Lào Cai: Atiso giải cứu nông dân
Kinh tế - Ngày đăng : 14:57, 31/05/2018
Chúng tôi đến Sa Pa trong một sớm mùa hè, trên những thửa ruộng bậc thang đồng bào vùng cao đương mùa thu hoạch lá atiso. Niềm vui, hiện rõ lên trong khuôn mặt họ. Tôi cảm nhận cuộc sống nơi này đã phần nào đổi khác, ấm no đã về với bản của Sa Pa.
Thoăn thoắt đôi bàn tay cắt lá atiso, ông Giàng A Chơ, thôn Suối Hồ, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, hồ hởi nói: Trước năm 2000, tại thôn Suối Hồ, cây atiso trồng tự phát, mỗi gia đình có vài ba gốc để làm vị thuốc nam. Rồi không biết từ đâu, cơ duyên nào mà người Mông ở đây đua nhau trồng loại thảo dược này. Năm 1998, thì Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sapa xuất hiện... hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đặc biệt là nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm atiso sau thu hoạch nên bà con tích cực mở rộng diện tích.
Đến nay, cả thôn có khoảng 15ha. Nhờ có đầu ra ổn định và giá thành cao nên cây atiso đã giúp cho gia đình tôi và nhiều hộ dân trong thôn Suối Hồ thoát nghèo, có cuộc sống khá giả.
Giá lá atiso tươi được Công ty Trapaco thu mua trong liên vụ 2018, duy trì ổn định khoảng 2.000 đến 2.200/kg. Nếu so sánh trên cùng một diện tích đất canh tác thì trồng atiso có lợi nhận cao gấp 5 – 7 lần trồng lúa nước.
“Trước đây, 2.800m2 ruộng bậc thang của gia đình tôi trồng lúa một vụ/năm, chỉ cho thu nhập khoảng 13 triệu đồng. Nhưng từ khi chuyển đổi sang trồng atiso, mỗi năm cho 8 đợt cắt lá. Gia đình tôi đã có thu nhập từ 70 – 80 triệu đồng, sau khi đã trừ hết các khoản chi phí sản xuất. Ngoài ra còn có thêm thu nhập đáng kể từ việc bán hoa và củ atiso cho khách mua về ngâm rượu, làm gia vị thuốc bắc” – Anh Giàng A Chơ, cho biết.
Cách đó không xa, các thành viên trong gia đình anh Thào A Sử, thôn Sa Pả, xã Sa Pả, huyện Sa Pa cũng đang hối hả thu thu hoạch lá atiso trong niềm vui phấn khởi. Anh Sử vui vẻ kể: “Cùng trên diện tích 1.600m2 ruộng bậc thang, trước đây gia đình chỉ biết trồng lúa nước một vụ, không đủ ăn. Từ năm 2011, gia đình mình chuyển đổi sang trồng cây atiso, gia đình tôi đã thoát nghèo, có tiền sửa nhà, sắm xe máy, ti vi, đặc biệt là thấy yên tâm để lo cho 2 con tiếp tục ăn học”.
Theo người dân trồng atiso ở Sa Pa thì đây là loại cây trồng rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên không mất nhiều công chăm sóc. Đặc biệt, một liên vụ trồng và thu hoạch atiso kéo dài trong khoảng 7 - 8 tháng. Kết thúc vụ bà con tiếp tục trồng các loại rau xanh và có thêm một nguồn thu nhập đáng kể.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế, huyện Sa Pa đã đưa 70ha cây atiso vào danh mục cây trồng dược liệu chủ đạo. Trung bình một năm, bà con thu hoạch hơn 3000 tấn lá tươi, đem lại nguồn thu gần 8 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, huyện Sa Pa, cho biết: “Huyện Sa Pa có chủ trương đảm bảo 4 nguyên tắc, đó là: cây, con giống phải phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; phù hợp với trình độ lao động sản xuất của người dân; ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất và đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cây atiso đã đáp ứng được cả 4 yếu tố trên và đem lại hiệu quả kinh tế rõ ràng khi giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.
Tuy nhiên để đảm bảo đầu ra và chất lượng sản phẩm atiso không ngừng được nâng lên, huyện Sa Pa có chủ trương không mở rộng diện tích, tập trung chăm sóc tốt diện tích hiện có trong giai đoạn từ nay đến 2020. Cùng với đó, các loại cây trồng và cây dược liệu khác cũng sẽ được huyện phát triển theo đúng quy hoạch, không phát triển ồ ạt để tránh những hệ lụy, khó tiêu thụ được sản phẩm có thể xảy ra cho bà con nông dân”.
Những bước đi thận trọng trong việc phát triển cây dược liệu nói chung, atiso của huyện Sa Pa nói riêng luôn là cần thiết, được xây dựng từ sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người dân và các bộ phận chuyên môn trong khối Nhà nước trong việc quy hoạch vùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty Traphaco Sa Pa, cho biết: "Trong những năm qua, công ty chúng tôi luôn tích cực và chủ động trong việc liên kết 4 nhà, qua đó cùng đồng hành với bà con nông dân, phối hợp với địa phương quy hoạch vùng trồng phát triển dược liệu, làm sao mỗi cây dược liệu có định hướng tại một địa điểm trồng một cách cụ thể, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng của cây dược liệu. Hiện tại tỉnh Lào Cai, vùng trồng nguyên liệu atiso có khoảng 100ha, trong đó, tại huyện Sa Pa là 70ha, cơ bản đã cung ứng đủ cho dây truyền sản xuất của nhà máy lắp đặt tại Lào Cai”.
Được biết, Công ty Traphaco Sa Pa còn góp phần tạo việc làm và đảm bảo thu nhập hơn 200 hộ nông dân trồng atiso, chủ yếu là đồng bào tộc thiểu số như dân tộc Mông, Dao tại huyện Sa Pa. Để tiếp tục khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, tỉnh Lào Cai có chủ trương phát triển cây dược liệu đến năm 2020, với mục tiêu mở rộng diện tích đạt 3.700ha và chủng loại đạt 22 loại cây dược liệu, sản lượng khoảng 12 nghìn tấn/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được từ cây atiso thì việc chi phí đầu tư trồng cây dược liệu lớn hơn so với nhiều loại cây trồng khác và trình độ lao động sản xuất của người nông dân vùng cao còn hạn chế... Do đó, cơ quan chức năng địa phương mong muốn các cấp, các nghành trung ương, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược liệu tích cực tham gia hỗ trợ cùng với địa phương, nhanh chóng đem lại cuộc sống tốt hơn cho người nông dân vùng cao.
Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với sự lỗ lực của các cấp các nghành và người dân trong việc phát triển cây dược liệu, thì Sa Pa sẽ không chỉ được du khách thập phương biết đến là Khu du lịch Quốc gia mà còn là vùng trọng điểm trồng các loại thảo dược quý trên toàn quốc và tại thời điểm này atiso đang là cây giải cứu đồng bào các dân tộc ở Sa Pa.