Các làng nghề thủ công mỹ nghệ khát nguyên liệu
Kinh tế - Ngày đăng : 10:44, 24/10/2018
Cung không đủ cầu
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, hiện tổng doanh thu từ 305 làng nghề truyền thống và các làng có nghề của Hà Nội đạt trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó, một số làng nghề thủ công mỹ nghệ đạt doanh thu cao như các làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đạt 2.850 tỷ đồng, đồ mộc thôn Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) đạt gần 1.000 tỷ đồng… Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội 9 tháng năm 2018 đạt 154 triệu USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Nguồn nguyên liệu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam gồm các chủng loại chính như: Tre, mây, gỗ, cói, lục bình, bẹ chuối, nguyên liệu gốm sứ, sợi… Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu đã diễn ra trên diện rộng những năm gần đây do nhu cầu sản xuất, chế biến sản phẩm tăng cao, trong lúc các vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp, khai thác tràn lan, công tác quản lý ở nhiều địa phương lỏng lẻo. Nếu như trước đây, hàng thủ công mỹ nghệ được sản xuất chủ yếu bằng nguồn nguyên liệu trong nước thì đến nay chúng ta đã phải nhập khẩu 50%.
Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) cho biết: “Nhóm ngành nghề gốm sứ đang rất thiếu nguồn nguyên liệu. Mặc dù chỉ có 5 làng nghề sản xuất mặt hàng này với hơn 4.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất cá thể, nhưng sức tiêu thụ lên tới gần 600.000 tấn nguyên liệu đất sét và cao lanh mỗi năm”.
Riêng nguyên liệu gỗ là nhóm phải nhập khẩu nhiều nhất, do các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đang thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu trong nước. Nguồn gỗ nhập khẩu từ các nước như Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia… không ổn định, trong lúc nguồn nhập khẩu từ các quốc gia ở các châu lục khác chi phí vận chuyển quá cao, làm cho giá thành nguyên liệu tăng, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam. Trong khi tổng nhu cầu về nguyên liệu gỗ của các làng nghề Hà Nội lên tới hơn 1 triệu mét khối/năm.
Ngành mây, tre đan xuất khẩu hiện nay có không ít cơ sở phải hoạt động cầm chừng và có nguy cơ đóng cửa vì không chủ động được nguyên liệu.
Thúc đẩy kết nối
Nhằm giúp các doanh nghiệp làng nghề thủ công mỹ nghệ Hà Nội tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu đầu vào, đồng thời giúp các cơ sở sản xuất các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tiêu thụ bán thành phẩm, thành phẩm ổn định, lâu dài, có chất lượng, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc vừa tổ chức hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào ngành thủ công mỹ nghệ giữa doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn (làng nghề Phú Vinh, huyện Chương Mỹ) chia sẻ, do nguồn nguyên liệu cỏ tế đang cạn kiệt nên làng nghề Phú Vinh phải sử dụng phần lớn nguồn nguyên liệu từ làng nghề Phú Túc. Hiện, Công ty phải phát triển vùng nguyên liệu mây ở tỉnh Hòa Bình, nhưng vẫn không đủ cho sản xuất do quy mô trồng còn nhỏ lẻ. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, các cấp có thẩm quyền hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, phát triển những vùng nguyên liệu quy mô lớn, bảo đảm chất lượng và ổn định.
Đồng tình với chia sẻ của ông Nguyễn Văn Trung, nhiều doanh nghiệp kiến nghị các bộ, ngành liên quan có cơ chế hỗ trợ đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu ổn định, khoa học, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng để doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề Hà Nội tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, Sở Công Thương sẽ chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp liên quan về chính sách hỗ trợ, ưu đãi, đặc biệt là ưu tiên tạo vùng nguyên liệu, khai thác nguyên liệu, chế biến nguyên liệu. Đồng thời, đề xuất UBND thành phố có cơ chế đặc thù, phù hợp với yêu cầu, thực tế để có thể hỗ trợ trực tiếp, tiêu thụ sản lượng nguyên liệu, sản phẩm bán thành phẩm nhằm khuyến khích các địa phương quan tâm phát triển, cung cấp nguyên liệu “đầu vào” cho ngành mây tre đan Hà Nội. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng mây tre đan của Hà Nội cũng có thể liên kết đầu tư xưởng sản xuất ngay tại các địa phương của các tỉnh, thành phố để tận dụng nguyên liệu, nhân công, giảm chi phí, góp phần tạo nên chuỗi cung cầu hoàn thiện, hiệu quả.
Cùng với những chiến lược, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, phát triển thị trường, các làng nghề, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ cần chủ động hơn trong việc hình thành mối liên kết, tạo sức mạnh tập thể trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản phẩm của mình.