoảng cách được thu hẹp liên tục. Năng suất lao động của Mailaysia năm 1975 gấp chúng ta 10 lần, đến 2008 còn gấp 7 lần và 2017 gấp 5 lần. Năng suất lao động ở Nhật Bản năm 1975 gấp chúng ta 50 lần, năm 2008 gấp 30 lần và năm 2017 gấp 18 lần. Như vậy, chúng ta đã liên tục thu hẹp khoảng cách năng suất so với một số nước trong hoàn cảnh họ cũng tăng năng suất. Như vậy, so với năm 1975 thì chúng ta thu hẹp với Thái Lan từ 5 xuống 3 lần, Nhật Bản từ 50 lần xuống 18 lần. Tuy nhiên, cũng phải hỏi rằng chúng ta có thể tăng năng suất lao động nhanh hơn được không thì để trả lời có thể tăng nhanh hơn. Nhưng không thể nhanh đến mức không phù hợp với điều kiện của nền kinh tế và quy luật kinh tế.

Bên cạnh đó, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, chúng ta cũng lo lắng trước xu hướng, năng suất lao động tăng trong đó yếu tố vốn đóng vai trò quan trọng, chủ yếu, lo lắng này có cơ sở như thế nào. Vì sao việc này đã kéo dài suốt 30 năm qua, chúng tôi xin đề cập vấn đề thứ nhất để lý giải mấy câu hỏi trên. Đó là năng suất lao động có 2 loại thước đo khác nhau là năng suất lao động kỹ thuật và năng suất lao động kinh tế. Năng suất lao động kỹ thuật này phụ thuộc vào trình độ công nghệ năng suất và thiết bị máy móc được ứng dụng, phụ thuộc vào chất lượng vật tư, trình độ lao động, phương pháp trả lương, chất lượng quản lý...

Trong đó yếu tố quyết định của năng suất lao động kỹ thuật chính là trình độ công nghệ của thiết bị và khả năng của người lao động sử dụng thiết bị. Ví dụ, trong ngành dệt với các khung dệt gỗ thì người ta phải di chuyển thoi bằng tay hoặc bằng cơ học thì năng suất rất thấp, máy dệt hiện đại thì không có thoi, di chuyển sợi bằng thổi khí, năng suất có thể tăng gấp 3-10 lần. Nếu chúng ta đặt một kỹ sư dệt dệt bằng máy gỗ thì năng suất vẫn thấp, nếu một công nhân được huấn luyện tốt thì dệt bằng máy khí nén, năng suất cao…

“Chúng tôi muốn nói rằng trình độ công nghệ của thiết bị là hết sức quan trọng hoặc trong nhà máy Samsung, họ không tuyển công nhân có trình độ bằng công nhân kỹ thuật, họ chỉ tuyển công nhân tốt nghiệp cấp sau 4, 5 tháng huấn luyện thì công nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, năng suất rất cao, sử dụng tốt máy móc hiện đại của Samsung” – ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nói.

Yếu tố thứ hai, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đó là năng suất kinh tế đo bằng giá trị gia tăng một lao động tạo ra và nó bằng năng suất kỹ thuật nhân với giá bán một sản phẩm trừ đi chi phí làm ra sản phẩm, không kể chi phí lao động. Năng suất kinh tế của Việt Nam năm ngoái là 4019 USD như vừa trình bày ở trên, thấp hơn Thái Lan 3 lần, Hàn Quốc 14 lần, Nhật Bản 18 lần, vì sao lại như vậy. Năng suất lao động kỹ thuật là do năng suất lao động kinh tế quyết định như trình bày ở trên, nhưng năng suất lao động kinh tế còn có yếu tố thị trường, đó là giá bán sản phẩm và chi phí làm ra sản phẩm, không kể chi phí lao động.

Nói đến yếu tố giá bán sản phẩm thì đây là quan hệ cung cầu, chất lượng của hàng hóa tổ chức tiêu thụ, nói đến thị trường đầu ra, đầu vào cũng là quan hệ cung cầu của đầu vào. Như vậy, yếu tố năng suất lao động kỹ thuật cao không tự nó đảm bảo năng suất lao động kinh tế cao.

Trong nông nghiệp chúng ta cũng thấy năng suất cà phê của Việt Nam rất cao, sản lượng thuộc loại cao nhất thế giới, nhưng thu nhập không cao. Bài học là sản xuất công nghiệp nếu chỉ dựa vào khâu sản xuất mà không phủ 2 khâu là thiết kế và tiêu thụ thì không thể có năng suất kinh tế cao. Trong nông nghiệp, hộ nông dân cá thể có thể là người sản xuất giỏi nhưng không thể là kinh doanh giỏi vì không biết dự báo nhu cầu thị trường, không biết tiêu thụ sản phẩm.

Từ đó Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đã nêu kiến nghị để xử lý bài toán năng xuất ở Việt Nam. Theo ông, chúng ta cần quan tâm đến 8 nhóm yếu tố chi phối năng suất lao động.

Một là, nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất, trong đó có một xu hướng tương quan rất quan trọng, đó là điều chúng tôi muốn chia sẻ. Năng suất lao động của các quốc gia tỷ lệ thuận trực tiếp với vốn của xã hội trên lao động. Nói một cách khác, đầu tư xã hội trên 1 lao động bao nhiêu thì năng suất lao động cũng tương thích bấy nhiêu. Như Việt Nam năng suất 4.100 đô la, đầu tư năm ngoái 1 lao động là 1.384 đô la. So với Thái Lan, đầu tư của họ gấp 2 lần của ta còn năng suất gấp gần 3 lần. Hàn Quốc đầu tư đầu người năm ngoái gấp 12 lần của ta, năng suất lao động gấp 14 lần. Nhật Bản đầu tư gấp 13 lần  chúng ta thì năng suất gấp 18 lần. Ở đây đặt vấn đề muốn tăng năng suất lao động phải tăng đầu tư không phải chỉ ngại yếu tố vốn tăng trong vấn đề phát triển sản xuất. Nhưng đầu tư vào đâu, đầu tư để tăng công nghệ thì tăng vốn sẽ đem lại hiệu quả.

Như vậy, nếu chúng ta muốn năng suất lao động Việt Nam bằng Thái Lan, hiện nay Thái Lan đang hơn ta 3 lần, qua thống kê dự báo cũng cần 5-7 năm nữa. Nếu chúng ta muốn năng suất bằng bằng Malaysia, hiện nay họ hơn chúng ta 5 lần thì chúng ta cũng cần 5-10 năm. Tất nhiên, đây cũng là dự báo sơ bộ, để chúng ta biết rằng, chúng ta không thể nóng vội, đầu tư của chúng ta do GDP thấp trong hàng chục năm so với các nước ở Asean từ 2-20 lần.

Thứ hai, đó là xác định mô hình sản xuất phù hợp, cơ chế kinh tế bao cấp, sản xuất theo tập trung không đem lại hiệu quả cao, chúng ta phải chuyển sang cơ chế thị trường. Nhưng trong nông nghiệp, hộ sản xuất cá thể vẫn còn đa số, điều đó không cho phép năng suất kinh tế cao phải chuyển sang mô hình tập thể, hợp tác xã.

Thứ ba, phải đi đồng độ 3 khâu sản xuất, đó là thiết kế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu; Thứ tư, thị trường tín dụng phải đủ mạnh, phù hợp cho các loại hình doanh nghiệp  để phục vụ nhu cầu tăng vốn; Thứ năm, quan tâm đến thị trường sản phẩm cả trong nước và nước ngoài đó là kích cầu trong nước.

Thứ sáu, nâng cao trình độ người lao động; Thứ bảy, đầu tư cho nghiên cứu khoa học một cách xứng đáng, chúng tôi xin nêu ví dụ, chi khoa học công nghệ  năm 2012 bình quân 3 đô la/người, thua Thái Lan 7 lần, thua Malaysia 29 lần, Singapore 43 lần; Và thứ tám, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, công khai, minh bạch, nghe dân vì dân.

“Một thống kê cho thấy, không cần tăng đầu tư nhưng nếu chính quyền minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp quyết định đầu tư nhanh hơn, hiệu quả hơn và GDP có thể tăng thêm 0,5 - 1,5 %” - Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói.