Thái Nguyên: Phát huy tiềm năng thế mạnh, đánh thức làn sóng đầu tư

Kinh tế - Ngày đăng : 22:23, 08/08/2018

(TN&MT) - Sự kiện Hội thảo xúc tiến đầu tư năm 2018 do tỉnh Thái Nguyên tổ chức thành công tháng 7/2018 như “cú hích”, tạo động lực, đánh thức làn sóng đầu tư vốn đã là “thương hiệu” của tỉnh Thái Nguyên về thu hút doanh nghiệp vào địa bàn phát triển công nghiệp. Điều đó khẳng định, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục mở rộng cửa mong muốn và sẵn sàng đón nhận về sự đồng hành, chia sẻ của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, chung sức phát triển bền vững.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có tổng số trên 6.100 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 80.000 tỷ đồng, với 900 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã đạt và vượt mức kế hoạch hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội; tốc độ phát triển kinh tế xã hội đạt mức khá. Trong những năm gần đây, Thái Nguyên liên tục được xếp trong nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số cải cách hành chính. Qua đó đã phản ánh sự nỗ lực, quyết tâm, một sự khẳng định mạnh mẽ của tỉnh Thái Nguyên trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều hành kinh tế và cải cách hành chính để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn bình quân 20 năm (1997-2017) đạt 11%/năm; riêng giai đoạn 5 năm (2012-2017) tăng trưởng bình quân đạt 16,7%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại và dịch vụ. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt 571 nghìn tỷ đồng, gấp 22,6 lần so năm 2010; bình quân trong 5 năm gần đây (giai đoạn 2012-2017), giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 82,5%/năm. Giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt 23,56 tỷ USD (chiếm 11% giá trị xuất khẩu chung của cả nước), gấp 212 lần so với năm 2010, gấp 934 lần năm 1997. Thu ngân sách tăng nhanh, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành.

1
Dự án  Đường Bắc sơn kéo dài (đường Hồ Núi Cốc) là dự án quan trọng mới được khởi công trong dịp tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư tháng 7/2018.          

Theo số liệu từ Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên, tình hình kinh tế - xã hội 6tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 9,85% so với 6 tháng đầu năm 2017; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng GRDP toàn tỉnh; thu ngân sách nhà nước trong cân đối ước đạt 7.050 tỷ đồng, bằng 53,8% dự toán năm, tăng 5,5% so với cùng kỳ.

Ở lĩnh vực thu hút đầu tư, 6 tháng qua, toàn tỉnh có 5 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 25,5 triệu USD. So với thời điểm cùng kỳ, số dự án đăng ký mới tương đương nhưng vốn đăng ký gấp 5 lần. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn trong nửa đầu năm 2018 đạt gần 25,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư khu vực FDI là 16,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 63% tổng mức đầu tư trên địa bàn.

Những “con số biết nói” đó đã toát lên rằng, tỉnh Thái Nguyên đang phát triển bền vững trên cơ sở thu hút đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững.

2
TP. Sông Công (Thái Nguyên) - "Thành phố công nghiệp" luôn quan tâm cải cách thủ tục hành chính và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư.

Ông Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành Trung ương, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, tỉnh Thái Nguyên đang có sự phát triển đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, một số mục tiêu, chỉ tiêu có sự phát triển bứt phá; đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, đô thị phát triển theo hướng văn minh và hiện đại; nông thôn phát triển đạt các tiêu chí nông thôn mới, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; xây dựng hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực. Tỉnh Thái Nguyên đã quyết liệt xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động, lấy doanh nghiệp và nhân dân là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư được kịp thời triển khai thông qua các giải pháp, biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ và tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn vốn; đẩy mạnh các giải pháp cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số hiệu quả, quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI); tăng cường thu hút đầu tư, tổ chức nhiều hội nghị triển khai các chính sách, cơ chế mới của Nhà nước, kiểm tra, rà soát có giải pháp cụ thể đối với các dự án chậm tiến độ, kéo dài trên địa bàn, từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nhiều nhà đầu tư lớn đã vào đầu tư trên địa bàn, nhiều dự án lớn được khởi động; nhiều dự án đã hoàn thành, đi vào sản xuất, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

1a
Tỉnh Thái Nguyên quan tâm chăm lo đời sống công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc đối thoại với công nhân lao động.      

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng hài lòng về chất lượng điều hành của chính quyền, đánh giá tốt về môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư thể hiện ở điểm số PCI năm sau cao hơn năm trước. Tỉnh huy động cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc cải cách môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư; sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh đã áp dụng cơ chế “một cửa liên thông”. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên áp dụng cơ chế một cửa liên thông nên giảm thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử đất lần đầu xuống còn dưới 24 ngày, giảm nhiều so với qui định của pháp luật...

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc cho biết: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các văn bản phân công chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, triển khai đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh; trong đó tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, xây dựng 8 chương trình, 16 đề án, 20 dự án công trình trọng điểm. Do vậy, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong hai năm 2016-2017 và giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản được thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra đáp ứng các yêu cầu, các chỉ số của năm sau luôn cao hơn năm trước.

4a
Tỉnh Thái Nguyên coi trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên  Nguyễn Thanh Tuấn thường xuyên xuống cơ sở tham gia các hoạt động trồng cây, bảo vệ môi trường.

Về Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI tỉnh Thái Nguyên trong 3 năm liên tục đều đứng trong “Top” 10 tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt nhất cả nước. Đây cũng chính là những đánh giá, cảm nhận từ phía cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà đầu tư đối với bộ máy hành chính của tỉnh. Điều đó cũng phản ánh mức độ hài lòng hay chính là lòng tin của doanh nghiệp, của Nhà đầu tư đối với cơ quan hành chính của tỉnh, đồng thời phản ánh những nỗ lực của các cấp chính quyền đối với việc kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

4
Cùng với phát triển công nghiệp, tỉnh Thái Nguyên còn coi trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Theo các chuyên gia kinh tế, ý nghĩa của Hội nghị xúc tiến đầu tư không những nằm ở các sản phẩm được ký kết mà nó còn thể hiện ở tinh thần, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ công chức cùng nhau chung tay, góp sức xây dựng một môi trường thuận lợi nhất cho các hoạt động xúc tiến đầu tư và kinh doanh để cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế sẽ thuận lợi đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.