Kinh tế biển xanh - Bao giờ cán đích?

Kinh tế - Ngày đăng : 12:20, 30/05/2018

(TN&MT) - Phát triển kinh tế biển xanh, một nền kinh tế biển với giấc mơ tới năm 2020 khu kinh tế ven biển giữ vai trò chủ đạo cho mục tiêu kinh tế trên biển và...
(TN&MT) - Phát triển kinh tế biển xanh, một nền kinh tế biển với giấc mơ tới năm 2020 khu kinh tế ven biển giữ vai trò chủ đạo cho mục tiêu kinh tế trên biển và ven biển của Việt Nam đóng góp 53 - 55% GDP cả nước đang có thêm nhiều động lực. Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc sắp chính thức trở thành những đặc khu kinh tế của Việt Nam, đi kèm là những chính sách, ưu đãi đặc thù nhằm hướng tới mức thu nhập bình quân đầu người/đặc khu là 10.000USD. Nhưng nhìn vào cơ cấu ngành nghề và công nghệ từ những nền kinh tế biển đang là chủ lực chính, các chuyên gia không khỏi lo ngại cho một môi trường biển ngày càng có nguy cơ bị suy thoái nặng nề.
Kinh tế biển xanh
Chủ trương đầu tư cho khu kinh tế biển là cần thiết nhưng phải tính toán bài bản, không nên đầu tư tràn lan, nửa vời. Ảnh: MH
Đang phát triển đúng hướng?

Hội nghị lần thứ 4 ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) đã có quan điểm chỉ đạo về định hướng Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, thể hiện rõ  các lĩnh vực cần được ưu tiên hình thành trong việc tạo dựng một nền kinh tế biển phát triển cao, gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người dân ven biển. Đó là hình thành một số lĩnh vực kinh tế mạnh gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế để ra biển, làm động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Đến năm 2020, phát triển thành công, có bước đột phá về kinh tế biển, ven biển gồm: Khai thác, chế biến dầu khí; kinh tế hàng hải; khai thác và chế biến hải sản; phát triển du lịch biển và kinh tế hải đảo; xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển. Trước mắt, sẽ tập trung đầu tư phát triển du lịch biển, xây dựng cảng biển, phát triển công nghiệp đóng tàu, phát triển những ngành dịch vụ mũi nhọn như: Vận tải biển, các khu kinh tế ven biển; tạo các điều kiện cần thiết bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân hoạt động, sinh sống trên biển, đảo và ở những vùng thường bị thiên tai.

Sau 10 năm thực thi Chiến lược Biển Việt Nam có thể thấy, một số ngành, nghề được xác định là công nghiệp mũi nhọn cho sự phát triển kinh tế biển như: Hàng hải, du lịch, khai thác chế biển thủy hải sản, xuất khẩu... dường như vẫn chưa có động lực bứt phá. Đầu tư vào nền kinh tế biển đang bị chuyển dần sang hướng xây dựng và phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, các ngành công nghiệp nặng. Việc trải thảm đỏ đầu tư nước ngoài với những dự án lớn được điểm danh tại các khu kinh tế ven biển phần nhiều là các nhà máy lọc dầu, nhà máy cơ khí nặng Doosan, nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện thép với ngọn cờ đầu đóng góp trong thành tích tăng trưởng GDP quý I/2018 là Formosa... Sự trùng lặp định hướng đầu tư giữa các khu kinh tế ven biển tại các tỉnh, thành có biển không chỉ dẫn đến cuộc chạy đua thu hút đầu tư bằng ưu đãi vượt trội đôi khi thiếu tính toán, cân nhắc, gây bất bình trong dư luận. Bằng chứng là thời gia qua, không ít dự án công nghiệp nặng như: Thép, giấy... bị Chính phủ “tạm dừng” sau đề xuất của địa phương. Trong khi đó, rất ít các khu chế xuất công nghệ cao, khu đóng tàu hay dịch vụ hàng hải thu hút được đầu tư từ các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế, hình thành trên các vùng kinh tế trọng điểm. Đây chính là mối nguy cơ tiềm ẩn đang dần hiện thực hóa mà giới chuyên gia đặt nhiều tâm huyết với kinh tế nước nhà đang nói đến đó là khó có thể phủ nhận, chúng ta vẫn đi tiếp trên lối mòn tiếp nhận công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn quá nhiều rủi ro với môi trường khi tạo quá nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư với những ngành không trong diện ưu tiên phát triển kinh tế biển.

Nếu chỉ nhìn vào con số phát triển, dường như kinh tế biển đang đi đúng quỹ đạo phát triển khi thống kê năm 2016, các khu kinh tế ven biển đạt tổng doanh thu khoảng 8 tỷ USD, xuất khẩu đạt hơn 5 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt, “chiếc bánh” không chia đều mà tập trung chủ yếu cho 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm có các dự án quy mô lớn đang và dự kiến triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020.

Nhưng nếu nhìn vào con số Nhà nước đã và đang bỏ ra đầu tư vào vào hạ tầng, cảng biển, cho 8 khu kinh tế này mới thấy sự đóng góp chỉ là con số quá nhỏ khi theo số liệu của Bộ KH&ĐT, đến hết năm 2010, tổng vốn đầu tư hạ tầng của các khu kinh tế lên đến gần 170.000 tỷ đồng. Sau 7 năm, con số chắc chắn còn lớn hơn nhiều và tất cả hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế ven biển thuộc phần... ngân sách Nhà nước.

Các khu kinh tế ven biển còn lại cũng sẽ được hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020 vừa được phê duyệt. Theo đó, hơn 20.982 tỷ đồng vốn, trong đó, phần lớn là vốn ngân sách được tính toán đầu tư vào nhiều mục tiêu, trong đó có việc hoàn thành từ 200 - 250km đường giao thông chính, xử lý nước thải tập trung với công suất từ 13.000 - 14.000m3/ngày đêm, hạ tầng kỹ thuật và xã hội các khu tái định cư với tổng diện tích từ 150 - 200ha của 16 khu kinh tế ven biển.

Đối mặt... cách nào?

Theo Chuyên gia Kinh tế biển Nguyễn Tác An, “xanh hóa” nền kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng là nhu cầu có tính thời đại. Nhưng đây là nhiệm vụ rộng lớn và hết sức khó khăn, đòi hỏi những giải pháp cải cách căn cơ, đổi mới trong hệ thống thể chế, chính sách; thực hiện cơ cấu lại toàn bộ các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp. “Phát triển kinh tế xanh cần có cơ hội và nhiều điều kiện tự nhiên, môi trường, sinh thái cũng như chính trị, xã hội; phải làm rất nhiều việc trong quá trình xanh hóa nền kinh tế biển của mình ở biển Đông, nơi có nhiều tiềm năng và là trụ cột chính cho sự phát triển bền vững và hưng thịnh” - ông An nói.

Còn theo ông Vũ Thanh Ca - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo cho biết, Chiến lược Biển Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, đáng lo ngại nhất là suy thoái tài nguyên. Các hệ sinh thái đang bị suy thoái nghiêm trọng khiến Việt Nam chưa phát triển kinh tế biển đáng kể.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên, việc nâng cao hiệu quả của các khu kinh tế ven biển đi đôi với bảo vệ môi trường được đặt ra từ những năm 2010, đáp án được đưa ra là phải đột phá về mặt tư duy. Nhưng việc dám nhìn thẳng vào những bất hợp lý trong việc phát triển khu kinh tế ven biển, từ đó tìm ra hướng đột phá, cùng những chiến lược cụ thể mới chỉ dừng lại ở góp ý, gợi ý, tuyên truyền. Việc đi đến thống nhất đâu là điểm đột phá, đâu là những nút thắt cần tháo gỡ dẫn đến khu kinh tế ven biển vẫn phát triển theo đường hướng bị đánh giá ồ ạt, cục bộ địa phương, gây lãng phí nguồn lực như cả chục năm về trước vẫn còn chưa được đưa ra một cách rõ ràng.

Để tìm được điểm đột phá trên, GS. TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế đưa ra 3 tham số cần phải đồng thời đặt lên bàn để cân nhắc: Ưu thế vùng, mục tiêu quốc gia và bài toán tối ưu hóa.

Theo đó, dựa trên ưu thế của từng khu kinh tế ven biển, mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam, bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới, để xác định được ngành đầu tư ưu tiên, mục tiêu đặt ra là ngành đầu tư phải có triển vọng, kết nối, lan tỏa với kinh tế trong nước và thế giới. Trên cơ sở đó, tổ chức kết nối logistics của khu kinh tế ven biển với trung tâm kinh tế ở các tỉnh, các cảng biển.

“Chủ trương đầu tư cho khu kinh tế biển là cần thiết nhưng phải tính toán bài bản, chứ không nên đầu tư tràn lan, nửa vời. Kết nối phải theo hướng tối ưu hóa, không chỉ như quan niệm hiện tại là kết nối đường cao tốc mà bỏ quên hệ thống đường sắt... Mọi tính toán đầu tư đều phải dựa trên quan điểm làm thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất cho nền kinh tế chung” - GS. Đặng Đình Đào lưu ý.

Còn rất nhiều việc cần phải làm, nhưng có vẻ như đây là con đường chúng ta nên cân nhắc lựa chọn. Bởi lẽ, với những con số bày ra trước mắt, những khoản đầu tư rất lớn trong tương lai cho các khu kinh tế ven biển đang không đến được với doanh nghiệp Việt mà chủ yếu về tay các doanh nghiệp FDI. Không phủ nhận, khối doanh nghiệp này đã đóng góp rất tích cực cho tăng trưởng GDP nhưng khi đất nước còn nghèo, không nên trả một cái giá quá đắt chỉ để có được một con số đẹp. Và với sự phát triển bền vững nền kinh tế biển, thực thi thể chế để hỗ trợ nhà đầu tư phát triển quan trọng hơn rất nhiều với việc bằng mọi cách “ưu đãi” để thu hút được nguồn vốn đầu tư.