Cần thông tin rõ về tính ưu việt của từng loại phân lân
Kinh tế - Ngày đăng : 14:46, 10/10/2018
TS. Hoàng Anh Tuấn - Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam có đánh giá tổng quan về phân bón chứa lân và vai trò của phân bón chứa lân trong nông nghiệp. TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, từ năm 1985 đến nay, diện tích gieo trồng ở Việt Nam chỉ tăng 57,7%, nhưng lượng phân bón sử dụng tăng tới 517%. Trong đó, tỷ lệ sử dụng phân bón cho lúa chiếm cao nhất, hơn 65%, các cây công nghiệp lâu năm gần 15%, ngô khoảng 9%, còn lại là các cây trồng khác. Tuy nhiên so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì lượng phân bón sử dụng trên một đơn vị diện tích gieo trồng ở nước ta vẫn còn thấp, năm cao nhất chỉ đạt 195kg NPK/ha.
Đại diện Công ty CP Phân lân Ninh Bình (Nifeco) cho biết, Nifeco hiện là một trong 4 công ty sản xuất phân lân lớn nhất của Việt Nam, sản phẩm phân lân nung chảy Ninh Bình (tên quốc tế FMP Ninh Bình). Theo Niferco, FMP Ninh Bình là sản phẩm phân lân chứa nhiều nguyên tố dinh dưỡng trung và vi lượng (Ca, Mg, S, Fe, Mn...), được sản xuất bằng phương pháp nhiệt từ các nguyên liệu khoáng tự nhiên (nấu chảy hoàn toàn hỗn hợp quặng Apatit, quặng serpentin, sa thạch sau đó làm lạnh đột ngột bằng nước áp lực cao), trong quá trình sản xuất không sử dụng hóa chất, nên rất thân thiện môi trường. Thực tế với nhiều đặc tính ưu việt (khử chua, khử độc, hạ phèn, chống rửa trôi) hiện sản phẩm này đang được nhiều bà con nông dân tin tưởng sử dụng cho nhiều chất đất, cây trồng (lúa ở vùng nhiễm phèn, cao su, cà phê ở Tây Nguyên...) với những hiệu quả thực tế rõ rệt, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Xung quanh vấn đề làm thế nào để sử dụng phân bón chứa lân đúng với quy định đáp ứng đòi hỏi loại đất trồng, bảo vệ môi trường có nhiều ý kiến của các nhà khoa học, doanh nghiệp, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, các đơn vị sản xuất, cơ quan tuyên truyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, nêu rõ thông tin về tính ưu việt của từng loại phân lân (phân bón chứa lân dạng vô cơ, dạng chế biến hóa học; phân lân đơn, phức hợp; phân lân nung chảy; phân lân superphosphat…), cách sử dụng, tác dụng của loại phân nào phù hợp với cây trồng nào, loại đất nào… để giúp nông dân hiểu rõ và sử dụng đúng phân cho từng chất đất, cây trồng nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
Tổng thư ký Hiệp hội phân bón, ông Phùng Hà khuyến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường rà soát các tiêu chuẩn được ban hành phù hợp, dễ thực hiện, khó bị hiểu sai hay lợi dụng; đồng thời, có chế tài để giám sát tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón; hạn chế việc sản xuất, lưu hành phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ giúp doanh nghiệp vấn đề liên quan đến lượng lớn phân bón đã sản xuất, nhưng vẫn phù hợp để sử dụng cho từng loại đất, cây trồng; hoặc hàng triệu bao bì đã in sẵn, nhưng không phù hợp quy định tại Nghị định 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón…